Phải có quy định đầy đủ về vận chuyển hàng hóa siêu trường, siêu trọng
(CLO) Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự án Luật Đường bộ liên quan đến nhiều vấn đề như khoa học, công nghệ, ứng phó biến đổi khí hậu, thủy lợi, dữ liệu điện tử; do đó việc thẩm tra cần có sự phối hợp theo phạm vi phụ trách, tương tự như cách làm của dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Rà soát để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các luật có liên quan
Ngày 13/7, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 24, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đường bộ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan tích cực phối hợp rà soát, nghiên cứu, quy định rõ nhiều nội dung để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Phát biểu tại phiên họp, gợi ý những vấn đề cần tiếp tục làm rõ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị trong thời gian dài và công phu. Dự án Luật Đường bộ đã được Quốc hội cho phép đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và dự kiến cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6. Chủ tịch Quốc hội lưu ý hồ sơ dự án Luật phải bảo đảm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật với đầy đủ các tài liệu như báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp, báo cáo đánh giá tác động.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự án Luật Đường bộ liên quan đến nhiều vấn đề như khoa học, công nghệ, ứng phó biến đổi khí hậu, thủy lợi, dữ liệu điện tử; do đó việc thẩm tra không thể “khoán trắng” cho Ủy ban Quốc phòng và An ninh mà cần có sự tham gia của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Ủy ban Kinh tế; Ủy ban Tài chính, Ngân sách và Ủy ban Pháp luật theo phạm vi phụ trách để tham gia thẩm tra, tương tự như cách làm của dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Về phạm vi điều chỉnh, Chủ tịch Quốc hội đề nghị định nghĩa làm rõ “hoạt động đường bộ” để xác định phạm vi điều chỉnh, xác định luật này chỉ quy định về kết cấu hạ tầng đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ, vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về đường bộ. Chủ tịch Quốc hội lưu ý bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, không thể dùng luật này để sửa các luật khác như Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quy hoạch, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Thủy lợi, Luật Quảng cáo, Luật Tổ chức chính quyền địa phương… Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải rà soát lại để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các luật liên quan và thống nhất với luật được tách ra là dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, trong thực tiễn phát sinh một số vấn đề vướng mắc cần có sự điều chỉnh của pháp luật như khái niệm đường song hành, đường gom; vấn đề đầu tư đô thị theo định hướng mô hình TOD, vấn đề tường chống ồn, hàng rào chống ồn là một hạng mục đặc biệt quan trọng trong hệ thống đường giao thông, đường cao tốc, đường qua đô thị...
Quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn thiết kế, kỹ thuật, quản lý, vận hành, khai thác
Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu thêm đến kết cấu hạ tầng, phương tiện giao thông, vận tải đường bộ, quản lý nhà nước trong điều kiện cách mạng 4.0; vấn đề về thu phí không dừng, cơ sở dữ liệu; vấn đề quản lý, khai thác các công trình kết cấu hạ tầng, tính kinh tế của các kết cấu hạ tầng giao thông, chuyển nhượng quyền thu phí hạ tầng giao thông.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của kết cấu đường cao tốc, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thảo luận để có các quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật, quản lý, vận hành, khai thác, quy định về giám sát và kiểm tra, trách nhiệm pháp lý, chính sách hỗ trợ để phát triển đường cao tốc, chính sách nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển đường cao tốc và quản lý đường cao tốc, chính sách khuyến khích tổ chức kinh tế tư nhân trong và ngoài nước tham gia xây dựng đường cao tốc.

Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tham dự phiên họp.
Ngoài ra cũng cần quan tâm đến vấn đề kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phương tiện giao thông vận tải đường bộ trong điều kiện phải thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với các luật liên quan như Luật Tài nguyên rừng, Luật Thủy lợi, Luật Phòng, chống thiên tai… Cần phải có quy định về khí thải và lộ trình chuyển đổi phương tiện kinh doanh vận tải phù hợp với mục tiêu giảm phát thải nhà kính. Cần phải có quy định đầy đủ, bổ sung rõ hơn về vận chuyển hàng hóa siêu trường, siêu trọng hiện đang có nhiều ách tắc, nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về xe quá khổ lưu thông trên đường bộ trong một số trường hợp, Chủ tịch Quốc hội gợi ý.
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát quy định về hợp tác quốc tế trong vận tải đường bộ trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia Hiệp định khu vực có liên quan vận tải đường bộ như Hiệp định tạo thuận lợi vận tải, người và hàng hóa qua lại biên giới các nước khu vực; tham gia Mạng lưới đường bộ ASEAN, Mạng lưới đường bộ Châu Á, Hiệp định quy định tiêu chuẩn đường bộ, Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, vận tải đa phương thức…
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, dự án Luật Đường bộ là dự án luật quan trọng và khó, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa nội dung này để xem xét cho ý kiến ngay từ phiên họp thường kỳ tháng 7 sẽ tạo điều kiện, có thêm thời gian để tiếp tục thảo luận kỹ lưỡng và nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện dự án luật.