Khi xã hội bước vào thời kỳ công nghệ 4.0, hệ thống mạng xã hội (MXH) phát triển vừa góp phần liên kết con người với nhau cũng như tới gần hơn với các nguồn thông tin. Tuy nhiên, điều gì cũng có hai mặt của nó. Các cơ quan báo chí hiện nay đều phát triển những trang tin, tờ báo điện tử, giúp thông tin đến bạn đọc một cách nhanh chóng, mọi người đều có thể chia sẻ thông tin một cách dễ dàng trên MXH. Dù vậy, thực trạng hiện nay là hầu hết cơ quan báo chí xem nhà báo sử dụng MXH là vấn đề cá nhân, sử dụng MXH dưới danh nghĩa cá nhân nhưng khi phát ngôn trên mạng xã hội, cộng đồng sẽ hiểu đó là quan điểm của nhà báo và ít nhiều là quan điểm của cơ quan báo chí nơi nhà báo đó đang làm việc, độ tin cậy của thông tin sẽ cao hơn. Phát ngôn của nhà báo trên MXH rất dễ vi phạm nguyên tắc quan trọng của nghề báo là khách quan, trung thực. Nhiều nhà báo đưa thông tin cho bạn đọc trên MXH đi ngược lại với quan điểm bài viết mình trên báo cũng như quan điểm của tòa soạn (nhà báo hai mặt), điều này khiến cho uy tín các tờ báo chính thống bị giảm sút, người dân thậm chí sẽ hoang mang và dần mất niềm tin vào nhà báo cũng như tòa soạn. Chính vì vậy, phải có ranh giới phân biệt rõ ràng giữa nhà báo và người dân sử dụng MXH để tránh hậu quả đáng tiếc.
Phóng viên Trần Thị Thu Trang
Tôi cho rằng việc xây dựng, hoàn thiện và ban hành bản “Quy tắc sử dụng mạng xã hội của nhà báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam” trong thời gian sắp tới để nhằm cụ thể hóa Điều 5 trong 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam vô cùng cấp thiết hiện nay. Bản “Quy tắc” này theo tôi cần nhấn mạnh vào những điểm như sau: Nhà báo công khai tài khoản định danh của mình trên MXH cho tòa soạn; Nhà báo nên trao đổi trước và thống nhất với tòa soạn trước khi đưa thông tin lên MXH; thông tin được nhà báo đưa lên MXH phải nhất quán với bài viết của mình ở tòa soạn; Nhà báo không được sử dụng MXH với danh nghĩa nhà báo nhằm phục vụ lợi ích cá nhân gây ảnh hướng xấu tới xã hội.
Khi bản “Quy tắc” này được ban hành sẽ giúp nhà báo sử dụng MXH tốt hơn, có trách nhiệm hơn về phát ngôn của mình trên MXH và góp phần xây dựng một môi trường MXH lành mạnh và tốt hơn. Không chỉ vậy, uy tín của nhà báo sẽ được giữ gìn cũng như tòa soạn sẽ luôn là điểm tựa cho niềm tin độc giả.
Tuy nhiên, bộ quy tắc này chỉ nên là định hướng cho người làm báo, không nên cấm đoán nhà báo, dù vậy bản thân nhà báo cũng phải tự giác ý thức được hành vi của bản thân, ý thức được những việc mình nên và không nên làm, từ đó tự xây dựng được những chuẩn mực đạo đức khi tác nghiệp, ứng xử trên MXH cũng như các phương tiện truyền thông khác tốt hơn.
Huy Hoàng (Ghi)