Phải dành nguồn lực cho các dự án có khả năng hấp thụ vốn
(CLO) Đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, phải ưu tiên cho đầu tư để hỗ trợ tăng trưởng, nhưng trước hết là phải dành nguồn lực cho các dự án đang triển khai, có khả năng hấp thụ vốn.
Ngày 26/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, thảo luận về Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) đồng tình cần phải xem xét điều chỉnh các quy định liên quan đến vấn đề sử dụng nguồn tăng thu tiết kiệm chi. Song, đại biểu cũng chỉ ra thực tế của quy định này hiện nay còn có chỗ chưa hợp lý.
Đại biểu lấy ví dụ quy định ưu tiên sử dụng trước tiên nguồn này cho giảm bội chi, tăng trả nợ. Nếu thực hiện đúng nguyên tắc này thì phải xử lý để giảm bội chi, tăng trả nợ còn dư mới chuyển sang mục tiêu ưu tiên tiếp theo.
Theo đại biểu, nếu như vậy thì chẳng bao giờ có nguồn sang cho ưu tiên tiếp theo, vì bội chi và nợ ngân sách quá lớn so với nguồn tăng thu hàng năm.
“Việc sửa Luật lần này cần xác lập lại trật tự và tính chất ưu tiên cho rõ ràng, nhất là chấp hành được nhất quán từ Trung ương đến địa phương và tăng cường kỷ cương kỷ luật tài chính”, ông Lâm nói.

Ông Lâm cho rằng, trong giai đoạn hiện nay phải ưu tiên cho đầu tư để hỗ trợ tăng trưởng, nhưng trước hết là phải dành nguồn lực cho các dự án đang triển khai, có khả năng hấp thụ vốn.
“Nếu có sử dụng cho các dự án mới thì các dự án đó phải là các dự án đang có trong kế hoạch đầu tư trung hạn và đủ điều kiện để triển khai thực hiện sớm hơn, không nên bố trí dàn trải vào các dự án bổ sung”, ông Lâm nói và cho rằng, nếu có vấn đề đột xuất thì đã có nguồn dự phòng xử lý theo quy định.
Đại biểu cũng nói thêm: Thời gian qua, nguồn này kể cả Trung ương và địa phương đã bố trí cho nhiều dự án không có trong đầu tư trung hạn, chưa thực sự cấp bách, chưa thực hiện kỹ lưỡng cho nên khó triển khai.
“Có tiền không tiêu được, tiền để trong két nhưng không thể giải ngân, phải chuyển nguồn qua nhiều năm, góp phần tăng tổng chuyển nguồn, tăng tồn ngân quỹ ngân sách. Trong khi đó, nợ ngân sách đi vay vẫn phải trả lãi gây lãng phí không nhỏ”, ông Lâm nói.
Vị đại biểu nhấn mạnh, khi có tiền tăng thu thì phung phí vào các dự án nhỏ lẻ, trong khi cần làm việc lớn thì khó khăn về nguồn. Vì vậy, cần quy định chặt chẽ để đảm bảo và sử dụng có hiệu quả nhất các nguồn lực của ngân sách Nhà nước, trong đó có nguồn tăng thu tiết kiệm chi.
Về mức dư nợ vay của ngân sách địa phương, dự thảo Luật quy định mức dư nợ vay đối với các địa phương không nhận bổ sung cân đối không vượt quá 120%.
Góp ý về nội dung này, đại biểu Trần Văn Lâm nói rằng “dễ vay thì dày nợ”, nếu tăng trần nợ công cho các địa phương có thể làm phân tán nguồn lực quốc gia vào các dự án nhỏ lẻ ở các địa phương, mà không còn room vay nợ để tập trung nguồn lực cho các công trình, dự án lớn. Do đó, ông Lâm đề nghị cân nhắc vấn đề này.

Cùng góp ý về nội dung này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Tp.HCM) lại cho rằng, việc điều chỉnh tăng mức dư nợ vay của ngân sách địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển trong tình hình mới hiện nay là cần thiết.
“Vừa qua, thực hiện chủ trương của Đảng, chúng ta đã thực hiện sáp nhập 63 tỉnh thành còn 34 địa phương. Vì vậy, rất cần nguồn lực đầu tư để kết nối trong nội thành, kết nối vùng. Tuy nhiên, ông Ngân việc này có thể làm tăng nợ công”, ông Ngân nói.
Vì vậy, vị đại biểu đề nghị xem xét thêm đối với các địa phương là Hà Nội, Tp.HCM do 2 địa phương này đang có nhiều dự án lớn. Ông đề nghị cân nhắc nâng mức trần dư nợ này lên mức 150 - 200%.