Tin tức

Phải luôn ý thức được giá trị to lớn của hòa bình...

Duy Trung - Quốc Toản (Ghi) 30/04/2025 06:19

(CLO) Từng trải qua những tháng ngày khốc liệt trên chiến trường Quảng Trị, cựu chiến binh Nguyễn Trung Ngọc (xã Xuân Quan, Văn Giang, Hưng Yên) hiểu hơn ai hết giá trị của hai tiếng "Hoà bình". Mỗi ký ức ông kể lại như một thước phim sống động, ngập tràn máu, nước mắt và lòng quả cảm. Giữa những giây phút sinh tử, ước mơ nhỏ nhoi nhất chỉ là một bát cơm nguội cũng trở thành "hạnh phúc".

Ảnh chụp màn hình 2025-04-28 120050
Trong chiến tranh, không ai biết mình sẽ chết lúc nào, điều bình dị nhất ở đời thường trên chiến trường lại là hạnh phúc.

Những ký ức không phai mờ

Với ông Ngọc và những người đồng đội đã ngã xuống, "Hoà bình" là cái giá phải trả bằng máu, bằng sinh mạng của hàng triệu con người để hôm nay đất nước có thể đứng vững, ngẩng cao đầu trên hành trình phát triển.

Vào những ngày cuối tháng 4 lịch sử, nhóm phóng viên báo Nhà báo và Công luận có dịp trò chuyện với ông Nguyễn Trung Ngọc - nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 325A - nghe ông kể về những năm tháng hào hùng trong quân đội, với đầy ắp kỷ niệm về những trận đánh ác liệt năm xưa.

Qua khung hình chiếc tivi, nhìn những hàng duyệt binh đều tăm tắp, trong khí thế hừng hực tuôn trào của cả nước chào mừng Ngày chiến thắng 30/4 thống nhất đất nước, mắt ông Nguyễn Trung Ngọc luôn ầng ậng nước. Từng kí ức như thước phim quay lại một cách vẹn nguyên, đôi mắt của người cựu chiến binh chợt nhoà đi khi nhớ về những tang thương trên chiến trường Quảng Trị 1972.

Chia sẻ với chúng tôi, người lính Nguyễn Trung Ngọc kể lại, những ngày đối mặt với sự sống và cái chết mong manh như một sợi chỉ, máy bay địch lượn như diều hâu khắp chiến trường gầm rít bên tai, thì hòa bình là thứ gì đó xa xỉ lắm. Bởi vì, khi đang còn chiến đấu trên chiến trường, không ai biết mình sẽ chết lúc nào, không ai biết khi nào có thể trở về quê hương. Ngay cả bát cơm nguội, một ước mơ tầm thường nhất với bất kỳ ai sống trong thời bình, nhưng với ông và nhiều đồng đội, nó lại trở thành niềm hạnh phúc vô bờ khi ông từng phải trải qua 16 ngày đêm chiến đấu trong hầm chỉ bằng điều tầm thường ấy.

xetang-dinhoclap-baophapluat_1_rotr.jpg

Dù qua sách báo hiểu được phần nào là đau thương chiến tranh, nhưng khi nói chuyện với cựu chiến binh Nguyễn Trung Ngọc, một người lính chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, nhiều lần thịt da đồng đội bắn lên người, nhiều lần hành quân khi ngoảnh đầu lại bom đã xóa nát cả một tiểu đội, chúng tôi mới thấy rằng mình đang sung sướng lắm, vì chúng tôi đang được sống trong hoà bình” - Nhóm PV

Hòa bình xây nên từ những đau thương

Nhìn lại lịch sử hàng ngàn năm, mỗi lần đất nước ta giành lại độc lập là một lần dân tộc lại trải qua biết bao đau thương. Mỗi chiến thắng là kết tinh của những hy sinh không gì đo đếm nổi. Dẫu vậy, tinh thần quật cường, dũng cảm và mạnh mẽ của người dân Việt Nam giúp vượt qua mọi đau thương, vất vả để giành lại hòa bình, độc lập và tự do.

Từng có những năm tháng dầm mưa dãi nắng ở chiến trường, người đàn ông 72 tuổi thấm thía lắm giá trị của hòa bình và độc lập. Trong những tiếng bước chân duyệt binh rầm rập, trong ánh mắt kiêu hãnh của các lực lượng vũ trang, tất cả đều hướng về lá cờ đỏ sao vàng — lá cờ thấm đẫm máu thịt của bao thế hệ chiến sĩ, thân thể người lính già Nguyễn Trung Ngọc rung lên bật bật khi nghe tiếng Quốc ca vang lên.

20250426_141108.jpg
Một tuổi trẻ hào hùng được ông Nguyễn Trung Ngọc tái hiện rành rọt qua từng lời nói, với ông, chiến trường Quảng Trị 1972 vĩnh viễn không thể quên.

Chia sẻ với chúng tôi rằng, những hình ảnh của đoàn quân diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, khiến làm ông sống lại thời trẻ đầy sôi nổi, cho dù có gian nan, vất vả.

Ông Ngọc kể lại, cuối năm 1971, người lính trẻ Nguyễn Trung Ngọc khi ấy mới tròn 17 tuổi bắt đầu khoác trên mình màu áo lính. Sau vỏn vẹn 2 tháng huấn luyện ngoài Bắc, đơn vị của ông được lệnh di chuyển vào phía Nam, chi viện cho chiến trường. Do tình hình chiến dịch tại Quảng Trị quá căng thẳng, nhóm lính trẻ trong đó có Nguyễn Trung Ngọc được đưa vào Hà Tĩnh và tiến đến Quảng Trị, địa bàn khốc liệt nhất.

"Những ngày đó ở nơi đây không khác gì một 'cối xay thịt'. Những ngày sống trong 'mưa bom, bão đạn', chúng tôi phải chiến đấu giành từng mét đất trước kẻ thủ", ông Ngọc nhắc lại chuyện cũ mà giọng nghẹn lại.

“81 ngày đêm chiến đấu ở Quảng Trị là 81 ngày giành giật sự sống và cái chết. Khốc liệt và mất mát quá lớn, chúng tôi mất đi 567 đồng chí và chỉ tính riêng tiểu đoàn tôi hy sinh 66 đồng chí”, người cựu chiến binh Nguyễn Trung Ngọc vừa nói vừa lau nước mắt khi mà những hình ảnh của hơn 50 năm trước như mới vừa hôm qua.

Ông Ngọc kể, thời điểm đơn vị của ông di chuyển vào chiến trường Quảng Trị, quân ta và quân Mỹ tranh chấp quyết liệt bên bờ sông Thạch Hãn. Chính quyền Mỹ-Ngụy coi tuyến phòng thủ Quảng Trị là “con đê ngăn chặn” vững chắc nhất ở miền nam Việt Nam. Ngày 14/6/1972, địch bắt đầu mở cuộc hành quân hành quân “tái chiếm lại Quảng Trị”. Đây chính là trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam - được mệnh danh là “mùa Hè đỏ lửa”, với sự huy động hỏa lực lớn chưa từng có.

Ảnh chụp màn hình 2025-04-28 120437
Ông Nguyễn Trung Ngọc vừa kể chuyện vừa lật lại từng chiến công trong quãng đường đời lính.

Ông Ngọc kể lại: “Tiểu đoàn của chúng tôi được lệnh vào thành cổ Quảng Trị để chống chính quyền Mỹ - Nguỵ tái chiếm. Chúng dùng lực lượng không quân và pháo binh rất mạnh. Lực lượng địch tập trung tới 4/5 lực lượng không quân và 3/4 lực lượng pháo binh. Chúng tôi di chuyển tới Đông Hà, sau đó chuyển tiếp vào giáp dòng sông Thạch Hãn và chiến đấu trọn 81 ngày đêm tại chiến trường ác liệt này”.

“Ta chỉ hoạt động vào ban đêm, còn ban ngày địch dùng máy bay gào rú lượn khắp bầu trời. Xung quanh không đâu là không lửa khói và bụi. Máy bay B10 và L19 khống chế trên bầu trời suốt ngày đêm, còn dưới mặt đất pháo binh của chúng cũng bắn không ngừng nghỉ đến mức người còn không nhìn thấy mặt nhau", ông nói tiếp.

"Khi hành quân, chúng tôi chỉ đi đêm theo từng tốp 3 người và cách nhau từ 7-10m. Tình hình rất căng thẳng và nguy hiểm, mỗi ngày có cả một đại đội hi sinh. Trong trận chiến, chúng tôi chứng kiến có những tiểu đội vừa bổ sung hôm nay mà đến ngày mai đã chết hết, chưa kịp biết tên ai. Và không ít lần những đồng đội bị bắn tan xác ngay bên cạnh mình”, nói tới đây, ông Nguyễn Trung Ngọc ôm mặt khóc.

Phải một khoảng lặng của cảm xúc trào dâng, ông Ngọc bình tĩnh lại và kể tiếp: “Ở chiến trường Quảng Trị, tôi may mắn thoát chết nhiều lần, nhưng nhiều đồng đội thì không được may mắn như thế. Có những lần chúng tôi chỉ đứng cách nhau vài mét, máy bay và pháo địch oanh tạc hai đồng đội bị bắn tan xác, máu thịt đồng đội ướt đẫm người tôi.

Cũng không ít lần, hành quân ra sông làm nhiệm vụ, khi quay về đồng đội chết cả trong hầm. Tàn khốc lắm, nhiều lời trăng trối của đồng đội gửi gắm với bố mẹ già ở hậu phương nhưng chúng tôi về cũng không dám nói, vì nghe nó đau đớn quá”.

“Sau này đọc thống kê tôi mới thấy nó khốc liệt thế nào. Mỗi người lính chiến đấu ở Quảng Trị phải chịu 700 trăm quả đạn pháo và hơn 100 quả bom. Lúc ấy, quân mình bị thương nhiều quá, mà chỉ sơ cứu qua bởi tối mới có thể chuyển về tuyến sau điều trị, đa số chết vì nhiễm trùng” – người lính trẻ năm ấy hoài niệm về thời bom đạn đã qua của mình.

Ông Nguyễn Trung Ngọc tái hiện lại một phần lịch sử khi chiến đấu bên bờ sông Thạch Hãn.

Hai tiếng “Hoà bình” đẹp lắm

“Hoà bình đẹp lắm!” – ông Ngọc thốt lên khi chúng tôi hỏi cảm nhận của ông khi rời quân ngũ vào năm 1977. Ông Ngọc nói tiếp: “Nếu so với hiện tại và những gì chúng tôi đã từng trải qua, mọi thứ đều quá quý giá. Tôi vẫn nhớ suốt đời một bát cơm được nấu từ gạo mốc xin được của một đội pháo binh khi rời khỏi chốt sau 16 ngày chỉ ăn lương khô, uống nước lã. Bát cơm ấy tôi vẫn thường kể cho con cháu mình đó là bát cơm ngon nhất".

Chứng kiến và trải qua khổ đau quá nhiều, khi mà trong đói khổ vẫn phải giành giật sự sống và cái chết, thậm chí đồng đội chết chỉ kịp đào vội rồi chôn mà vừa rời bước chân đi thì pháo địch lại cày lên tan nát, nên những người như ông Ngọc thấm thía lắm ý nghĩa của hai tiếng “Hoà bình”.

Trong cảm xúc, ông Ngọc chia sẻ rằng ông may mắn vì còn sống sót, nhưng với đồng đội nằm xuống họ không biết thế nào là hòa bình và gia đình họ nỗi đau còn mãi mãi.

"Ngày hôm nay, dưới bầu trời bình yên, không còn phải nghe tiếng bom gào đạn rú, không phải lo sợ bất cứ lúc nào cũng có thể mất đi người thân yêu. Nhìn những điều bình dị xung quanh mà bỗng yêu tới lạ thường. Hòa bình không chỉ đẹp, mà là món quà thiêng liêng nhất mà những thế hệ cha ông đã để lại và trao tặng cho đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới", người cựu chiến binh Nguyễn Trung Ngọc nói.

Trước khi chia tay nhóm phóng viên báo Nhà báo và Công luận, ông Ngọc không quên nhắc nhở chúng tôi như những người thân trong gia đình, lời dặn dò hãy gìn giữ, bảo vệ từng mảnh đất quê hương, càng thời bình càng phải tỉnh táo và cố gắng hơn nữa.

"Còn gì đẹp hơn vẻ đẹp được xây lên từ những kiên trung, bất khuất? Còn gì vững bền hơn nền móng hàng nghìn năm kiên cường đấu tranh giành lại độc lập của bao thế hệ cha ông...", câu nói vừa như câu hỏi, vừa như lời động viên, tiếp sức, để chúng tôi và cả chúng ta, những người con đất Việt phải luôn ý thức được giá trị to lớn của hòa bình....

    Nổi bật
        Mới nhất
        Phải luôn ý thức được giá trị to lớn của hòa bình...
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO