Phải tăng tổng cầu để thúc đẩy tăng trưởng
(CLO) Theo các chuyên gia, phải tăng tổng cầu để thúc đẩy tăng trưởng nhưng không thể chỉ trông vào chi tiêu chính phủ, bởi nếu chi tiêu công tăng quá nhiều sẽ tạo nên những bất ổn khác.
Không gian kinh tế có điều kiện mở rộng
Ngày 10/7/2023, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương CIEM đã công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam 2023. Theo bản báo cáo này: “Dù còn khoảng cách so với mục tiêu đề ra, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã có sự cải thiện giữa các quý”. Trong đó tăng trưởng GDP đạt 3,28% trong quý I/2023 và 4,14% trong quý II/2023. Tính chung sáu tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng đạt 3,72%.
Để có sự cải thiện đó, theo TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng của CIEM: “Chính phủ đã đánh giá sát sao, thận trọng đối với các xu hướng, vấn đề kinh tế quốc tế và trong nước. Nhờ đó, công tác điều hành của Chính phủ đã phát huy tác động tích cực hướng tới giảm thiểu các tác động bất lợi từ bên ngoài”.
Nổi bật nhất là đã giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và bảo đảm an sinh xã hội.

Hội thảo công bố Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cuối năm 2023”. Ảnh: Hà Linh
“Không gian kinh tế cũng có điều kiện mở rộng, với việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh”, bà Minh nói.
Chính phủ cũng đã và đang cân nhắc tích cực hơn cơ chế thử nghiệm cho một số ngành, lĩnh vực; cơ chế đặc thù cho một số vùng, địa phương (như trường hợp của Thành phố Hồ Chí Minh).
Quan trọng hơn, kinh tế Việt Nam bước đầu đã có những nỗ lực “chuyển đổi kép”, kết hợp giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh nhằm tạo động lực mới cho phục hồi kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Nhưng thách thức, khó khăn còn rất lớn. doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Tình hình lao động, việc làm trong 6 tháng đầu năm đối mặt với không ít thách thức do nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất do đơn hàng giảm, và chi phí sản xuất tăng cao… Tăng trưởng tiềm năng của Việt Nam cũng sụt giảm.
GDP cả năm có thể tăng 6,46%
Trong bản báo cáo công bố ngày 10/7 này, CIEM đã cập nhật kết quả dự báo cho năm 2023 theo 3 kịch bản:
“Kịch bản 1: Dự báo GDP tăng 5,34%. Xuất khẩu cả năm giảm 5,64%. CPI bình quân cả năm 2023 tăng 3,43%. Cán cân thương mại đạt thặng dư 9,1 tỷ USD.
Giả thiết của kịch bản này là bên cạnh các yếu tố kinh tế thế giới Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách tương tự như nửa cuối các 3 năm 2021-2022.
Kịch bản 2: GDP dự báo tăng 5,72%. Xuất khẩu giảm 3,66%. CPI bình quân cả năm tăng 3,87%. Cán cân thương mại đạt thặng dư 10,3 tỷ USD.
Giả thiết cho kịch bản này là có thêm một số điều chỉnh về nới lỏng tiền tệ và tài khóa tích cực hơn ở Việt Nam. Giải ngân đầu tư công và tăng trưởng tín dụng tốt hơn.
Kịch bản 3: GDP cả năm tăng 6,46% trong năm 2023. Xuất khẩu giảm 2,17%. CPI cả năm tăng 4,39%. Thương mại đạt thặng dư 6,8 tỷ USD.
Kịch bản 3 dựa trên giả thiết kinh tế thế giới chuyển biến tích cực hơn và có sự quyết liệt trong cải cách và điều hành ở Việt Nam. qua đó giúp đạt kết quả tối đa về giải ngân/hấp thụ đầu tư công và tín dụng, cải thiện môi trường kinh doanh và năng suất lao động, thúc đẩy và thực hiện hoạt động đầu tư theo hướng hiệu quả hơn.
Những sức ép tích cực để cải cách quyết liệt hơn
“Để đạt được kịch bản 3, cần cả những điều kiện thế giới tốt hơn và Việt Nam phải phát huy tốt nhất những gì mình có và phải nỗ lực rất lớn”, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM, người trình bày báo cáo nói.
Thực tiễn các năm 2020-2022 đã cho thấy không ít lần Việt Nam gặp phải suy giảm tăng trưởng trong 1-2 quý đầu năm, nhưng sau đó đã phục hồi mạnh mẽ trong các tháng cuối năm.
“Với tâm thế ấy, bối cảnh khó khăn trong các tháng đầu năm 2023 cũng chính là “sức ép tích cực” để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam phải quyết liệt hơn trong điều hành và cải cách trong thời gian tới” ông Dương hy vọng.
Nhưng để các dự báo tích cực trở thành hiện thực, như ông Dương đã nói cần cả điều kiện tốt bên ngoài và những nỗ lực bên trong. Nhưng nỗ lực đó, theo CIEM khuyến nghị, đó là:
Thứ nhất: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát vẫn quan trọng, song cũng cần lưu tâm hơn đến tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.
Đồng thời tiếp tục cải thiện tiếp cận vốn và cả khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp và nỗ lực hơn nữa trong cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng suất lao động. Những hành động này sẽ giúp giảm áp lực từ chênh lệch tổng cung tổng cầu khi đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và tín dụng;
Bên cạnh đó cần mạnh dạn ban hành quy định về cơ chế thử nghiệm cho các mô hình kinh tế mới (fintech, kinh tế tuần hoàn);
Thứ hai: Thực hiện hiệu quả các FTA (CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP,...) và nghiên cứu, đàm phán nâng cấp một số FTA của ASEAN. Đơn giản hóa thủ tục cấp C/O; đổi mới hoạt động XTTM.
Thứ ba: Thu hút và sử dụng hiệu quả đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới.Trong đó cải cách môi trường đầu tư - kinh doanh có ý nghĩa rất quan trọng (như cân nhắc tăng cường độ mở cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia một số lĩnh vực).
Tiếp đó là cần có tư duy liên kết vùng trong thu hút FDI. Đào tạo kỹ năng cho người lao động để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp FDI. Thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp nước ngoài.
Bà Hồng Minh hy vọng Chính phủ sẽ có những thúc đẩy mạnh mẽ về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ sẽ có nghị quyết riêng về lĩnh vực này, từ đó khó khăn của doanh nghiệp được giảm bớt đưa kinh tế tốt hơn.
TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và cạnh tranh cho rằng bên cạnh những khuyến nghị của CIEM, cần có những cảnh báo thẳng thắn bởi quý III và quý IV sẽ rất khó khăn.
“Dù là quý II đã nhích lên một chút, một số lĩnh vực như xây dựng và dịch vụ nhích lên và từ quý IV và sang năm khó khăn sẽ bớt đi. Nhưng nói chung lại là phải thấy rằng vẫn rất khó khăn”, ông Thành nhấn mạnh.
Các chuyên gia cùng thống nhất rằng cần tăng tổng cầu để thúc đẩy tăng trưởng. Và nhìn ở tổng cầu, ông Thành cũng đặc biệt nhấn mạnh, trong lịch sử Việt Nam chưa bao giờ thương mại ở Việt Nam suy giảm. Bây giờ thương mại đang sụt giảm. Và vì sao xuất khẩu lại sụt giảm mạnh như hiện nay, đó là câu hỏi. Xuất khẩu, thương mại giảm kéo đến ảnh hưởng đến toàn bộ sản xuất, nhất là sản xuất công nghiệp, liên quan đến việc làm và thu nhập.
Vấn đề nữa, ông Thành lưu ý đó là nhập khẩu cũng giảm, trong đó nhập khẩu thiết bị máy móc, nguyên vật liệu giảm như thế nó cũng cho thấy đầu tư đang giảm. Và phải bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng và tài chính, đây là vấn đề rất quan trọng.
TS. Lê Duy Bình nhấn mạnh cần phải có một đánh giá đầy đủ về tổng cầu của kinh tế Việt Nam. Đây là vấn đề rất quan trọng không chỉ cho năm nay mà cả những thời gian sau. Phải tăng tổng cầu để thúc đẩy tăng trưởng nhưng không thể chỉ trông vào chi tiêu chính phủ, bởi nếu chi tiêu công tăng quá nhiều sẽ tạo nên những bất ổn khác.
Dù kịch bản nào cũng phải giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm an toàn cho hệ thống tài chính ngân hàng, củng cố niềm tin của thị trường, của doanh nghiệp và nhà đầu tư, ông Bình kết luận.