Phải trao cơ hội cho người tài được cống hiến, được trọng dụng
(CLO) ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, muốn thu hút và giữ chân người tài, không chỉ là ưu đãi về tiền lương. Điều quan trọng hơn là trao cho họ cơ hội được cống hiến, được tin tưởng và được trọng dụng.
Chiều 14/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Tham gia ý kiến về quy định liên thông đội ngũ cán bộ, công chức từ cấp xã đến cấp tỉnh và thống nhất một chế độ công vụ, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) khẳng định, đây là một bước tiến cải cách đúng hướng, cần thiết và rất đáng ủng hộ.
Bà Nga cho rằng, hiện nay, cán bộ, công chức cấp xã đang nằm ngoài hệ thống công vụ chuyên nghiệp, trong khi họ lại là người gần dân nhất, trực tiếp thực thi chính sách, xử lý thủ tục hành chính và giải quyết hàng loạt vấn đề phát sinh từ thực tiễn. Tuy nhiên, do chế độ không ổn định, không có lộ trình phát triển rõ ràng và ít cơ hội thăng tiến, nguồn nhân lực chất lượng khó được giữ chân, càng khó thu hút người giỏi về công tác ở cấp cơ sở.
.jpg)
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, việc quy định cơ chế liên thông từ cấp xã đến cấp tỉnh và thống nhất chế độ công vụ trên toàn hệ thống hành chính nhà nước sẽ giải quyết tận gốc sự phân mảnh trong quản lý nhân sự khu vực công, đồng thời mở ra cơ hội phát triển bình đẳng cho cán bộ cấp xã trên cơ sở năng lực và kết quả công tác, thay vì bị rào cản bởi cấp hành chính. Quan trọng hơn, cơ chế liên thông sẽ tạo ra một chuỗi phát triển cán bộ từ cơ sở, qua thực tiễn, lên các vị trí cao hơn, thay vì chỉ tuyển chọn “từ trên xuống”.
“Đây chính là cách để kết hợp đào tạo lý luận với rèn luyện qua thực tiễn, điều mà nhiều quốc gia có nền công vụ hiệu quả như Hàn Quốc, Singapore hay Pháp đã và đang làm rất tốt”, nữ ĐBQH nhấn mạnh.
Về chính sách phát hiện và đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, dự thảo luật quy định "Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút, trọng dụng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ".
Về nội dung này, đại biểu nhất trí cao việc sửa đổi, nhấn mạnh vào "chính sách đặc biệt" để thu hút nhân tài.
Tuy nhiên, để chính sách thực sự phát huy hiệu quả, nữ ĐBQH cho rằng cần nhìn nhận rõ tài năng trong hoạt động công vụ là một dạng tài năng rất đặc thù. Không chỉ đòi hỏi năng lực chuyên môn, kỹ năng tổ chức, mà còn cần sự liêm chính, tinh thần trách nhiệm, khả năng chịu áp lực và bản lĩnh chính trị.
.jpg)
Đại biểu nhấn mạnh: “Không thể phát hiện người tài bằng hồ sơ, bằng cấp, hay qua các kỳ thi hình thức. Người tài trong công vụ cần được phát hiện thông qua nhiệm vụ thực tiễn, qua khả năng xử lý vấn đề mới, phức tạp, và đặc biệt là qua kết quả tạo ra giá trị công”.
Bà Nga cho rằng, muốn thu hút và giữ chân người tài, không chỉ là ưu đãi về tiền lương. Điều quan trọng hơn là trao cho họ cơ hội được cống hiến, được tin tưởng và được trọng dụng.
Nữ ĐBQH đoàn Hải Dương cũng kiến nghị Chính phủ cần quy định rõ một số cơ chế then chốt như: Thiết kế lại hệ thống đánh giá cán bộ theo đầu ra và hiệu quả công vụ, không chỉ dựa vào hình thức, quy trình.
Bên cạnh đó, cho phép xây dựng các cơ chế thử thách và lựa chọn nhân tài linh hoạt, đặc biệt ở những vị trí cần sáng tạo, đổi mới.
Đồng thời, trao quyền cho người đứng đầu trong việc phát hiện, đề xuất và sử dụng người tài, nhưng đồng thời phải đi kèm cơ chế giám sát, đánh giá khách quan.
“Nếu không cải cách mạnh mẽ từ khâu phát hiện, sử dụng đến đãi ngộ, thì chính sách ưu đãi người tài có ghi trong luật cũng chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, hoặc sự đãi ngộ không thực sự đúng đối tượng”, đại biểu nêu.
Đại biểu cũng dẫn chứng một số kinh nghiệm quốc tế để tham khảo. Như tại Singapore, người có tài năng trong khu vực công được tuyển chọn từ rất sớm, đưa vào các chương trình đào tạochuyên sâu, có lộ trình nghề nghiệp rõ ràng.
Đặc biệt là được giao nhiệm vụ lớn để rèn luyện và chứng minh năng lực. Ở Pháp hay Nhật Bản, hệ thống công vụ cho phép phát hiện và thăng tiến người giỏi từ cấp cơ sở, đi kèm với chính sách đãi ngộ theo vị trí và kết quả công tác, không cào bằng theo thâm niên.