Phạm Quang Đẩu- Một cây bút đam mê khoa học công nghệ

Thứ năm, 05/09/2019 14:43 PM - 0 Trả lời

(CLO) Bằng tình yêu cháy bỏng với khoa học công nghệ, đại tá, nhà văn, nhà báo Phạm Quang Đẩu - nguyên Trưởng Ban Quân đội Nhân dân Cuối tuần – Báo Quân đội Nhân dân đã chuyển tải những điều tưởng chừng khô khan, khó hiểu trở nên sinh động, hấp dẫn qua những bài báo và trang văn của mình.

   1.  Xuất thân là kỹ sư cơ khí nhưng chính năng khiếu văn chương cùng với vốn sống xã hội dày dặn đã đưa Phạm Quang Đẩu đến với công việc viết lách của một nhà báo, nhà văn từ ba thập niên về trước. Từ năm 2007 đến nay khi nghỉ hưu người ta lại thấy ông viết khỏe hơn, đều đặn hơn và gặt hái được không ít giải thưởng ở các cuộc thi văn học uy tín.

Thú thật tôi biết đến và có ấn tượng sâu sắc với ông khi đọc bài “Gặp nhà khoa học trẻ, nghĩ về sức sống của một giải thưởng” của ông đăng trên Tinh hoa Việt hồi giữa năm ngoái. Bài báo viết về Tiến sĩ Đỗ Quốc Tuấn của Trường Đại học khoa học tự nhiên- Đại học Quốc gia Hà Nội- người giành giải trẻ (dưới 35 tuổi) của giải thưởng Tạ Quang Bửu. Tôi nhiều lần ngồi nói chuyện với Tiến sĩ Tuấn, thấy anh vẫn thường nhắc: “Trong rất nhiều bài viết về tôi buổi ấy thì đây là bài hay nhất, dày dặn và chính xác về những thông tin khoa học nhất”. Thật vậy, ở bài viết này tác giả đã khai thác kỳ công, tỉ mỉ ở lĩnh vực vật lý lý thuyết rất cao siêu, được diễn giải hoàn toàn bằng toán học về sự hình thành và phát triển của vũ trụ.

Từ năm 2007 đến nay khi nghỉ hưu người ta lại thấy ông viết khỏe hơn, đều đặn hơn và gặt hái được không ít giải thưởng ở các cuộc thi văn học uy tín.

Từ năm 2007 đến nay khi nghỉ hưu người ta lại thấy ông viết khỏe hơn, đều đặn hơn và gặt hái được không ít giải thưởng ở các cuộc thi văn học uy tín.

Thế rồi mới đây, trong một buổi sáng đầu thu trong tư gia của nhà văn Phạm Quang Đẩu ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), ông nói rằng, trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, việc chuyển tải những lĩnh vực chuyên môn sâu, rất hiện đại ra ngôn ngữ đại chúng để mọi người đều có thể hiểu được là điều rất cần thiết nhưng phải có phương pháp. Thời gian qua có tình trạng là, không ít những bài báo đại chúng viết ẩu, viết “ngớ ngẩn” về những lĩnh vực khoa học công nghệ.

Trao đổi với tôi về “bí quyết” cần có bài viết sao cho dễ hiểu, chuẩn xác, ông cho biết: “Khi viết về nhà khoa học nào, ngoài việc trao đổi trực tiếp để tìm ra nội dung cần khai thác, nên yêu cầu họ cho xem những công trình đã được đăng trên các tạp chí chuyên ngành. Tất nhiên nhà báo đại chúng không thể đọc, hiểu nội dung chuyên sâu của những bài báo khoa học đó, song có thể nhờ tác giả nói qua về nội dung, ý nghĩa để có điều kiện chuyển tải những thông tin đầy tính chuyên môn đó ra ngôn ngữ đại chúng. Người viết cũng cần ghi lại chuẩn xác những danh từ riêng, hoặc tên tuổi các nhà khoa học được bài báo viện dẫn bằng tiếng nước ngoài, để sau này không có sự nhầm lẫn, hoặc viết sai về chuyên môn”.

     2. Khi ông viết báo, thường viết về nhà khoa học với các công trình có tính thời sự của họ. Còn viết văn, trong hầu hết các tiểu thuyết của ông nhân vật chính cũng đều là trí thức, nhà khoa học, với những số phận vinh quang và cay đắng của họ. Tiểu thuyết đầu tay Bẩy ngày tự thú, NXB Hội Nhà văn năm 1991 của ông, tập trung miêu tả một kỹ sư sinh học, có năng lực song không biết chiều lòng cấp trên, bị trù dập nặng nề, dẫn tới phải tự vẫn (Cuốn sách làm người ta liên tưởng tới một vụ việc tương tự đã xảy ra ở một viện nghiên cứu của ngành Y tế thời kỳ ấy). Cuốn Đánh đu cùng số phận , NXB Văn học 2012, nhân vật chính là một giáo sư, tiến sĩ tài giỏi trong chuyên môn bao nhiêu, thì lại khờ khạo với cuộc sống đời thường bấy nhiêu, để rồi phải chịu bao phiền toái, thiệt thòi do cấp trên, đồng nghiệp, học trò và cả vợ con mang lại...

Cuốn tiểu thuyết chân dung Đơn tuyến do NXB Công an nhân dân in lần đầu năm 2013, tái bản 2015 với nhân vật chính là một nhà tình báo ẩn danh đồng thời là một nhà toán học gạo cội của nước ta: Thiếu tướng công an, Giáo sư Nguyễn Đình Ngọc (1932-2006). Đây là một tác phẩm tiêu biểu cho phong cách viết pha trộn giữa báo chí và văn học của ông.

Từ trước đến nay, người ta hay nói đến các thể loại tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết trinh thám, tiểu thuyết viễn tưởng hay truyện ký, hồi ký, ký chân dung... mà ít thấy nói đến thể loại tiểu thuyết chân dung, với tác phẩm này nhà văn Phạm Quang Đẩu đã “dũng cảm” khai phá một thể loại mới. Ông cho biết: “Cuốn Đơn tuyến của tôi còn có thể gọi là tiểu thuyết tư liệu như nhiều cuốn đã có trên thế giới. Phần tự bạch ở đầu sách đã nói rõ cái cách tôi triển khai tác phẩm: Sự kiện, nhân vật lịch sử được tôn trọng tối đa thông qua tư liệu, lời kể của người thân, bạn bè, bên cạnh đó hư cấu đóng vai trò kết nối và tô đậm tính cách”.

Đại tá, nhà báo, nhà văn Phạm Quang Đẩu

Đại tá, nhà báo, nhà văn Phạm Quang Đẩu

Để làm được điều này, ngoài việc khai thác hồi ức một số người thân, đồng đội của nhân vật, ông còn phải đọc khá nhiều tư liệu, sách vở. Đặc biệt bỏ công sức lục tìm trong kho dữ liệu kỹ thuật số, với gần 300 tài liệu tham khảo khác nhau. Khi xong bản thảo lần đầu vào cuối năm 2012, ông chỉ đưa cho hai người nhờ đọc, góp ý, thâm tâm nghĩ, nếu được sự đồng tình, chí ít có cảm tình là thành công bước đầu rồi; ngược lại, sẽ phải…bỏ. Hai người đó là nhà văn Ma Văn Kháng để xin góp ý về nghề và bác sĩ Nguyễn Đình Kim, em ruột của nhân vật chính. Thật mừng khi trả lại bản thảo, nhà văn Ma Văn Kháng viết hẳn ra giấy những lời khích lệ: “Từ chất liệu có thực đến một chế phẩm văn chương, đó là tài nghệ và công phu sáng tạo của nhà văn Phạm Quang Đẩu. Lịch sử thì bề bộn một dòng chảy sôi sục. Còn con người thì nhỏ bé nhưng đã neo vào lịch sử và tác động vào lịch sử bằng một sức mạnh giản dị mà tầm vóc thì thật lớn lao. Đó là chân dung một nhà tình báo đặc sắc ít thấy mà tôi đã được thấy”.

Còn bác sĩ Nguyễn Đình Kim thì đã vui vẻ nói với tác giả: “Tôi chỉ có vài đính chính nhỏ về gia đình tôi trước cách mạng thôi. Sinh thời anh tôi rất kín tiếng, bây giờ qua Đơn tuyến tôi mới biết đầy đủ về chiến công của anh tôi. Chỉ có điều anh mô tả tâm hồn ông anh tôi lãng mạn hơn thực tế một tí”. Cuối cùng thì cuốn tiểu thuyết chân dung này đã giành giải A trong cuộc thi viết tiểu thuyết và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” nhân Kỷ niệm 70 năm ngành Công an nhân dân (19/8/1945 - 19/8/2015) do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Công an tổ chức. Nhà văn Phạm Quang Đẩu còn nói thêm với tôi: “Được giải cao thì mừng, nhưng còn mừng hơn sau khi Đơn tuyến ra mắt bạn đọc đã mấy năm nay mà không bị ai kiện cáo gì cả. Viết tiểu thuyết về người thật việc thật quả không dễ đâu.”

      3. Phạm Quang Đẩu có gần 40 năm phục vụ quân đội (hàm Đại tá). Một thành tựu nữa của ông về đề tài người lính là tiểu thuyết Một ngày là mười năm đã được nhận giải thưởng Văn học sông Mê Kông của Hội Nhà văn ba nước Ðông Dương, năm 2010. Đây là cuốn sách viết về cuộc đời của một trí thức dấn thân, có mặt trong đội quân tình nguyện quốc tế Việt Nam tại nước bạn Lào suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Bên cạnh nhân vật hư cấu, tiểu thuyết còn mô tả những nhân vật lịch sử như: Giáo sư Tạ Quang Bửu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo); ông Nguyễn Chính Cầu, nguyên Chính uỷ Quân khu Nam Lào, Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương... Cuốn sách đã được nhận giải tại Thủ đô Viêng Chăn năm 2010 và mới đây Bộ Văn hóa thông tin nước ta đã chọn dịch sang tiếng Lào. 

Trong một trả lời phỏng vấn báo chí ông tự nhận mình thuộc “tạng già mới viết được”, thực ra đời cầm bút trên 30 năm của ông đã gặt hái được khá nhiều thành công rồi. Hôm nay ở tuổi ngoại 70, ngày ngày nhà văn Phạm Quang Đẩu vẫn chăm chỉ “cày cuốc” trên “cánh đồng” văn chương, báo chí. Đó dường như là thú vui tuổi già, là cái cách để ông rèn luyện bộ óc. Và khi chia tay, ông nói với tôi, từ lâu rồi khi đọc cuốn Bông hồng vàng của K.Paustopski ông đã rất tâm đắc câu: “Tôi sống và làm việc, yêu, đau khổ, hy vọng, mơ ước, chỉ biết chắc một điều rằng, sớm hay muộn, trong tuổi trưởng thành hoặc thậm chí trong tuổi già, tôi sẽ viết. Tôi viết không phải vì đặt ra cho mình nhiệm vụ ấy, mà bản chất tôi đòi hỏi phải như vậy. Và bởi vì văn học đối với tôi là một hiện tượng đẹp đẽ nhất thế giới!” Ông bảo, tự bạch ấy của nhà văn Nga, cũng chính là tự bạch của ông! 

Ngô Khiêm 

      Đại tá, nhà văn, nhà báo Phạm Quang Đẩu sinh năm 1948; quê gốc ở xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông nhiều năm làm báo và từng giữ cương vị Trưởng Ban Quân đội nhân dân Cuối tuần - ấn phẩm của Báo Quân đội nhân dân. Tác phẩm chính: Bảy ngày tự thú (tiểu thuyết, 1991); Gió lang thang (thơ, 1992); Lời tiên tri độc ác (tiểu thuyết, 1993); Ngõ toàn dở hơi (truyện ngắn 1997); Bí mật rừng chiến địa (truyện ngắn 1998); Rào tơ nhện (thơ, 2000); Cơn sốc (tiểu thuyết, 2002), Sét đánh vào thị trấn (tiểu thuyết, 2003); Một ngày là mười năm(Tiểu thuyết 2007); Đánh đu cùng số phận (Tiểu thuyết 2012); Đơn tuyến (Tiểu thuyết chân dung 2013); Anh chàng kỳ cục (Truyện ngắn 2016); Mê Tỉnh (Tiểu thuyết; sắp xuất bản 2019).

Tin khác

Để các sở, ngành và địa phương nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách

Để các sở, ngành và địa phương nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách

(CLO) Ngày 22/4, UBND tỉnh Long An tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến tập huấn về phát ngôn, giao tiếp báo chí và nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách năm 2024. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ngành và địa phương.

Nghề báo
Rà soát các chương trình có quảng cáo cờ bạc, cá độ trái phép trên truyền hình

Rà soát các chương trình có quảng cáo cờ bạc, cá độ trái phép trên truyền hình

(CLO) Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa phát đi văn bản cảnh báo gửi các Đài phát thanh, truyền hình, đơn vị hoạt động truyền hình, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền về việc kiểm soát, ngăn chặn quảng cáo cờ bạc, cá độ trái phép trên truyền hình.

Nghề báo
Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn vinh danh 20 doanh nghiệp có văn hóa đọc tốt năm 2024

Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn vinh danh 20 doanh nghiệp có văn hóa đọc tốt năm 2024

(CLO) Ngày 22/4, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn và Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã vinh danh 20 doanh nghiệp có văn hóa đọc tốt năm 2024, góp phần trong phát triển văn hóa đọc trên địa bàn TP.HCM.

Nghề báo
Gần 620 tác phẩm tham dự Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới”

Gần 620 tác phẩm tham dự Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới”

(CLO) Ngày 22/4, Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội tổ chức gặp mặt báo chí thông tin về Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ ba; phát động Cuộc thi viết lần thứ tư (2024-2025).

Nghề báo
Báo Thanh Hoá thông báo tuyển dụng 14 viên chức

Báo Thanh Hoá thông báo tuyển dụng 14 viên chức

(CLO) Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hoá vừa có thông báo về việc tuyển dụng viên chức Cơ quan Báo Thanh Hóa năm 2024.

Nghề báo