Phân cấp đầu tư các dự án, địa phương cần nỗ lực hơn
Phân cấp, phân quyền trong đầu tư hạ tầng giao thông là chủ trương đúng đắn của Thủ tướng Chính phủ nhằm huy động nguồn lực và nâng cao vai trò địa phương. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cho thấy không ít dự án do địa phương làm cơ quan chủ quản vẫn loay hoay với mặt bằng, giải ngân, thủ tục và năng lực tổ chức thực hiện.
Có thể vượt mục tiêu 3.000km cao tốc năm 2025
Một trong những mục tiêu quan trọng của ngành hạ tầng giao thông trong năm 2025 là cả nước có 3.000km cao tốc và thông toàn tuyến cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau. Mục tiêu này Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh “phải thực hiện bằng được”. Người đứng đầu Chính phủ cũng đã phát động phong trào 500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc vào năm 2025; thành lập 7 đoàn kiểm tra rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án giao thông trọng điểm.
Thực hiện chỉ đạo sát sao của Thủ tướng, Bộ Xây dựng đã triển khai đồng bộ, rốt ráo nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các dự án cao tốc trên cả nước và Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đồng thời yêu cầu các chủ đầu tư, các nhà thầu tiếp tục dồn lực “3 ca, 4 kíp” để hoàn thành các dự án đang triển khai.
Kết quả, trong 4 tháng đầu năm 2025, Bộ Xây dựng đã tổ chức thông xe 4 dự án thành phần trên tuyến Bắc - Nam với chiều dài 221km, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc đến nay lên 2.242km (gần 75%) và hợp long cầu Rạch Miễu 2 sau 3 năm triển khai.

Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, vẫn còn 12 dự án/dự án thành phần cần quyết liệt, tập trung tháo gỡ các khó khăn về giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu gồm: 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 (Cần Thơ - Hậu Giang; Hậu Giang - Cà Mau); Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua Tuyên Quang và Hà Giang; Dự án thành phần 1 và 3 cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Dự án thành phần 1, 3, 5 Vành đai 3 TP. HCM; Cao Lãnh - An Hữu; Dự án thành phần 1 và 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
“Mục tiêu đến cuối năm 2025 phải thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng đến Cà Mau theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Muốn vậy, vướng mắc tại các dự án đang triển khai phải sớm được tháo gỡ khó khăn, đặc biệt đặc biệt là tại 11 dự án thành phần địa phương làm cơ quan chủ quản hiện rất chậm, mới chỉ đạt khoảng 40% (trong khi các dự án của Bộ quản lý đạt trên 80%). Nếu đạt được, đến hết năm nay, cả nước sẽ có hơn 3.300km đường bộ cao tốc” – Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho hay.
Trong công điện số 48/CĐ-TTg ngày 22/4 mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đề cập tới tình trạng một số địa phương vẫn còn chậm triển khai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật, cấp mỏ vật liệu xây dựng. Bên cạnh chỉ đạo các bộ, ban ngành, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho hàng loạt địa phương huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để tích cực vào cuộc trong công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về vật liệu xây dựng.

Cần sự nỗ lực hơn nữa từ các địa phương
Bộ Xây dựng đánh giá, dù các địa phương với vai trò chủ đầu tư triển khai các dự án đã có nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, nhưng quá trình thực hiện trên thực tế vẫn tồn tại một số hạn chế dẫn tới chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Có thể kể đến nhưgiải ngân vốn ngân sách chậm; thiếu nguồn lực chất lượng cao và năng lực quản lý chuyên sâu; vấn đề giải phóng mặt bằng; hành chính và thủ tục rườm rà; thiếu, biến động giá vật liệu tại địa phương…
Cũng phải nhìn nhận khách quan cần thêm thời gian để có bước chuẩn bị lâm thời từ các địa phương khi được giao triển khai thực hiện các dự án có quy mô, tránh xảy ra các vụ việc sai phạm liên quan trong công tác đấu thầu, thi công như “Hậu pháo”, “Cây xanh Công Minh”... Các ban quản lý dự án cũng cần chuẩn bị kịp thời nguồn nhân lực quản lý, kiểm soát chặt chẽ các thủ tục đầu tư và am hiểu trách nhiệm thúc đẩy giải ngân vốn khi được giao, cần tuân thủ các quy định của pháp luật nhưng không được lạm dụng…
Về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng vốn đầu tư năm 2025 phân bổ cho 11 dự án giao thông trọng điểm là 87.533,1 tỷ đồng, song mới chỉ giải ngân được 4.812,7 tỷ đồng (5,5%) trong 4 tháng đầu năm, gồm 3.950,3 tỷ đồng từ ngân sách trung ương (5,3%) và 862,5 tỷ đồng từ ngân sách địa phương (6,6%). Đa số dự án giải ngân dưới 10%. Hiện có tới 12 địa phương đạt mức giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2025 dưới 10% như: Khánh Hòa; Cao Bằng; Bình Dương, Đồng Nai; An Giang, Sóc Trăng; Quảng Trị...
Ví dụ như tại Quảng Trị mới chỉ giải ngân được hơn 506 tỷ đồng, đạt 10,48% so với kế hoạch Thủ tướng giao. Theo Sở Tài chính tỉnh Quảng Trị, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm là do nhiều nguyên nhân như: Kế hoạch vốn tăng cao, trong khi công tác nghiệm thu khối lượng ở đầu năm còn chậm; tỷ trọng lớn nguồn vốn đến từ thu sử dụng đất và xổ số kiến thiết (chiếm 24%), nhưng tiến độ thu còn thấp, mới đạt khoảng 9%; bên cạnh đó, thủ tục thanh toán phức tạp và việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn nhiều bất cập.
Nhìn sang Cao Bằng – nơi cũng có tỷ lệ giải ngân vốn NSNN thuộc nhóm thấp nhất cả nước, với cách nhìn thẳng thắn và chỉ ra các giải pháp tháo gỡ của Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng Quản Minh Cường, các nguyên nhân chính là do giao vốn chậm, tâm lý “nghe ngóng” phổ biến, chuẩn bị đầu tư kém, điều chỉnh dự án nhiều lần, giải phóng mặt bằng chậm do thiếu quyết liệt và dữ liệu yếu, hạn chế về năng lực cán bộ và bộ máy tổ chức, quy trình phối hợp liên ngành còn khá rườm rà, thiếu đồng bộ cùng với tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm…
Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng chia sẻ: “Chậm giải ngân vốn đầu tư công là vấn đề không mới nhưng vẫn dai dẳng. Để khắc phục, cần nhìn nhận đây không chỉ là câu chuyện kỹ thuật mà còn là vấn đề về thể chế, kỷ luật hành chính và trách nhiệm cá nhân. Chỉ khi từng cấp, từng ngành và từng cán bộ nhận thức rõ vai trò của mình, hành động quyết liệt và chủ động, thì mới có thể tháo gỡ được nút thắt này, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững”.
Trong bối cảnh phát triển hạ tầng giao thông đang được đẩy mạnh, vai trò của các địa phương là quan trọng. Việc trao quyền chủ quản dự án cho các địa phương theo chủ trương phân cấp, phân quyền của Thủ tướng Chính phủ là hướng đi hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, một bộ phận cán bộ quản lý xây dựng tại các địa phương còn lúng túng trong quản lý dự án, tài chính công và thủ tục hành chính, gây ảnh hưởng tới tiến độ chung.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, có 28 dự án/dự án thành phần cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.188km dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Trong đó, Bộ Xây dựng là cơ quan chủ quản 14 dự án/760km đang bám sát kế hoạch, đạt tỷ lệ hơn 85% so với tổng số 889km thực hiện. Các địa phương thực hiện 2 dự án/26km đảm bảo tiến độ, đạt chưa đến 9% so với tổng số 299km.
Đáng chú ý, có tới 9 trong số 11 dự án/ dự án thành phần được các địa phương chủ quản với chiều dài 273km (gồm dự án thành phần 1, 3, 5 Vành đai 3 TP. HCM, dự án thành phần 1 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, dự án thành phần 1 và 3 cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Tuyên Quang - Hà Giang, dự án thành phần 1 An Hữu - Cao Lãnh) chậm tiến độ và có nguy cơ không hoàn thành vào cuối năm 2025 (bình quân giá trị sản lượng đạt 46%, trong khi các dự án do Bộ Xây dựng làm cơ quan chủ quản bình quân 72%).
Theo một vị chuyên gia trong ngành giao thông nhận định, chỉ khi địa phương có sự nhìn nhận đầy đủ về trách nhiệm, năng lực của các ban quản lý dự án được nâng cao, các lợi ích đan xen giảm đi thì chính sách phân cấp, phân quyền mới thực sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho đất nước. Để khắc phục những khó khăn, cần đánh giá các tồn tại từ các dự án đầu tư công triển khai từ các địa phương đã được phân cấp phân quyền, qua đó giao quyền từng phần hoặc quyết định phân quyền khi đã xác lập trách nhiệm của người đứng đầu địa phương với 5 rõ “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả”.
Cần xác lập vai trò trách nhiệm của các Bộ/ngành như Bộ Xây dựng, Bộ Tài Chính, Kiểm toán Nhà nước trong dẫn dắt, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương đồng thời tổ chức đào tạo chuyên sâu kỹ năng quản lý dự án, quy trình thẩm định, thủ tục tạm ứng, hoàn công thanh quyết toán vốn đầu tư… Đặc biệt, cần cập nhật quy định pháp lý mới, xây dựng mô hình quản lý dự án, quy tắc ứng xử qua đó xác lập cách quản lý loại hình đầu tư công, loại hình đầu tư PPP.