Thái Nguyên:

Phấn đấu tự chủ thu - chi ngân sách, trở thành trung tâm kinh tế vùng Trung du và miền núi phía Bắc

Thứ ba, 21/01/2020 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Từ một tỉnh miền núi khó khăn, kinh tế tập trung chủ yếu vào trồng trọt và chăn nuôi, chỉ sau hơn 20 năm tái lập, Thái Nguyên đã có những bước chuyển mình vô cùng mạnh mẽ.

Vùng đất “Thủ đô kháng chiến” năm nào nay đã trở thành một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất cả nước và đang phấn đấu tự cân đối về thu chi ngân sách, trở thành trung tâm kinh tế vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Những bước chuyển mình mạnh mẽ

Ngày 4/11/1831, tỉnh Thái Nguyên được thành lập, đến năm 1901, Toàn quyền Đông Dương có Nghị định về điều chỉnh địa giới, cắt một phần diện tích đất của Phú Lương (Thái Nguyên) về Bạch Thông (Bắc Kạn). Ngày 21/4/1965, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định thành lập tỉnh Bắc Thái trên cơ sở hợp nhất 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Để đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân các dân tộc và yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày 6/11/1996, Quốc hội nước CHXHCNVN khóa IX đã phê chuẩn việc chia tỉnh Bắc Thái thành 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Ngày 1/1/1997, tỉnh Thái Nguyên chính thức được tái lập.

Đ/c Trần Quốc Tỏ- Bí Thư Tỉnh ủy Thái Nguyên (người đứng thứ tư từ phải sang) và Đ/c Vũ Hồng Bắc- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên (người đứng thứ 5 từ phải sang) đang kiểm tra, đôn đốc các Dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Đ/c Trần Quốc Tỏ- Bí Thư Tỉnh ủy Thái Nguyên (người đứng thứ tư từ phải sang) và Đ/c Vũ Hồng Bắc- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên (người đứng thứ 5 từ phải sang) đang kiểm tra, đôn đốc các Dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Từ thời khắc đó đến nay đã tròn 22 năm. 22 năm qua, vượt qua muôn vàn khó khăn, bằng sự nỗ lực, sự đồng tâm, đồng lòng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã giành được những kết quả hết sức ấn tượng, tạo cho mảnh đất “Thủ đô gió ngàn” sự chuyển mình mạnh mẽ. Đặc biệt từ năm 2004 khi Nghị quyết số 37-NQ/TƯ của Bộ Chính trị  đi vào cuộc sống, trở thành động lực quan trọng làm thay đổi đời sống kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của cả vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37 của tỉnh Thái Nguyên về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2004 – 2018 cho thấy những con số hết sức ấn tượng: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2004 - 2018 tăng 12,8%/năm, giai đoạn 2004 - 2008 là 10,73%, giai đoạn 2009 - 2013 là 7,9%, giai đoạn 2014 đến nay là 20,13%; trong đó năm 2015 tăng cao nhất là 33,2%. 

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ; giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp. Năm 2018, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng chiếm 57,2%; khu vực dịch vụ chiếm 31,9%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm còn 10,9%.  GRDP bình quân đầu người tăng từ 5,9 triệu đồng năm 2004 lên 77,7 triệu đồng năm 2018 (gấp 13 lần); tương đương 3.370 USD/người/năm (mục tiêu đến năm 2020 theo Nghị quyết 37-NQ/TW là 2.000 USD/người/năm). 

Kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt 25.066,2 triệu USD, gấp 857 lần năm 2004; là tỉnh đứng đầu vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và đứng thứ 4 cả nước về kim ngạch xuất khẩu, đóng góp 10,2% vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2018 đạt 15.023 tỷ đồng (gấp 34,7 lần năm 2004), tăng bình quân trên 26,3%/năm. Con số này là nền tảng để năm 2020, Thái Nguyên hướng tới mục tiêu tự cân đối thu chi.

Báo Công luận

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2018 đạt 55.188 tỷ đồng (gấp 15,7 lần năm 2004). Số xã đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) đến hết năm 2018 là 88 xã, năm 2019 có thêm 13 xã đạt chuẩn NTM nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM là 101 xã. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác về cơ bản đều hoàn thành và vượt kế hoạch giao hàng năm và kế hoạch 5 năm.

Chỉ trong vòng 5 năm từ 2012 đến 2017, thu hút đầu tư FDI của Thái Nguyên đã tăng gấp 6 lần về số lượng và tăng gần 70 lần về vốn đầu tư so với giai đoạn 1993 - 2011. Năm 2018, Thái Nguyên đã thu hút được 163 dự án đầu tư, trong đó có đến 83 dự án FDI. Trên địa bàn tỉnh có 6  KCN trong đó 4 KCN đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho 104.000 lao động, nộp ngân sách trên 6.200 tỷ đồng.

Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông từng bước được đầu tư hoàn thiện; diện mạo của tỉnh từ thành thị đến nông thôn có nhiều khởi sắc. Bắt đầu từ năm 2009, hàng chục tuyến đường quan trọng - cửa ngõ giao thông huyết mạch kết nối với các khu công nghiệp và những địa phương lân cận được xây dựng.

Cải cách hành chính là khâu đột phá

Từ một địa phương với vô vàn khó khăn những ngày đầu tái lập, chỉ hơn 2 thập kỷ đã là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất cả nước. Để làm được thành công lớn ấy, cải cách hành chính một cách đồng bộ, triệt để trong cả hệ thống chính trị được xem là một trong những yếu tố tiên quyết.

Báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TƯ của Bộ Chính trị  cho thấy Thái Nguyên đã cơ bản hoàn thành, hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết. Kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, một số lĩnh vực có sự phát triển bứt phá; hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch hằng năm; văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; quốc phòng, an ninh được bảo đảm; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường; các chính sách xã hội được quan tâm đúng mức; cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư hoàn thiện; diện mạo của tỉnh từ thành thị đến nông thôn có nhiều khởi sắc; đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao; niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố.

Cải cách thủ tục hành chính ở Thái Nguyên cho đến nay luôn được đánh giá là khâu đột phá, mang lại những hiệu quả lớn trong việc thu hút các nhà đầu tư, đạt bước tiến dài trong quá trình phát triển kinh tế. Chất lượng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng, ban hành đúng trình tự, thẩm quyền. Đặc biệt, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trọng tâm là các lĩnh vực có liên quan đến doanh nghiệp và người dân. Theo đó, tập trung rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn, thống nhất, đồng bộ; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, thay thế các thủ tục hành chính không còn phù hợp, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân. Thực hiện công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh và đời sống của người dân. Đưa 100% số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Bộ máy hành chính các cấp của tỉnh ngày càng được hoàn thiện hơn; chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của các cơ quan hành chính, sự nghiệp các cấp tiếp tục được phân định rõ ràng. Tỉnh đã triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, định hướng đến năm 2020, đồng thời tăng cường các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đặc biệt, tỉnh tổ chức các hội nghị gặp mặt nhằm tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp, đối thoại và lắng nghe ý kiến để tháo gỡ khó khăn và giải đáp những vướng mắc của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính đối với việc đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế cho doanh nghiệp; gắn công tác hỗ trợ người nộp thuế với công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; hỗ trợ giải đáp vướng mắc về thuế; tổ chức thực hiện kê khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử cho doanh nghiệp…

Báo Công luận

Đặc biệt, Thái Nguyên đã sớm nhận thức việc huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho các dự án trọng điểm cũng như luôn đồng hành cùng doanh nghiệp tăng cường đối thoại giải quyết kịp thời các chính sách có liên quan đến phát triển các doanh nghiệp như thuế, hải quan, đất đai, những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính để giảm các chi phí không chính thức, giảm chi phí trung gian để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển. Với những chính sách tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Thái Nguyên đã trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư nước ngoài.

Quyết tâm hơn nữa để Thái Nguyên vươn lên trở thành một điểm sáng trong khu vực

Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thái Nguyên tháng 8/2019. Tại buổi làm việc, đánh giá cao kết quả Thái Nguyên đạt được, Thủ tướng bày tỏ ấn tượng với những chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, lãnh đạo tỉnh đã lăn lộn tìm cách phát triển, tìm nguồn lực phát triển, kết quả về thu ngân sách Nhà nước của Thái Nguyên là ấn tượng mạnh mẽ. Tuy nhiên, Thủ tướng đề nghị tỉnh phát huy kết quả đạt được, không được chủ quan, cần phải quyết tâm hơn nữa để Thái Nguyên vươn lên trở thành một điểm sáng trong khu vực, phát triển một cách toàn diện để nhân dân no ấm hơn. Trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh một năm trước đó, tháng 6/2018, Thủ tướng cũng cho rằng Thái Nguyên cần tập trung nhìn nhận một cách nghiêm túc để có tầm nhìn lớn hơn, sâu rộng hơn. Thái Nguyên phải trở thành địa phương mẫu mực về phát triển bền vững, cả kinh tế, xã hội và môi trường. Tỉnh cần phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp dịch vụ và sáng tạo hàng đầu ở phía Bắc và cả nước với sự liên kết chặt chẽ giữa khu vực đầu tư nước ngoài và khu vực dân doanh. Đặc biệt, tỉnh cần phát triển mạnh mẽ các loại hình du lịch, dịch vụ. Bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng cần đa dạng hóa nền kinh tế với các trụ cột: Công nghiệp công nghệ cao, du lịch, dịch vụ và nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Đồng thời, tỉnh cần tiếp tục hoàn thiện điều chỉnh quy hoạch kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại bền vững, có độ mở cao, kết nối với các địa phương và quốc tế.

Báo Công luận

Tại Hội nghị “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” hồi tháng 6/2019, Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Tỏ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã  đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cần thống nhất cao về nhận thức xác định địa bàn vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ trong đó có tỉnh Thái Nguyên có vị trí chiến lược, cần có sự phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Tiếp tục tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực, sức chiến đấu trong toàn đảng bộ. Huy động tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường năng lực cạnh tranh; tập trung nguồn lực đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, cấp bách; các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển và xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.  Nâng cao năng lực quản lý, điều hành xây dựng chính quyền các cấp vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phát huy lợi thế địa bàn, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân khép kín, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững chắc.

Cũng tại Hội nghị, trên cơ sở nhận diện rõ những  việc đã làm được và chưa làm được, những thế mạnh cũng như những tồn tại hạn chế của tỉnh trên bước đường phát triển suốt hơn 20 năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đề ra mục tiêu đến năm 2030: Phấn đấu Thái Nguyên là tỉnh công nghiệp phát triển, là một trong những trung tâm kinh tế của vùng Trung du và miền núi phía Bắc với nền kinh tế hiện đại; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao;  tốc độ tăng trưởng GRDP cao hơn mức bình quân chung của cả nước. GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 khoảng 265 triệu đồng (theo giá thực tế). Cơ cấu kinh tế năm 2030: Công nghiệp - Xây dựng - Dịch vụ chiếm trên 90%. Trước mắt là mục tiêu trở thành địa phương thứ 17 trong cả nước cân đối tự chủ được ngân sách.

Báo Công luận

Với sự chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong chỉ đạo, sự bài bản trong triển khai thực hiện, sự quyết tâm, đồng lòng của hệ thống chính trị, hoàn toàn có thể tin rằng những mục tiêu ấy của Thái Nguyên sẽ trở thành hiện thực. Mảnh đất anh hùng gian lao trong kháng chiến  cứu quốc năm xưa sẽ trở thành mảnh đất phát triển bền vững toàn diện, sẽ trở thành trung tâm kinh tế vùng Trung du và miền núi phía Bắc trong nay mai.

Việt Cường - Thu Hoài

Tin khác

Dự báo thời tiết 29/3/2024: Bắc Bộ mưa rào và dông rải rác

Dự báo thời tiết 29/3/2024: Bắc Bộ mưa rào và dông rải rác

(CLO) Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia: Dự báo thời tiết 29/3/2024, Bắc Bộ mưa rào, rải rác có dông, cục bộ có mưa to đến rất to, khu Tây Bắc có nơi có nắng nóng.

Đời sống
Mưa đá, giông lốc ở miền Bắc khiến hàng trăm ngôi nhà của người dân bị ảnh hưởng

Mưa đá, giông lốc ở miền Bắc khiến hàng trăm ngôi nhà của người dân bị ảnh hưởng

(CLO) Do ảnh hưởng của không khí lạnh yếu tràn xuống nhiều tỉnh miền núi phía Bắc đã xuất hiện giông lốc, mưa đá ngày 28/3. Hàng trăm ngôi nhà của người dân đã bị sập, tốc mái.

Đời sống
Thi hành kỷ luật đối với Viện trưởng Viện Pháp luật kinh doanh và Đầu tư châu Âu

Thi hành kỷ luật đối với Viện trưởng Viện Pháp luật kinh doanh và Đầu tư châu Âu

Ông Lê Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Pháp luật kinh doanh và đầu tư châu Âu trực thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam đã có nhiều khuyết điểm, sai phạm.

Đời sống
Cần lắng nghe nguyện vọng của người dân khi đưa núi Ngọc vào khai thác

Cần lắng nghe nguyện vọng của người dân khi đưa núi Ngọc vào khai thác

(CLO) Mặc dù được đưa vào phương án đấu giá quyền khai thác khoáng sản tuy nhiên mỏ đất vật liệu san lấp tại xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá chưa thể tổ chức đấu giá vì vấp phải sự phản đối của người dân.

Đời sống
Kho hàng của 'hotgirl' Nguyễn Hoàng Mai Ly 'khủng' cỡ nào?

Kho hàng của "hotgirl" Nguyễn Hoàng Mai Ly "khủng" cỡ nào?

(CLO) Số hàng hoá này không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc tại kho hàng của "hotgirl" Nguyễn Hoàng Mai Ly trị giá 20,1 tỷ đồng.

Đời sống