Phân định miền núi, vùng cao có nhiều bất cập
(CLO) Chiều 7/7, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc đã tổ chức phiên họp mở rộng để thẩm tra Tờ trình và Báo cáo của Chính phủ “về tổng kết, đánh giá phân định miền núi, vùng cao; phân định 3 khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển”.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, xuất phát từ thực tiễn đặt ra trong việc phân định miền núi, vùng cao, tại Kết luận phiên họp thứ 26 (tháng 8/2018) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã giao Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tiếp tục phối hợp với Ủy ban Dân tộc của Chính phủ và các cơ quan hữu quan thực hiện các nội dung về phân định miền núi, vùng cao.

Toàn cảnh Phiên họp mở rộng để thẩm tra Tờ trình và Báo cáo của Chính phủ.
Trên cơ sở Tờ trình kèm theo Báo cáo tổng kết của Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến để làm rõ một số vấn đề sau:
Thứ nhất, hồ sơ, tài liệu và tiến độ thực hiện của Chính phủ đã đầy đủ chưa để các cơ quan của Quốc hội thẩm tra theo quy định và có đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 7/2022 không?
Thứ hai, nội dung Tờ trình và Báo cáo của Chính phủ đã thể hiện, bám sát, làm rõ được những yêu cầu cơ bản trong kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay chưa?
Thứ ba, thống nhất những kiến nghị, đề xuất đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ tiếp tục hoàn thiện công tác phân định miền núi, vùng cao trong giai đoạn tiếp theo.
Thay mặt Ủy ban Dân tộc, báo cáo tổng kết, đánh giá về phân định miền núi, vùng cao; phân định 3 khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển, đại diện Vụ Chính sách của Ủy ban Dân tộc cho biết, tiêu chuẩn công nhận miền núi, vùng cao là dựa vào độ cao của địa hình so với mực nước biển. Theo đó, cả nước có 12 tỉnh vùng cao, 9 tỉnh miền núi, 23 tỉnh có miền núi, 168 huyện vùng cao, 133 huyện miền núi, 2.529 xã vùng cao và 2.311 xã miền núi.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu khai mạc Phiên họp.
Việc xác định các địa bàn miền núi, vùng cao đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, do quá trình phát triển, sự thay đổi về địa kinh tế, việc áp dụng các chính sách đối với các địa bàn đã được xác định miền núi, vùng cao trước đây không còn phù hợp. Đến nay, hầu hết các chính sách đã được các Bộ, ngành, địa phương sửa đổi, bổ sung áp dụng kết quả phân định theo trình độ phát triển.
Thẩm tra Tờ trình và Báo cáo của Chính phủ về Tổng kết, đánh giá phân định miền núi, vùng cao; phân định 3 khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc cho biết, theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo Kết luận, Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ mới thực hiện được nội dung là “tổng kết, đánh giá toàn diện hiệu quả của việc phân định miền núi, vùng cao, cùng với việc xem xét các hình thức phân định khác”. Còn hai nội dung quan trọng trong Kết luận vẫn chưa được triển khai thực hiện.
Thường trực Hội đồng Dân tộc đề nghị Chính phủ phân tích rõ mối quan hệ giữa hai tiêu chí và kết quả phân định; phân tích những bất cập của các chính sách trong việc áp dụng hai hình thức phân định. Đồng thời đề nghị làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ rõ những nội dung nào trong kết luận đã thực hiện được, nội dung nào chưa, nguyên nhân tại sao. Ngoài ra, Báo cáo cũng cần nêu và chỉ rõ việc áp dụng chính sách, pháp luật liên quan đến miền núi, vùng cao…