Phân định rõ thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp khi tinh gọn tổ chức bộ máy
(CLO) Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận với nhiều điểm mới quan trọng, thể hiện định hướng phân quyền, phân cấp mạnh mẽ, rõ ràng giữa Trung ương và địa phương, tạo nền tảng xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả và sát dân hơn.

Tại phiên thảo luận tổ chiều 7/5, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" được thể chế hóa rõ nét trong dự thảo luật lần này. Theo đó, Quốc hội chỉ quy định khung pháp lý, còn nội dung cụ thể sẽ do Chính phủ hướng dẫn bằng nghị định. Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc sửa luật lần này diễn ra chỉ sau chưa đầy 3 tháng kể từ khi Luật được sửa đổi trước đó, do vậy cần nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm tính nhất quán và hoàn thiện.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, dự thảo luật được xây dựng trên cơ sở thể chế hóa các chủ trương của Đảng về mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã), tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở. Việc sửa đổi tập trung vào bốn nhóm vấn đề lớn: phân định đơn vị hành chính và mô hình 2 cấp; phân quyền, phân cấp và ủy quyền giữa các cấp chính quyền; tổ chức bộ máy chính quyền địa phương; và các quy định về hiệu lực thi hành, xử lý chuyển tiếp khi áp dụng mô hình mới.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, dự thảo đã bổ sung quy định đẩy mạnh phân quyền từ Trung ương cho địa phương cấp tỉnh, nhất là trong các lĩnh vực như quy hoạch, tài chính, ngân sách, đầu tư, cơ chế chính sách. Cấp xã được trao quyền rộng hơn, trong đó có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi thẩm quyền, thể hiện sự tăng cường vị thế và trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong quản lý nhà nước tại cơ sở.
Tuy nhiên, một số nội dung trong dự thảo vẫn còn nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên) cho rằng quy định UBND cấp xã được phân cấp cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác của UBND cấp mình là chưa phù hợp. Theo bà Yên, chính quyền cấp xã phải gần dân, sát dân nên cần trực tiếp thực hiện và chịu trách nhiệm; nếu để cơ quan chuyên môn thực hiện thì có nguy cơ phát sinh một cấp trung gian, làm chậm trễ việc giải quyết công việc cho người dân.

Đại biểu cũng đề xuất bổ sung quy định cho phép cơ quan có thẩm quyền thu hồi tạm thời thẩm quyền đã phân cấp nếu chủ thể thực hiện không đủ năng lực. Đồng thời cần có cơ chế để chính quyền xã có thể chủ động đề xuất trả lại nhiệm vụ được ủy quyền nếu không đáp ứng điều kiện thực hiện.
Đối với cấp tỉnh, việc xác định thẩm quyền trên các lĩnh vực cần được quy định chặt chẽ, có đánh giá tác động cụ thể và làm rõ mối quan hệ với các luật chuyên ngành. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình rõ các căn cứ thiết kế nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, dự thảo luật cơ bản bám sát chủ trương của Đảng, các nội dung dự kiến sửa đổi Hiến pháp năm 2013, đồng thời cụ thể hóa các yêu cầu trong Nghị quyết 60-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII và kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh và sắp xếp cấp xã đang được thể chế hóa phù hợp trong dự thảo.
Tuy vậy, ông Tùng lưu ý, do nhiều điều khoản của dự thảo liên quan trực tiếp đến Hiến pháp và các luật đang được sửa đổi, cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính tương thích, đồng bộ. Bên cạnh đó, cần làm rõ các tình huống UBND hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc thuộc thẩm quyền của cấp xã nhằm tăng cường vai trò điều phối, giám sát và hỗ trợ của cấp tỉnh đối với cấp dưới.
Dự thảo cũng cần hoàn thiện cơ chế linh hoạt cho phép cấp xã ủy quyền một số nhiệm vụ cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác hoặc thậm chí là cán bộ, công chức trong bộ máy của mình, nhất là tại các xã sau sắp xếp có quy mô lớn về diện tích và dân số.
Ngoài ra, dự thảo sẽ tiếp tục được chỉnh lý các quy định liên quan đến số lượng, cơ cấu đại biểu HĐND các cấp, chức năng, nhiệm vụ của Thường trực HĐND, các ban HĐND cấp xã; quyền quyết định chế độ chi ngân sách trong các tình huống cấp bách, góp phần hoàn thiện mô hình chính quyền địa phương tinh gọn, hiệu quả và sát thực tiễn hơn.