Giao thông

Phân làn phương tiện tạo sự thông thoáng, giảm xung đột giao thông

Thế Anh 10/07/2025 09:32

(NB&CL) Việc phân làn sẽ giúp tách biệt các dòng phương tiện di chuyển theo hướng riêng biệt, tạo ra sự thông thoáng và giảm xung đột. Qua đó góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông tại Hà Nội.

Với sự phát triển nhanh chóng của đô thị Hà Nội, tình trạng ùn tắc giao thông đã trở thành một vấn đề ngày càng nghiêm trọng. Một trong những giải pháp được đưa ra là phân làn phương tiện để tạo ra sự thông thoáng, giảm xung đột.

Mới đây việc thí điểm phân làn phương tiện trên 2 tuyến đường Võ Chí Công và Phạm Văn Đồng đã nhận được sự quan tâm của dư luận.

Ảnh 1.Phân làn phương tiện trên 2 tuyến đường Võ Chí Công và Phạm Văn Đồng (TP.Hà Nội) nhằm giảm thiểu xung đột, ùn tắc giao thông.
Phân làn phương tiện trên 2 tuyến đường Võ Chí Công và Phạm Văn Đồng (TP.Hà Nội) nhằm giảm thiểu xung đột, ùn tắc giao thông.

Theo ông Trần Hữu Bảo - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, việc phân làn sẽ được triển khai bài bản thành dự án. Mục tiêu nhằm tăng tính trật tự, giảm xung đột, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông; đặc biệt trong giờ cao điểm.

TS. Trần Hữu Minh - Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đánh giá, với mô hình giao thông hỗn hợp, việc tách tối đa dòng giao thông yếu thế như mô tô, xe máy, xe đạp ra khỏi các dòng ô tô di chuyển ở tốc độ cao là hết sức cần thiết.

Các đơn vị tiến hành lắp đặt dải phân cách cứng phân làn ô tô, xe máy trên 2 tuyến đường Võ Chí Công và Phạm Văn Đồng về kỹ thuật tổ chức giao thông, đây là việc cần làm.

Thực tế dù 2 tuyến đường này rất rộng nhưng một số xe máy vẫn đi vào làn ô tô di chuyển với tốc độ cao. Khi xảy ra va quệt dù chưa biết ai đúng ai sai nhưng hậu quả đối với người đi xe máy sẽ rất lớn.

Ngoài ra cũng có không ít ô tô lấn vào làn phía bên phải là làn dành cho xe máy. Điều này cũng làm tăng đáng kể rủi ro va chạm giữa ô tô và xe máy.

Về lý thuyết, phân làn cứng có thể tạo ra luồng di chuyển mạch lạc, giúp giảm va chạm và tăng tính ổn định giao thông. Tuy nhiên thực tế triển khai gặp không ít khó khăn.

Anh Mạnh (trú tại xã Đông Anh) chia sẻ, những ngày đầu người tham gia giao thông còn bỡ ngỡ nên việc đi chuyển gặp một số khó khăn nhưng sau khi nắm được phương án phân luồng di chuyển đã thuận lợi hơn.

Ngoài ra hoạt động kinh doanh, buôn bán và sinh hoạt hàng ngày của người dân sống dọc 2 bên đường tạo ra nhu cầu đi lại, rẽ, dừng xe rất nhiều. Vì vậy các cơ quan chức năng cần có tính toán hợp lý.

Còn theo chị Loan (trú tại phường Tây Hồ), thường xuyên di chuyển trên đường Võ Chí Công, việc đi lại của cả xe máy và ô tô đã dần đi vào nền nếp. Tình trạng xe máy tạt ngang, tạt dọc đã giảm nên di chuyển cũng nhanh hơn rất nhiều.

Cá biệt một số trường hợp cố tình đi sai làn để có thể rút ngắn khoảng cách di chuyển, nhiều người đi bộ vô tư bước qua dải phân cách để sang đường. Những vi phạm này cần được xử lý nghiêm.

Bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình, một số người dân cũng bày tỏ hoài nghi hiệu quả khi nhớ lại việc Hà Nội từng tổ chức phân làn cứng trên đường Nguyễn Trãi. Dù đặt kỳ vọng cao nhưng sau một thời gian thí điểm, dải phân cách đã bị tháo dỡ, lòng đường trả lại nguyên trạng 12 làn hỗn hợp.

Ảnh 2.Hình ảnh người đi bộ cố tình băng qua giải phân cách.
Hình ảnh người đi bộ cố tình băng qua giải phân cách.

Nguyên nhân chủ yếu do mật độ giao thông quá lớn khiến việc đi đúng làn trở nên khó khả thi. Các dải phân cách bằng lốp xe, cọc tiêu, biển báo bị va chạm liên tục, hư hỏng, tạo hình ảnh phản cảm, mất mỹ quan đô thị.

Trao đổi với PV, một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị khẳng định, mặc dù phân làn phương tiện mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng có một số thách thức trong việc triển khai trên thực tế.

Một trong những vấn đề lớn khi triển khai phân làn là việc người tham gia giao thông không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về làn đường.

Nhiều phương tiện, nhất là xe máy vẫn có thói quen di chuyển vào làn ô tô hoặc ngược lại, gây ra ùn tắc và nguy hiểm. Do vậy cần có biện pháp xử lý nghiêm và tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân.

Cùng với đó cần có sự đồng bộ về hạ tầng như đèn tín hiệu, biển báo; công tác duy trì, bảo dưỡng và có sự linh hoạt trong việc điều chỉnh. Đặc biệt là trong khung giờ cao điểm.

Có thể cân nhắc việc sử dụng phần làn đường dành cho ô tô vào thời gian thấp điểm để chuyển thành làn xe máy hoặc phương tiện công cộng vào giờ cao điểm để tăng khả năng giải phóng lượng phương tiện tham gia giao thông.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Phân làn phương tiện tạo sự thông thoáng, giảm xung đột giao thông
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO