Cam kết này được đưa ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu cảnh báo Nga sẽ phải đối mặt với hậu quả nếu tấn công Ukraine sau khi tập trung quân đội ở biên giới sát nước láng giềng.

Tổng thống Pháp (phải) và Tổng thống Ukraine. Ảnh: AP
Ông Macron cho biết cả hai đều nhất trí về sự cần thiết phải khởi động lại các cuộc đàm phán theo định dạng Normandy bốn bên, bao gồm Ukraine, Nga, Pháp và Đức nhằm giải quyết cuộc xung đột ở miền đông Ukraine. Cuộc xung đột đã khiến 14.000 người chết ở miền Đông Ukraine kể từ năm 2014.
Tổng thống Pháp nói thêm rằng ông sẽ nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong những ngày tới và ông sẽ trao đổi với ông Zelensky một lần nữa tại Brussels vào ngày 15/12.
Cuộc nói chuyện qua điện thoại của hai Tổng thống diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Đông Âu sau khi Nga tăng cường binh lính gần biên giới Ukraine.
Sau cuộc gặp hôm thứ Sáu (10/12) với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Paris, ông Macron đã cảnh báo về nguy cơ rằng Nga có thể đang lên kế hoạch tấn công từ nhiều hướng vào Ukraine vào đầu năm tới.
Điện Kremlin phủ nhận việc lên kế hoạch cho bất kỳ cuộc tấn công nào.
"Tôi nghĩ rằng mục tiêu chính của chúng tôi là tránh mọi căng thẳng không cần thiết", ông Macron nói với các phóng viên tại cuộc họp báo chung với thủ tướng mới của Đức. “Điều mà tất cả chúng tôi, người châu Âu và người Mỹ, muốn là chứng tỏ rằng chúng tôi đang chú ý đến tình hình".
Ông Scholz kêu gọi tiến hành các cuộc đàm phán bốn bên mới với Moscow để giảm leo thang căng thẳng dọc biên giới Ukraine, đồng thời nêu rõ các quy tắc phải được mọi người tôn trọng.
"Chúng tôi sẽ khởi động các hoạt động hơn nữa để đảm bảo rằng Ukraine có một viễn cảnh tốt", ông Olaf Scholz, người đã có chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Pháp với tư cách là Thủ tướng, cho biết.
Đường ống Nord Stream 2
Trong khi đó, EU hôm thứ Sáu (10/12) cảnh báo Nga rằng họ sẽ phải đối mặt với hậu quả nếu tấn công Ukraine.
"Sự hung hăng cần phải đi kèm với hậu quả, đó là lý do tại sao chúng tôi sẽ thông báo những điểm này trước thời hạn cho Nga", người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói trong một cuộc họp báo chung với ông Scholz tại Brussels.
Khi được hỏi liệu các biện pháp trừng phạt đối với Moscow có thể bao gồm việc đóng cửa đường ống Nord Stream 2 được dùng để vận chuyển khí đốt đến châu Âu hay không, bà von der Leyen nói rằng, năng lượng không bao giờ nên được sử dụng để gây áp lực và an ninh năng lượng của châu Âu và các nước láng giềng nên được được bảo đảm.
Ông Scholz, người đang ở Brussels sau chuyến thăm Paris, từ chối trả lời câu hỏi về đường ống này, nói rằng mặc dù rõ ràng rằng EU và các nước khác sẽ phản ứng nếu có một cuộc tấn công vào Ukraine, nhưng các cuộc đàm phán để ngăn chặn kết quả cũng rất quan trọng.
"Đức, một quốc gia lớn ở trung tâm của Liên minh châu Âu, luôn có trách nhiệm", ông Scholz nói. "Chúng tôi không thể chỉ đứng bên lề và bình luận về những gì đang diễn ra. Chúng tôi phải hòa nhập vào tất cả và đóng góp vào việc đảm bảo tiến bộ và một tương lai tươi sáng ở châu Âu và đó là cách chúng tôi nhìn thấy vai trò của mình".
Hôm thứ Năm (9/11), ông Scholz đã cảnh báo Moscow về "hậu quả" đối với đường ống Nord Stream 2.
Dự án cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga cho Đức là nguồn gây xích mích lớn với nhiều đối tác, trong đó có Pháp, và có thể đóng một vai trò quan trọng khi các cường quốc phương Tây đe dọa các biện pháp trừng phạt mới đối với Moscow.
Ông Ulrich Speck, nhà phân tích tại Quỹ Marshall của Đức cho biết: “Với Nord Stream 2, Đức có trong tay vũ khí địa chính trị lớn".
Yêu cầu cấm Ukraine gia nhập NATO
Hôm thứ Sáu (10/12), Nga cho biết NATO nên chính thức hủy bỏ quyết định năm 2008 về việc hứa hẹn cho phép Gruzia và Ukraine gia nhập liên minh, đồng thời nhấn mạnh rằng việc đưa ra những đảm bảo cho Moscow về việc ngăn chặn sự mở rộng về phía đông của khối là vì lợi ích "cơ bản" của phương Tây.
Bộ Ngoại giao Nga cũng yêu cầu NATO ngừng tiến hành các cuộc tập trận quân sự gần biên giới của Nga và nói thêm rằng đề xuất này và các đề xuất an ninh khác sẽ được công bố "trong tương lai gần".
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngay lập tức bác bỏ yêu cầu của Nga.
Ông Stoltenberg nói: “Mối quan hệ của NATO với Ukraine sẽ được quyết định bởi 30 đồng minh NATO và Ukraine, chứ không ai khác. Chúng tôi không thể chấp nhận rằng Nga đang cố gắng thiết lập lại một hệ thống mà các cường quốc lớn có phạm vi ảnh hưởng, nơi họ có thể kiểm soát hoặc quyết định những gì các thành viên khác có thể làm".
Quốc Thiên