Pháp muốn bỏ 2 ngày nghỉ lễ phục sinh và chiến thắng phát xít để giảm nợ công
(CLO) Thủ tướng Pháp Francois Bayrou cho biết ông đang cân nhắc cắt giảm hai ngày nghỉ lễ quốc gia như một phần trong kế hoạch giải quyết "lời nguyền" nợ công đang đè nặng lên đất nước.
Đề xuất này được nêu ra trong lúc ông trình bày kế hoạch ngân sách cho năm 2026 vào ngày 15/7.
Cụ thể, ông Bayrou đề xuất loại bỏ Thứ Hai Phục sinh và ngày 8/5 – ngày kỷ niệm chiến thắng phát xít Đức ở châu Âu – hai trong số 11 ngày nghỉ lễ hiện tại của Pháp. Nếu được thông qua, số ngày nghỉ lễ ở Pháp sẽ giảm xuống còn 9, ngang với Đức (chưa tính các ngày lễ bổ sung theo từng bang), và thấp hơn so với mức 12 ngày của Ý.
Theo Thủ tướng Pháp, việc cắt giảm này có thể giúp ngân sách quốc gia tiết kiệm được "vài tỷ euro", trong bối cảnh Pháp đang phải vay mượn hàng tháng để chi trả lương hưu và lương cho công chức. Ông mô tả tình trạng hiện tại là "một lời nguyền không có lối thoát".
.png)
Đề xuất này ngay lập tức vấp phải phản ứng dữ dội từ nhiều phe phái chính trị. Jordan Bardella, lãnh đạo đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia, cáo buộc đây là "một cuộc tấn công vào lịch sử, bản sắc và lực lượng lao động của nước Pháp". Lãnh đạo nghị sĩ đảng này, Marine Le Pen, đe dọa sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm nếu kế hoạch không được rút lại.
Ở phía cực tả, Jean-Luc Mélenchon của đảng France Unbowed kêu gọi ông Bayrou từ chức, trong khi nữ nghị sĩ Mathilde Panot lên án đây là "một cuộc chiến giai cấp".
Thách thức ngân sách càng trở nên nghiêm trọng hơn sau tuyên bố của Tổng thống Emmanuel Macron cuối tuần qua, khi ông cho biết sẽ tăng thêm 3,5 tỷ euro chi tiêu quốc phòng vào năm 2026, nâng tổng ngân sách quốc phòng năm tới lên 50,5 tỷ euro nhằm đối phó với căng thẳng địa chính trị ngày càng tăng.
Ông Bayrou cho biết Pháp cần cải thiện thâm hụt ngân sách thêm 40 tỷ euro trong năm tới, với mục tiêu đưa tỷ lệ thâm hụt giảm từ 5,4% GDP trong năm nay xuống còn 4,6% vào năm 2026, và tiến tới dưới ngưỡng 3% theo yêu cầu của EU vào năm 2029.
Để đạt được mục tiêu này, chính phủ dự kiến sẽ đóng băng các khoản chi tiêu chung, bao gồm cả lương hưu, trừ các lĩnh vực ưu tiên như quốc phòng và trả nợ. Đồng thời, Pháp sẽ cắt giảm 3.000 biên chế công và đóng cửa những cơ quan nhà nước hoạt động kém hiệu quả.
Ông Bayrou nhấn mạnh rằng gánh nặng tài chính phải được phân bổ công bằng, với người giàu đóng góp nhiều hơn: "Chúng ta sẽ yêu cầu ít hơn từ những người có ít, và nhiều hơn từ những người có nhiều".
Ông cũng đưa ra cảnh báo rằng Pháp cần rút kinh nghiệm từ Hy Lạp, quốc gia từng suýt rời khỏi khu vực đồng euro sau khủng hoảng tài chính năm 2008 vì nợ công vượt kiểm soát. Hiện nợ công của Pháp đã lên tới 114% GDP, mức cao thứ ba trong EU, chỉ sau Hy Lạp và Ý, trong khi giới hạn do EU đặt ra là 60%.
"Chúng ta đã nghiện chi tiêu công", ông Bayrou nói. "Giờ là lúc phải cai nghiện, nếu không muốn gặp thảm họa".