Phát hiện ánh sáng từ ngoại hành tinh lạnh giá nhất từng được biết đến
(CLO) Kính viễn vọng không gian James Webb vừa trực tiếp ghi nhận ánh sáng yếu ớt phát ra từ một ngoại hành tinh cực kỳ lạnh – lạnh hơn bất kỳ ngoại hành tinh nào mà con người từng biết đến.
Ngoại hành tinh này có tên WD 1856+534 b, cho thấy khả năng tồn tại đáng kinh ngạc của các hành tinh ngay cả trong những điều kiện khắc nghiệt nhất.

WD 1856+534 b được phát hiện vào năm 2020 và có tuổi đời gấp đôi Hệ Mặt trời. Ngoại hành tinh này có kích thước tương đương Sao Mộc, nhưng nặng hơn gần sáu lần, với nhiệt độ trung bình chỉ khoảng -87°C. Trước đó, kỷ lục hành tinh lạnh nhất có thể quan sát trực tiếp thuộc về Epsilon Indi b, với nhiệt độ khoảng +2°C, được phát hiện nhờ James Webb vào năm 2023.
Nhờ những đặc điểm này, WD 1856+534 b hiện là hành tinh lạnh nhất mà các nhà khoa học có thể ghi lại bức xạ trực tiếp.
Điều gây kinh ngạc nhất chính là vị trí của WD 1856+534 b: nó quay quanh sao lùn trắng WD 1856+534 – phần lõi còn lại của một ngôi sao từng giống Mặt trời – ở khoảng cách chỉ 0,02 đơn vị thiên văn, tức gần hơn 50 lần so với khoảng cách giữa Sao Thủy và Mặt trời. Đây vốn được xem là “vùng cấm”, nơi các hành tinh đáng lẽ đã bị hủy diệt trong quá trình sao mẹ tiến hóa thành sao lùn trắng.
"WD 1856+534 b là hành tinh nguyên vẹn đầu tiên được tìm thấy trong khu vực như vậy. Điều này chứng minh rằng hành tinh vẫn có thể di cư đến quỹ đạo gần quanh sao lùn trắng – thậm chí cả trong các vùng được cho là có điều kiện thích hợp cho sự sống", nhóm tác giả nhấn mạnh.
Các nhà khoa học cho rằng hành tinh này có thể đã dịch chuyển đến vị trí hiện tại sau khi sao mẹ trải qua giai đoạn sao khổng lồ đỏ. Điều này cho thấy, ngay cả sau những biến động dữ dội của một hệ sao đang chết, các hành tinh vẫn có thể tìm được quỹ đạo ổn định để tồn tại.
Khám phá này không chỉ khẳng định khả năng vượt trội của James Webb trong việc quan sát những vật thể mờ nhạt và lạnh giá nhất, mà còn mở rộng hiểu biết của chúng ta về sự đa dạng và khả năng sống sót của các hành tinh trong vũ trụ. Ngay cả ở những vùng tối tăm nhất của không gian, có thể vẫn còn những thế giới đang chờ được khám phá.