Thế giới 24h

Phát hiện kiến cũng có thể 'phẫu thuật' để cứu sống đồng loại

Hà Trang (theo earth.com) 13/04/2025 06:40

(CLO) Một nghiên cứu đã làm sáng tỏ cách loài kiến thợ mộc Florida (Camponotus floridanus) xử lý những vết thương nghiêm trọng của đồng loại trong tổ.

Loài kiến này đôi khi có những vết thương ở chân cần được làm sạch hoặc cắt bỏ, tùy theo mức độ tổn thương. Những ca cắt cụt như vậy thực tế lại giúp cứu sống con kiến bị thương. Đây là một phát hiện đáng chú ý, thậm chí có thể xem là kỳ diệu.

Kiến và hành vi cắt cụt chi để cứu sống đồng loại

Theo Erik Frank từ Đại học Würzburg, việc lựa chọn phương pháp điều trị cho các chi bị thương ở kiến phụ thuộc vào nguy cơ nhiễm trùng và lượng mô cơ còn lại tại vùng bị tổn thương.

Nghiên cứu loài kiến thợ mộc Florida cho thấy chúng kết hợp việc làm sạch vết thương với cắt cụt chi khi cần thiết. “Đây là trường hợp duy nhất trong thế giới động vật mà một cá thể cắt cụt chi cho đồng loại một cách tinh vi và có hệ thống,” Frank cho biết.

Các quan sát cho thấy loài kiến này có khả năng đánh giá vết thương, chúng có thể phân biệt được khi nào việc cắt cụt sẽ mang lại cơ hội sống sót cao hơn so với việc chỉ làm sạch vết thương.

Nghiên cứu cho thấy kiến xử lý vết thương tùy theo vị trí. Vết thương ở xương đùi thường được vệ sinh trước khi cắt cụt chân, còn vết thương ở xương chày chỉ được làm sạch mà không cắt.

“Khi cắt cụt ở xương đùi, tỷ lệ sống lên tới 90–95%, còn ở xương chày, dù không cắt, kiến vẫn sống sót khoảng 75%,” Erik Frank cho biết.

Việc điều trị chính xác giúp kiến bị thương có cơ hội sống cao hơn nhiều so với khi không được chăm sóc. Nguyên nhân là do cấu trúc giải phẫu: xương đùi chứa nhiều mô cơ dễ bị nhiễm trùng, trong khi xương chày ít cơ hơn và ít quan trọng hơn trong lưu thông máu.

Do không thể cắt bỏ đủ nhanh để ngăn vi khuẩn lan rộng, kiến sẽ tập trung làm sạch kỹ vết thương ở xương chày, theo nhà sinh vật học Laurent Keller từ Đại học Lausanne.

Tìm hiểu về kiến thợ mộc Florida

Camponotus floridanus, hay kiến thợ mộc Florida, là một loài kiến phổ biến ở bang Florida (Mỹ). Chúng có thân màu nâu đỏ, đầu và bụng sẫm hơn, kích thước lớn và khá táo bạo.

Chúng sống thành đàn với hàng ngàn cá thể, mỗi con có một vai trò riêng. Các nhà khoa học nghiên cứu chúng để hiểu thêm về hành vi xã hội và quá trình lão hóa, do chúng có thể sống nhiều năm và có hoạt động não đặc biệt.

“Kiến có thể chẩn đoán vết thương, phân biệt giữa nhiễm trùng và không nhiễm trùng, và điều trị đúng cách trong thời gian dài – hệ thống y tế duy nhất có thể sánh được với điều đó là của con người,” Erik Frank chia sẻ.

Hành vi này giúp giảm đáng kể nguy cơ tử vong do nhiễm trùng. Một điều bất ngờ là phản ứng này không cần học hỏi hay huấn luyện. “Tất cả đều là hành vi bẩm sinh,” nhà sinh vật học Laurent Keller cho biết.

Vì kiến phân công lao động theo độ tuổi, nên những cá thể làm nhiệm vụ điều trị có thể sở hữu bộ kỹ năng đặc biệt xuất hiện đúng thời điểm trong vòng đời.

Các nhà nghiên cứu hiện đang điều tra xem liệu hành vi cắt cụt chi có phổ biến ở các loài Camponotus khác hay chỉ đặc trưng cho kiến thợ mộc Florida – đặc biệt là ở những loài không có tuyến kháng khuẩn.

“Khi xem video, bạn sẽ thấy con kiến bị thương chủ động đưa chân ra để đồng loại cắn đứt, rồi đưa vết thương để được làm sạch tiếp – mức độ hợp tác bẩm sinh này thực sự ấn tượng,” Erik Frank chia sẻ.

Nghiên cứu cũng đặt ra câu hỏi về cảm nhận đau đớn ở kiến, vì chúng vẫn có ý thức trong suốt quá trình cắt bỏ.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Phát hiện kiến cũng có thể 'phẫu thuật' để cứu sống đồng loại
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO