Phát hiện kỹ thuật đóng tàu độc đáo tại thuyền cổ ở Bắc Ninh
(CLO) Thuyền cổ ở Bắc Ninh rất độc đáo khi hoàn toàn không sử dụng kim loại trong các bộ phận kết cấu và liên kết.
Liên quan đến việc khai quật thuyền cổ được phát hiện vào tháng 1/2025 ở khu Công Hà, phường Hà Mãn, thị xã Thuận Thành, Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Ninh đã có kết quả bước đầu.
Theo đó, chiếc thuyền cổ được phát hiện gồm 2 thuyền có kích thước tương đồng, dài hơn 16m, rộng khoảng 2m, lòng sâu nhất 2,15m, nằm trên lòng sông Dâu cổ xưa.

Hai thuyền này nằm cách nhau 2,3m và được đấu nối với nhau bằng tấm gỗ ở phần đầu nhằm cố định với nhau. Phần đáy thuyền có kết cấu độc mộc, đường kính rộng nhất là 0,95m. Thân thuyền được nối từ đáy lên đến mép trên của mạn thuyền bằng các tấm ván.
Về tổng thể, toàn bộ 2 thân thuyền được chế tác cùng kỹ thuật đục thân cây độc mộc, ghép các dải ván bằng mộng, sau đó các mộng được chốt lại bằng đinh gỗ.
Kỹ thuật phức tạp nhất thể hiện ở phần đầu và đuôi thuyền, đó là vị trí nối giữa phần đáy độc mộc và ván bửng được khóa chặt với nhau, cố định bằng 4 trụ gỗ có kích thước tương tự nhau 5cmx5cm.
Thuyền hoàn toàn không sử dụng kim loại trong các bộ phận kết cấu và liên kết. Đây là kỹ thuật lần đầu tiên thấy được trong kỹ thuật đóng tàu thuyền cổ ở Việt Nam và thế giới.
Ngoài ra, dấu tích phát lộ trên hiện trường chính là phần thân trên. Phần thân còn lại chìm hoàn toàn dưới nước, có chức năng như là hai phao đỡ toàn bộ kết cấu bên trên. Kết cấu bên trên đã bị mất hoàn toàn, có thể là do bị tháo rời.
Căn cứ vào kỹ thuật cho thấy loại hình thuyền này thường có niên đại sớm và có thể được đóng tại Việt Nam, là sự phát triển tiếp nối của kỹ thuật đóng thuyền thời văn hóa Đông Sơn thông qua việc so sánh phần đáy của 2 thân với kết cấu độc mộc và kỹ thuật mộng ghép.
Theo đánh giá các nhà khoa học từ quy mô, cấu trúc, kỹ thuật và vật liệu xây dựng cho thấy đây là loại hình thuyền có chức năng để chở hàng hóa, nhưng cũng có thể là thuyền được dùng để du ngoạn trên sông hoặc sông pha biển.
Các nhà khoa học cũng kiến nghị tiếp tục mở rộng khai quật, nghiên cứu rộng ra toàn bộ không gian sông Dâu, nghiên cứu quy mô, cấu trúc của sông Dâu. Đồng thời, tổ chức hội thảo quy mô cấp quốc tế, có sự tham gia của các chuyên gia đến từ nhiều nước nhằm giải mã giá trị thuyền cổ và vị trí, vai trò cũng như quá trình biến đổi của sông Dâu trong lịch sử.

Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Ninh đã đề xuất thực hiện bảo tồn khẩn cấp di tích theo phương án tạm thời lấp cát để bảo vệ nguyên trạng di tích sau khi kết thúc công tác nghiên cứu và tư liệu hoá di tích tại hiện trường.
Phương án này được thực hiện một cách khoa học, tương tự như đã thực hiện đối với các di sản khảo cổ khác đã được thực hiện, tiêu biểu nhất là Khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.