Phát huy vai trò của người làm báo trong việc truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường

28/02/2025 17:01

(CLO) Theo nhà báo Thái Bá Dũng: “Nghề báo hay bất cứ nghề nghiệp nào khác, bao giờ cũng có những sứ mệnh riêng của mình. Người làm báo, với ngòi bút của mình cố gắng tìm kiếm những đề tài hấp dẫn, phục vụ nhu cầu tiếp nhận thông tin của cộng đồng… đề tài về bảo vệ môi trường cũng vậy, có cốt truyện hay mới tác động vào ý thức của từng người đọc”.

Loạt 5 bài “Kỳ tích Cù Lao Chàm” của nhà báo Thái Bá Dũng - Báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh vừa giành được giải thưởng cao tại Cuộc thi báo chí ‘Cùng giữ màu xanh của biển’ lần thứ 2.

Nội dung câu chuyện là việc nhìn lại quá trình 15 năm từ ngày UNESCO ghi danh Cù Lao Chàm là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Và cho đến nay nhiều tổ chức quốc tế đều thừa nhận rằng Cù Lao Chàm là một điển hình thành công rực rỡ nhờ chọn bảo tồn làm sinh kế. Cù Lao Chàm không chỉ là nơi đầu tiên "cai" thành công túi ni lông, Cù Lao Chàm còn lập nên nhiều kỳ tích và cũng là nơi có nhiều điều lạ lẫm hiếm thấy ở đây.

phat huy vai tro cua nguoi lam bao trong viec truyen tai thong diep bao ve moi truong hinh 1

Những bãi tắm sạch đẹp như tranh ở Cù Lao Chàm. Ảnh: B.Dũng

Cù lao Chàm là một cụm đảo thuộc xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Với 8 hòn đảo nhỏ, trong đó chỉ duy nhất hòn Lao có người sinh sống, Cù Lao Chàm giờ đây như một trung tâm bảo tồn văn hóa, đa dạng sinh học. Ít ai biết rằng 10.000 dân Cù Lao Chàm từng đói, sống chông chênh với gạo cứu trợ và đốn củi trên rừng về bán.

Từ chỗ dựa vào đánh bắt hải sản, vào rừng hái lượm giờ nhờ chủ trương phát triển du lịch, giờ đây mỗi người dân đều có ý thức giữ gìn. Một đứa trẻ lớn lên ngay từ nhỏ đã được giáo dục không bọc vở bằng túi ni lông, đi mua bánh ăn thì cầm giấy báo theo để gói.

Khi lớn lên, cầm đèn ra bắt cua, xuống biển lặn tôm hùm thì trong suy nghĩ đầu tiên của từng người là chọn bắt con lớn, con nhỏ thì thả xuống. Con cua, cá hay tôm nào đang ôm bụng trứng chuẩn bị sinh sản thì được trả về đại dương. Ý thức hình thành trong từng hành vi.

Người Cù Lao Chàm từ nhỏ đến lớn ai cũng hiểu một nguyên tắc rất ngắn gọn và thấy được ngay: đó là môi trường càng sạch thì khách du lịch đến càng đông. Tôm cá, san hô mọc càng nhiều thì khách sẽ thích trải nghiệm.

Nhà báo Thái Bá Dũng là phóng viên thường trú tại khu vực Đà Nẵng và Quảng Nam, anh đã từng ra đảo Cù Lao Chàm rất nhiều lần, vì thế biết về người dân nơi đây, từ thói quen, tập quán đến đời sống lao động sản xuất.

phat huy vai tro cua nguoi lam bao trong viec truyen tai thong diep bao ve moi truong hinh 2

Nhà báo Thái Bá Dũng (Báo Tuổi trẻ) trong một chuyến tác nghiệp.

Chia sẻ về quá trình triển khai loạt bài, nhà báo Thái Bá Dũng cho biết: Khi triển khai đề tài này tôi được ông Nguyễn Sự - Nguyên bí thư - Chủ tịch UBND thị xã Hội An hỗ trợ nhiều, ông cũng là người có công lớn trong việc phát triển du lịch của Hội An đến ngày nay. Là người lăn lội với bà con để định hướng phát triển du lịch bền vững. Chính vì thế khi triển khai loạt bài này tôi đã được ông Nguyễn Sự tư vấn rất nhiều về việc xây dựng đề cương và triển khai.

Sau khi xây dựng đề cương, lên ý tưởng và cách thức triển khai tôi đã được tòa soạn duyệt nội dung và bắt đầu triển khai, thời gian triển khai tuy không dài, tuy nhiên do đã có nhiều lần trải nghiệm, đã có hiểu biết về đảo nên việc thực hiện loạt 5 bài được dễ dàng hơn.

Thực tế, đề tài về làm du lịch sạch tại Cù lao Chàm đã được nhiều nhà báo phóng viên khai thác. Tuy nhiên để có được thành quả như ngày hôm nay thì ít ai biết đến lịch sử bắt đầu như thế nào, điểm khởi đầu khó khăn ra sao.

Trong chuyến đi viết bài lần này, nhờ việc nhiều lần ra đảo viết bài và tham dự các sự kiện ở đảo nên nhà báo Thái Bá Dũng đã có nhiều người bạn sống trên đảo hỗ trợ một cách tích cực. Khi tìm kiếm tư liệu, phỏng vấn anh cố gắng hình dung ra được những việc phải làm trên đảo nên hạn chế việc đi ra đảo quá nhiều lần.

Từ những chuyến đi đó về sẽ tập hợp, liên kết lại thành một chuỗi, một tuyến bài và xây dựng thành các bài viết hoàn chỉnh có chiều sâu, có lớp lang, phân tích nhiều khía cạnh khác nhau. Đậm đặc về tư liệu.

Qua từng bài viết anh muốn nhấn mạnh đến việc làm du lịch phải hướng đến bền vững, gắn với nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Sản phẩm du lịch đó phải đi ra thế giới, khi du khách đến trải nghiệm, bỏ tiền ra sử dụng sản phẩm dịch vụ là họ bỏ tiền ra mua câu truyện, mua những giá trị mà được hun đúc, được xây dựng từ lâu chứ không chỉ đơn thuần là mua dịch vụ đó. Thực tế hiện nay du khách đi du lịch không chỉ đến ăn ngủ nghỉ mà còn là để tìm hiểu về văn hóa, tìm đến sự khác biệt, những cái hiếm chứ không phải thứ đại trà.

Các bài viết cũng phân tích rõ, từ quyết sách đúng đắn của nhà nước, người dân nơi đây thấy được lợi ích từ bảo vệ môi trường sinh thái, từ chỗ đánh bắt hái lượm theo kiểu tận thu, khai thác tự nhiên kiểu tận diệt. Thì nay tài nguyên thiên nhiên được giữ lại để khai thác, du khách tìm đến, đó như một vòng tuần hoàn, người dân vừa có môi trường sống tốt hơn vừa có thu nhập cao, ổn định.

Nhà báo Thái Bá Dũng chia sẻ: Nhiều nhà báo phóng viên đã từng ra đảo để viết, nhưng với đề tài này tôi muốn khai thác ở góc độ khác, có chiều sâu hơn, định hướng để làm du lịch bền vững. Triển khai loạt bài này không có nhiều khó khăn về đường đi lối lại, mà phải tổng hợp nhiều thông tin tài liệu khác nhau, thậm chí là hồ sơ từ thời gian Cù Lao Chàm được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Sau khi có được tài liệu phải xâu chuỗi lại, xây dựng ý tứ, nội dung từng bài viết trong 5 bài.

"Qua loạt bài “Kỳ tích Cù Lao Chàm”, tôi muốn nhấn mạnh đến việc làm du lịch sinh thái, du lịch gắn với bảo tồn di sản thiên nhiên, với văn hóa. Bán một sản phẩm du lịch, một dịch vụ, sản phẩm nông nghiệp phải gắn liền với những giá trị khác biệt không ở đâu có. Nghề báo hay bất cứ nghề nghiệp nào khác, bao giờ cũng có những sứ mệnh riêng của mình. Với ngòi bút mình cố gắng tìm kiếm những đề tài hấp dẫn, phục vụ nhu cầu tiếp nhận thông tin của xã hội. Vấn đề sống xanh, sống sạch vẫn là một trong những lĩnh vực được xã hội quan tâm. Mình cố gắng tìm kiếm và khai thác nó một cách tốt nhất. Đề tài hay về môi trường có rồi nhưng cách triển khai và trình bày cũng cần phải tạo được sự mới lạ, vẽ ra được câu chuyện hấp dẫn dựa trên nền thông tin có thật, có như vậy mới tạo ra được hấp dẫn cho cốt truyện, đồng thời tác động vào ý thức của từng người đọc”, nhà báo Thái Bá Dũng tâm sự.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Phát huy vai trò của người làm báo trong việc truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO