Tin tức

Phạt nặng, đình chỉ hoạt động nếu vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy

Vân Anh 23/05/2025 08:06

(CLO) Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 106/2025/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH).

phongchay-17479093003241748148298.jpg
Có nhiều điểm mới của Nghị định 106/2025/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC về phòng cháy, chữa cháy

Nghị định này bổ sung nhiều quy định mới, tăng nặng mức xử phạt và mở rộng đối tượng bị xử lý, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn cháy nổ, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.

Theo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an), Nghị định 106 đã bổ sung thêm các đối tượng vi phạm để bảo đảm phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật PCCC và CNCH, đồng thời sát với thực tiễn. Các đối tượng mới bao gồm: đơn vị phụ thuộc hợp tác xã (văn phòng, chi nhánh), tổ chức thành lập theo Luật Thương mại, cơ quan nhà nước, ban quản trị nhà chung cư có tư cách pháp nhân và các tổ chức được giao trực tiếp quản lý cơ sở theo quy định pháp luật.

Đáng chú ý, Nghị định mới quy định hình thức xử phạt bổ sung là “đình chỉ hoạt động có thời hạn” đối với các hành vi có nguy cơ trực tiếp gây cháy, nổ tại nhiều điều khoản cụ thể. Đây được xem là biện pháp mạnh để ngăn chặn sớm nguy cơ cháy nổ từ những thiếu sót trong khâu quản lý, vận hành và sử dụng thiết bị, cơ sở vật chất.

Bên cạnh đó, Nghị định bổ sung 7 điều luật mới nhằm cụ thể hóa các hành vi vi phạm và chế tài xử lý. Trong đó:

* Điều 19 quy định về việc lưu thông phương tiện, vật liệu, cấu kiện phòng cháy phải được cấp phép trước khi đưa vào sử dụng.

* Điều 20, 21, 22 lần lượt quy định trách nhiệm trang bị, lắp đặt, sử dụng và bảo trì phương tiện PCCC và CNCH.

* Điều 23 quy định biện pháp thông gió, chống khói tại các cơ sở, công trình có nguy cơ cháy nổ.

* Điều 37 quy định rõ thẩm quyền xử phạt của từng cấp, phù hợp với phân công chức năng nhiệm vụ.

* Điều 38 sửa đổi Nghị định số 119/2017/NĐ-CP, bổ sung thẩm quyền xử phạt cho Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH và Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH cấp tỉnh.

Đặc biệt, Nghị định 106 bổ sung các quy định xử phạt tại 11 điều (từ Điều 11 đến Điều 25) đối với hành vi để xảy ra cháy nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, khép kín hành lang pháp lý xử lý vi phạm, ngăn chặn tâm lý chủ quan, buông lỏng trong công tác phòng cháy tại cơ sở.

Một điểm mới có tính răn đe cao là việc nâng mức xử phạt hành chính tối đa với các hành vi vi phạm nghiêm trọng, có nguy cơ trực tiếp gây cháy nổ, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, cụ thể như:

Vi phạm trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; Vi phạm trong trang bị, sử dụng, bảo dưỡng phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH; Không thành lập hoặc duy trì đội PCCC cơ sở, đội chuyên ngành; Vi phạm quy định thoát nạn, phòng cháy lan; Không tổ chức kiểm tra định kỳ về PCCC tại cơ sở.

Với các hành vi không trực tiếp gây ra cháy, nổ, mức xử phạt được điều chỉnh tăng nhẹ, bảo đảm tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm. Theo đại diện Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, việc điều chỉnh này vừa nâng cao hiệu quả phòng ngừa, vừa thể hiện rõ trách nhiệm pháp lý đối với từng hành vi vi phạm, ngay cả khi chưa gây hậu quả cụ thể.

Nghị định cũng bãi bỏ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND cấp huyện và Trưởng Công an cấp huyện, nhằm phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy mới của lực lượng Công an nhân dân theo định hướng cải cách hành chính và phân cấp quản lý.

Việc ban hành Nghị định số 106/2025/NĐ-CP được đánh giá là bước tiến quan trọng trong siết chặt kỷ cương pháp luật về PCCC và CNCH, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, doanh nghiệp và tổ chức trong công tác phòng ngừa rủi ro cháy nổ, từ đó góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Phạt nặng, đình chỉ hoạt động nếu vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO