Phát triển giao thông Thủ đô hiện đại, xứng tầm
(NB&CL) Qua 70 năm giải phóng (10/10/1954 - 10/10/2024), diện mạo Thủ đô ngày càng thay đổi hiện đại, văn minh và đặc biệt lĩnh vực giao thông vận tải đã phát triển mạnh mẽ, tạo động lực lan tỏa đến mọi mặt.
Động lực từ những dự án trọng điểm
Thời gian qua, Thành phố Hà Nội đã hết sức chú trọng đầu tư vào những công trình, dự án trọng điểm mang tính liên kết vùng, liên kết khu vực nhằm từng bước hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông. Bức tranh về giao thông Hà Nội hôm nay đã có nhiều đổi thay rõ nét.
Hàng loạt các công trình hạ tầng giao thông đã và đang được gấp rút triển khai thực hiện, đưa vào khai thác góp phần giảm ùn tắc, tạo động lực để thúc đẩy kinh tế phát triển. Điển hình như đường Vành đai 2, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, đường Vành đai 3, trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ), Quốc lộ 1A.
Hay các công trình cầu vượt, hầm chui tại các nút giao thông quan trọng như nút giao Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt, An Dương - đường Thanh Niên, đường nối từ Vành đai 3 đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; hầm chui Lê Văn Lương, Kim Đồng,...

Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước đưa vào khai thác 2 tuyến đường sắt đô thị.
Ngoài ra nhiều tuyến cao tốc quan trọng kết nối vùng, lấy Thủ đô làm trung tâm đã hoàn thành, đưa vào khai thác như: Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Hải Phòng, Pháp Vân - Cầu Giẽ... Những trục giao thông này đã, đang và sẽ cải thiện hạ tầng giao thông, diện mạo đô thị, tạo thêm lực phát triển cho Thủ đô.
Đặc biệt hiện Hà Nội đã khởi công Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và đang tích cực triển khai thi công xây dựng. Tuyến đường có chiều dài hơn 112km với tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công kết hợp hình thức đối tác công - tư (PPP).
Phát biểu tại lễ khởi công dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, việc đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4, vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng sẽ phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới.
Có đường xá, hệ thống vận tải phải đồng bộ nhằm phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương của người dân cũng như lưu thông hàng hóa. Với vận tải công cộng, hiện Hà Nội có 128 tuyến buýt trợ giá với hơn 1.900 xe, trong đó có 282 xe điện và xe sử dụng nhiên liệu sạch CNG.
Mạng lưới xe buýt hiện đã tiếp cận 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn đạt 100%. Đồng thời kết nối với 7 tỉnh thành lân cận như Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc.
Ông Thái Hồ Phương - Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông công cộng Hà Nội cho hay, hướng tới mục tiêu xanh hóa hệ thống vận tải hành khách công cộng của Thủ đô, các tuyến buýt mở mới sẽ ưu tiên sử dụng xe năng lượng sạch.
Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước đã đưa vào khai thác 2 tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội và Cát Linh - Hà Đông, khởi đầu cho kỷ nguyên mới của vận tải công cộng nhanh - khối lớn, hiện đại, văn minh, thân thiện với môi trường.
Những kết quả đạt được trong phát triển hạ tầng đã góp phần giảm tải áp lực giao thông cho Thủ đô, từng bước hạn chế ùn tắc và tăng cường kết nối với các tỉnh thành. Có thể nói, giao thông vận tải đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô.
Chú trọng vào quy hoạch giao thông đáp ứng quy mô 10 triệu dân
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua nhưng nhiều chuyên gia cũng cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận hạ tầng giao thông Thủ đô vẫn còn một số hạn chế khi quỹ đất dành cho giao thông chỉ đạt từ 8% - 10%, giao thông công cộng chưa đáp ứng nhu cầu đi lại, ùn tắc còn diễn biến phức tạp,...
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương với 54 điều, quy định rõ vị trí, vai trò của Thủ đô cũng như chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đang được gấp rút thi công.
Đáng chú ý tại Luật này, Quốc hội kiến tạo nhiều chính sách có tính đột phá giúp Hà Nội phát triển không gian cũng như là hạ tầng giao thông. Luật đã cho phép đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội được ưu tiên áp dụng mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng), bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững.
Nghị quyết Đại hội XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) Đảng bộ TP. Hà Nội đã xác định tầm nhìn dài hạn cho Thủ đô trong khoảng 25 năm tới. Đó là đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ Thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh, bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Hà Nội tập trung triển khai hiệu quả 3 khâu đột phá chiến lược, trong đó tập trung phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô.
Phát triển mạnh hạ tầng số, công nghệ thông tin, dữ liệu... kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.
Còn tại Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có mục tiêu tổng quát Hà Nội là Thành phố “Văn hiến, Văn minh, Hiện đại”, xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới; trung tâm đi đầu đối với nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ mới; trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc,...
Về quy mô dân số thường trú đến năm 2050 khoảng 13 - 13,5 triệu người; GRDP bình quân đầu người năm 2050 đạt 45.000 - 46.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa 80 - 85% vào năm 2050.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải, nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 313/QĐ-TTg. Quá trình lập Quy hoạch, Thành phố nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, các đơn vị đồng hành trên địa bàn, cộng đồng dân cư gợi ý đối với các nội dung lập Quy hoạch Thủ đô nói riêng, phát triển Thủ đô nói chung.
Hàng năm, Hà Nội dành 50% nguồn lực đầu tư cho hệ thống giao thông vận tải, cơ chế chính sách đầu tư cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông; chương trình phát triển riêng cho giao thông đô thị, các danh mục theo từng nhiệm kỳ, giai đoạn đầu tư càng ngày càng có chất lượng.
Để giao thông Thủ đô Hà Nội thực sự phát triển với quy mô, vị thế xứng tầm đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các ban ngành chức năng, chính quyền cơ sở trong việc thực hiện đúng các mục tiêu, quy hoạch đã đề ra.
Thế Anh