Phát triển 'giao thông xanh': Phải đủ quyết liệt để hướng đến mục tiêu Net Zero
(CLO) Đồng bộ và kết nối các loại hình vận tải công cộng từ xe đạp, xe buýt đến tàu điện để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân được cho là giải pháp hiệu quả nhất để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Vẫn còn nhiều rào cản
Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 6004/QĐ-UBND phê duyệt “Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố”.
Đề án đưa ra kế hoạch, lộ trình chuyển đổi và phát triển xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố đạt 100% vào năm 2035.
Trước mắt đến năm 2025, căn cứ vào đề xuất của các đơn vị vận tải và chấp thuận của UBND Thành phố sẽ vận hành thí điểm 5 tuyến xe buýt điện với 76 xe để xây dựng định mức, đơn giá cho chủng loại xe buýt điện sức chứa trung bình và nhỏ.

Chất lượng không khí tại Hà Nội ở mức báo động ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
Cùng với đó, Luật Thủ đô quy định vùng phát thải thấp là khu vực được xác định để hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường nhằm cải thiện chất lượng không khí.
Các chuyên gia khẳng định, việc cắt giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông đường bộ có vai trò quan trọng để Việt Nam đạt được cam kết Net Zero phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tuy nhiên vẫn còn không ít rào cản trong việc thực hiện lộ trình chuyển đổi “giao thông xanh”.
Ông Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, hiện ở Việt Nam chưa có quy định về niên hạn sử dụng cho các phương tiện xe máy. Quy định niên hạn sử dụng chỉ áp dụng cho các loại ôtô như xe tải, xe khách hay xe taxi.
Vấn đề đặt ra để hướng tới “xanh hóa” giao thông hiện nay là cần những việc làm mạnh tay và thực chất hơn gắn với thực tế để đi vào cuộc sống hàng ngày của người dân, thay đổi và xây dựng thói quen sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường trong thời gian tới.
Còn theo ông Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, làm thế nào để đẩy nhanh quá trình “xanh hóa” phương tiện? Theo tôi, quan trọng nhất vẫn là chính sách của Nhà nước. Chúng ta đã có nhiều chính sách nhằm khuyến khích “xanh hóa” phương tiện nhưng cần cụ thể hơn nữa.
Ví dụ như xây dựng hạ tầng thì khuyến khích như thế nào để các nhà đầu tư tham gia? Trợ giá như thế nào cho người dân khi họ mua và xử dụng xe điện?... Những chính sách kinh tế, xây dựng hạ tầng cho phát triển “giao thông xanh”, tôi nghĩ cần phải cụ thể hơn nữa.
Bên cạnh đó người dân cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình xanh hóa phương tiện giao thông, bởi họ là những người trực tiếp tham gia giao thông.
Do vậy cơ quan quản lý cần đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến kiến thức cho người dân, để từ đó thay đổi nhận thức và thấy được lợi ích lâu dài của việc “xanh hóa” phương tiện giao thông. Chỉ cần người dân sẵn sàng tham gia “giao thông xanh” thì nhiều việc nhỏ sẽ mang lại hiệu quả lớn.
Phải quyết liệt hơn nữa
Ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, giao thông là một trong những ngành phát thải carbon và khí metan lớn. Sự gia tăng nhanh phương tiện giao thông không những gây ra cảnh tắc đường mà còn thải ra môi trường một lượng lớn khí thải gồm CO2, Nox và các hạt bụi mịn (PM2.5, PM10),...
Thống kê cho thấy, hiện Hà Nội có tới hơn 8 triệu phương tiện giao thông với khoảng 1,1 triệu ô tô và 6,9 triệu xe máy. Cùng với đó có trên 1 triệu phương tiện từ các địa phương khác thường xuyên lưu thông trên địa bàn. Đáng chú ý nhiều phương tiện đã sử dụng rất lâu, hư hỏng, cũ nát.

Kết nối đồng bộ các loại hình vận tải hành khách công cộng để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ảnh minh họa.
Ngoài việc giảm thiểu phương tiện cá nhân thì phát triển đồng bộ và kết nối các loại hình vận tải công cộng từ xe đạp, xe buýt đến tàu điện để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân được cho giải pháp hiệu quả nhất để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển giao thông văn minh, hiện đại.
Trao đổi với PV Báo Nhà báo và Công luận, ông Phạm Đình Tiến - Trưởng Phòng Kế hoạch & Vận hành (Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông Hà Nội) cho biết, đề án phát triển vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện (năng lượng xanh) đã được thành phố phê duyệt thông qua.
Đây là dịch vụ giao thông vận tải rất sạch, thân thiện và nó sẽ thay đổi cả chất lượng lẫn phương cách phục vụ tương lai sẽ sánh ngang với các nước phát triển.
Theo ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Hanoi Metro, vận tải hành khách công cộng có 3 giai đoạn phát triển. Giai đoạn 1 là giai đoạn để phục vụ người không có phương tiện đi lại; giai đoạn 2 là cạnh tranh với phương tiện cá nhân, điều này đường sắt đô thị đã làm được; giai đoạn cuối cùng là giai đoạn người dân ưa thích. Và Hanoi Metro đang hướng đến mục tiêu đó.
Nếu sử dụng tàu điện để đi học, đi làm thì cũng đồng nghĩa với việc đóng góp vào hành động bảo vệ môi trường Thủ đô. Cứ 1.000.000 giờ di chuyển bằng đường sắt đô thị thì sẽ tiết kiệm được 478.000 giờ, giảm 100 tấn khí thải và đem lại giá trị khoảng 30 tỷ đồng.
Các tuyến đường sắt đô thị mới bước đầu được đưa vào hoạt động ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Dù còn nhiều bỡ ngỡ nhưng đường sắt đô thị chắc chắn sẽ là xu thế tất yếu giao thông công cộng ở Việt Nam.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội khẳng định, giao thông công cộng của Thủ đô vừa qua có nhiều sự chuyển biến tích cực. Bản thân giao thông công cộng là một loại hình giúp cho cải thiện môi trường của thành phố rất là hiệu quả.
Giao thông công cộng có vai trò thu hút lượng lớn người dân tham gia. Ngoài xe buýt, giờ còn có đường sắt đô thị song hành tăng cường phục vụ số đông hành khách giúp cho giảm sử dụng phương tiện cá nhân, giảm thoát xả, giảm ô nhiễm môi trường và giảm tai nạn giao thông.
“Chúng ta đang tiến hành chuyển sang xu thế mới không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước trên thế giới đó là chuyển đổi xanh. Chuyển đổi xanh trong giao thông thì vẫn phải nói đến vai trò của giao thông công cộng trong việc phát triển bền vững và cải thiện môi trường và chuyển đổi xanh đáp ứng được yêu cầu đó.
Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, kế hoạch, có những lộ trình để từng bước chuyển đổi từ buýt truyền thống sang buýt sử dụng nguyên liệu sạch, tăng cường đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển đường sắt đô thị.
Chúng ta đã triển khai một loạt các giải pháp đồng bộ, có đủ các điều kiện cần thiết. Bây giờ chỉ còn một câu chuyện nữa là thực hiện tham gia của các thành phần có vai trò, đương nhiên vai trò tích cực nhất vẫn thuộc ngành giao thông...”, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách công cộng Hà Nội nhấn mạnh.
Thế Anh