Đó là câu chuyện hồi sinh không thể ngờ của bệnh nhân phi công người Anh làm việc cho Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam bị mắc Covid- bệnh nhân 91 (BN 91).

19 giờ ngày 2/6, thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết BN 91 đã tỉnh táo hoàn toàn, có thể tiếp xúc, thực hiện được đầy đủ các y lệnh của y bác sĩ. Đặc biệt, BN có thể mỉm cười, lắc đầu hoặc bắt tay với nhân viên y tế, thậm chí đã có thể tự cầm ly nước.

Kỳ tích- cụm từ chung nhất mà báo giới dành cho sự kiện này- là hoàn toàn chính xác. Bởi trước đó trước khi có kết quả chụp CT-scan phổi lần 2, không ai, kể cả chính đội ngũ y bác sĩ hàng chục ngày liền liên tục cận kề, chăm sóc, điều trị cho BN 91- dù luôn luôn hy vọng, luôn luôn chờ đợi- lại có thể ngờ phổi của bệnh nhân lại có thể hồi phục.

Một ca bệnh rất đặc biệt với quá nhiều những diễn tiến bất thường, phức tạp chưa từng có trong y văn thế giới- đó là những mô tả chung nhất về y bệnh của BN 91. Tất cả đã biến việc điều trị cho BN người Anh này- tưởng chừng bình thường như điều trị cho tất cả các BN mắc Covid khác- đột ngột trở thành một cuộc chiến giành giật sự sống cam go chưa từng có.

Theo bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh- nơi đầu tiên tiếp nhận BN 91- ngày 18/3, BN nhập viện trong trạng thái sức khỏe bình thường, không có tiền sử bệnh nền. Tuy nhiên, lượng virus trong cơ thể lại cao gấp nhiều lần các ca bệnh đang điều trị Covid-19.

Nhưng sự bất thường đó chưa phải đã hết. Đến ngày 25/3, nghĩa là chưa đầy một tuần sau đó, từ chỗ vẫn đi lại, sinh hoạt bình thường, BN 91 trở nặng rất nhanh. BN sốt cao liên tục rồi suy hô hấp tăng dần tiến tới buộc phải hỗ trợ thở oxy qua đường mũi sau đó chuyển sang thở oxy qua mặt nạ, hoàn toàn nằm một chỗ, nuôi ăn qua đường tĩnh mạch.

Đến ngày 5/4, BN buộc phải thở máy xâm lấn, một ngày sau đó, phải can thiệp ECMO (oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể) ngay tại phòng cách ly áp lực âm.

Thêm vào đó, việc cơ thể của BN 91 diễn tiến bất thường, mắc hội chứng “cơn bão cytokine” - hệ miễn dịch phản ứng thái quá giải phóng nhiều cytokine chống lại cơ thể thay vì bảo vệ, gây ảnh hưởng các phủ tạng, đã khiến phổi của bệnh nhân, vốn đã bị tổn thương do nCoV lại càng tổn thương nặng nề hơn do cytokine.

Chưa hết, BN đang ở trạng thái ổn định đột nhiên xuất hiện tình trạng tràn khí màng phổi, kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 lúc này âm tính, lúc khác lại dương tính, đảo chiều liên tục.

thêm nữa, BN còn bị rối loạn đông máu, đồng thời mắc thêm hội chứng HIT (giảm tiểu cầu do dị ứng với thuốc chống đông heparin được dùng khi chạy ECMO. Ngày 13/5, hai phổi của BN đã xơ hóa, đông đặc, chỉ còn 10% hoạt động, phải sống hoàn toàn phụ thuộc vào ECMO.

Để BN có thể sống, các bác sĩ đã tính đến cứu cánh cuối cùng: có thể chỉ là việc ghép phổi. Nói là có thể bởi tình trạng thập tử nhất sinh, bởi hai phổi “nát bét”, nhiễm trùng quá nặng, bởi nguồn phổi phù hợp quá khó khăn, rồi còn phải nuôi cấy, xác định sự tồn tại của virus SAR-CoV-2 trong cơ thể… tất cả biến mọi sự trở nên quá khó khăn.

Những tia hy vọng, dù mong manh nhất, đã trở nên xa dần…

Nhưng điều kỳ diệu mà không ai, kể cả những người lạc quan nhất có thể ngờ, đã đến: phổi của BN bắt đầu hồi phục, các chỉ số sinh tồn dần có dấu hiệu ổn định. Nếu ngày 13/5 kết quả chụp cho thấy hai phổi của BN chỉ còn 10% hoạt động thì chỉ 5 ngày sau, ngày 18/5, kết quả chụp CT-scan lần 2 cho thấy phổi đã hồi phục đến 20-30%.

Từ ngày 22/5 đến nay, kể từ khi được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy, đầu giờ sáng mỗi ngày lại xuất hiện thêm những tin vui về BN 91: phổi vẫn trong tiến trình hồi phục, nhích dần từ 30% đến 40% và tại buổi hội chẩn trực tuyến chiều 3/6, BV Chợ Rẫy cho biết, sau hơn 1 ngày cai ECMO, BN 91 vẫn ổn định, ngoài thực hiện được các y lệnh của bác sĩ như mỉm cười, cầm cốc, bệnh nhân có phản xạ ho mạnh hơn, cơ hoành phải hoạt động mạnh hơn; chức năng thận đã dần hồi phục và đặc biệt phổi đã phục hồi tới 60%.

Những tháng ngày “cân não”, dồn hết mọi tâm lực, trí lực và vật lực có thể; Những phiên hội chẩn tưởng chừng như bất tận (để tập trung theo dõi và hội chẩn về BN 91, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Bệnh viện Chợ Rẫy đã phải phối hợp lập nên một nhóm chat online gồm các chuyên gia đầu ngành về chuyên ngành hồi sức, truyền nhiễm, huyết học, hô hấp, vi sinh lâm sàng, dược lâm sàng cập nhật, thảo luận liên tục bất kể ngày hay đêm về tình hình BN); Những cuộc thảo luận chuyên môn đã có lúc hết sức căng thẳng tựa như đấu trí; những đêm trắng túc trực, chăm sóc cận kề, từng ly từng lí 24/24h, luôn sẵn sàng xử trí các tình huống, sự cố bất ngờ xảy ra trong phòng cách ly áp lực âm.… của các y bác sĩ, giờ đã được tưởng thưởng xứng đáng. Không gì tự hào hơn với những người khoác trên mình chiếc áo blouse trắng bằng việc họ đã “chiến thắng được thần chết”, giành giật được sự sống cho BN của mình…

Đó là trạng thái của BN 19 - bác của BN số 17- trong ngày 3/6 vừa qua, ngày bà nói lời chào tạm biệt các y bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương sau 82 ngày điều trị đầy cam go, trở về nhà đoàn tụ cùng những người thân yêu.

82 ngày trước, chính xác là khi nhập viện ngày 6/3 khi được xác định lây nhiễm Covid từ cô cháu gái, chính bản thân bà, những người thân cũng như các y bác sĩ điều trị không thể ngờ, họ đã sẽ phải trải qua hành trình chiến đấu để giành sự sống từ tay tử thần cam go, đằng đẵng đến thế. Bởi ngày nhập viện, BN 19 vẫn còn tỉnh táo với những triệu chứng mà các bác sĩ đánh giá là không đáng ngại.

Tuy nhiên, cũng như BN 91, diễn tiến bệnh đột ngột trở nên hết sức bất thường và trở nặng rất nhanh. 9 ngày sau nhập viện, từ ngày 15/3, BN bất ngờ xuất hiện tổn thương phổi nặng đến 80%, hai lá phổi gần như trắng xóa, nhanh chóng rơi vào suy hô hấp, khó thở, sốt cao, phải thở máy khẩn cấp. Đến ngày 18/3, tình trạng BN ngày càng chuyển biến xấu, tổn thương phổi ngày càng lớn. “Chỉ định dùng tim phổi nhân tạo ECMO là cách duy nhất có thể giữ mạng sống cho bệnh nhân lúc này. Chỉ cần chậm trễ, bệnh nhân có thể tử vong. Chúng tôi huy động tới 4 bác sĩ vào trong thay vì chỉ một như trước, chưa kể điều dưỡng” - Bác sĩ Đồng Phú Khiêm - Phó khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ với báo giới.

Ngày 20/3, BN đã phải lọc máu nhân tạo và phải viện đến ECMO để duy trì sự sống. Quan ngại nhất, khiến mọi hy vọng dường như đã có thể tắt ngấm là việc BN 19 có tới 3 lần ngừng tim. Trong ba lần ngừng tim, có lần BN ngưng tim tới 40 phút. Trong y văn y học Việt Nam có lẽ hiếm khi ghi nhận những trường hợp cấp cứu ngưng tuần hoàn trong vòng hơn 40 phút, không một phút cho phép được lỏng tay, phải luôn ép chuẩn theo đúng kỹ thuật như với BN 19 trong đêm 8/4 ấy.

Hội đồng chuyên môn, các chuyên gia, các y, bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã liên tục phải tiến hành hội chẩn để tìm ra phương thức điều trị phù hợp. Có những ngày như ngày 8/4 khi BN 3 lần ngừng tuần hoàn, sốc tim, các bác sĩ đã phải theo dõi sát sao, hội chẩn xuyên đêm. Đã có những lúc các bác sĩ điều trị, các chuyên gia đã phải căng thẳng bàn thảo trước việc có nên xem xét việc đặt lại ECMO cho BN này. Với quan điểm “còn nước còn tát”, các bác sĩ tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã quyết tâm “tát cho bằng được” sự sống của BN.

Quyết tâm, kỳ vọng, sự tận tâm tận lực vì sự sống của người bệnh của các y bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã được đền đáp. Đến chiều ngày 11/5, BN 19 đã bắt đầu tỉnh táo, ăn uống được, có thể vẫy tay chào các y, bác sĩ và trò chuyện ngắn với mọi người chung quanh.

Và đến ngày 3/6 vừa qua, khi chính thức được xuất viện, BN Covid-19 nặng nhất, nằm viện dài ngày nhất tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã có thể tự đi lại được, nói chuyện vui vẻ, bịn rịn vẫy chào các bác sĩ. Phải là người 3 lần được kéo ra khỏi cửa tử, phải là người bao nhiêu ngày tháng chìm trong mê man bất tỉnh… mới thấy thấu hiểu hết sự bịn rịn ấy. Cái tình, cái tâm của những người khoác áo blouse trắng đã chinh phục trái tim bà và trái tim người Việt.

Một trong những ca bệnh nặng cũng đã được BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị thành công và công bố khỏi bệnh ngày 8/5 là BN 161. Đây là BN Covid-19 cao tuổi nhất Việt Nam (88 tuổi) có kèm bệnh lý xuất huyết não, liệt nửa người được công bố mắc Covid-19 ngày 14/4.

Và theo báo cáo của Tiểu ban điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19, tính đến ngày 3/6, đã có 298 BNCovid đã được chữa khỏi, tương ứng với tỷ lệ khỏi bệnh đạt 90,9%.

Báo chí trong nước và quốc tế liên tiếp thời gian qua đã dành những mỹ từ đẹp nhất để nói về những thành công của y khoa Việt Nam, những y bác sĩ Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19: Kỳ tích y khoa, “hình mẫu trong điều trị Covid”; "Những người hùng nơi tuyến đầu chống dịch", “những chiến sĩ áo trắng”, “những anh hùng thầm lặng trên mặt trận không tiếng súng”…

Với những “chiến binh áo trắng” trên chiến trường Covid, những ngợi ca ấy là động lực, để họ vơi bớt những nhọc nhằn, vượt qua những áp lực của nghề. Niềm tin yêu, sự kỳ vọng của người bệnh là nguồn năng lượng giúp họ chắt chiu cho mình ngọn lửa tâm huyết, để có thể đi tới cùng, có thể sống chết với nghề, vì sự sự sống còn của người bệnh.

Trên cơ thể BN 91 đã hiện hữu trở lại, ngày càng rõ rệt những dấu hiệu của sự sống, hy vọng đã xuất hiện cuối đường hầm… nhưng để đưa anh thực sự trở về với cuộc sống thường nhật, trở về với những chuyến bay… ngoài nỗ lực và sự may mắn của BN, còn là cuộc chiến trường kỳ, nhiều thách thức, đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa, cam go hơn nữa của các y bác sĩ điều trị.

Nhưng, những “chiến sĩ áo trắng” Việt Nam sẽ quyết chiến chiến thắng đến cùng. Bởi, ngoài sự vô giá của sinh mệnh con người còn là tình yêu, trách nhiệm lớn lao với Tổ quốc. "Chúng tôi luôn cố gắng, nỗ lực để giữ một phòng tuyến tiên phong, vững chắc, tạo tâm lý tốt để người dân yên tâm tin tưởng những người ở tuyến đầu phòng, chống dịch; để khẳng định cho cả thế giới biết về thương hiệu, uy tín của Việt Nam"… chia sẻ của bác sĩ Bắc, bác sĩ Phong… cũng là quyết tâm của các y bác sỹ Việt Nam.

Họ, đã, đang viết tiếp những trang vàng cho ngành y Việt Nam trên bản đồ y tế thế giới, góp phần tạo dựng hình ảnh Việt Nam đáng khâm phục trong tâm trí bạn bè thế giới.