Phiên chất vấn thể hiện tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm

Thứ năm, 15/08/2019 23:00 PM - 0 Trả lời

(CLO) Chiều 15/8, sau một ngày làm việc tập trung, hiệu quả, UBTV Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết về giám sát chuyên đề và các kết luận về chất vấn trả lời chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết luận phiên chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết luận phiên chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Nội dung chất vấn vẫn là những vấn đề nóng

Phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, UBTV Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất về việc thực hiện các nghị quyết về giám sát chuyên đề và các kết luận về chất vấn trả lời chất vấn của UBTV Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.

Với tinh thần trách nhiệm cao, đã có 35 đại biểu đặt câu hỏi, 3 đại biểu tranh luận và 14 Bộ trưởng và Chánh án TAND Tối cao trực tiếp trả lời chất vấn những vấn đề thuộc trách nhiệm của mình. Vẫn còn 12 đại biểu đăng ký nhưng không đủ thời gian đề nghị gửi chất vấn bằng văn bản đến các thành viên Chính phủ. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số nội dung chất vấn và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên UBTV Quốc hội tiến hành giám sát lại các vấn đề đã được giám sát, chất vấn tại các phiên họp của UBTV Quốc hội. Tiếp nối từ thành công của phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, việc chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp này cho thấy tính liên tục, toàn diện trong hoạt động giám sát của Quốc hội; thể hiện tinh thần trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong việc theo dõi, giám sát đến cùng những nội dung đã được giám sát.

Phiên chất vấn cũng là cơ hội để các thành viên chính phủ báo cáo, giải trình, làm rõ những vấn đề, nội dung còn tồn tại, hạn chế và đề xuất những chủ trương, giải pháp trong thời gian tới. Điều này là hết sức quan trọng nhất là trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực hoàn thành vượt mức các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được đề ra cho cả nhiệm kỳ.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận nội dung chất vấn bao quát gần hết các vấn đề của đời sống kinh tế - xã hội, liên quan đến trách nhiệm quản lý, điều hành của hầu hết các bộ, ngành. Có những nội dung đã được chất vấn nhiều lần tại các Kỳ họp Quốc hội, phiên họp UBTV Quốc hội nhưng tiếp tục vẫn là vấn đề nóng, được các đại biểu Quốc hội quan tâm để chất vấn lại tại phiên họp này.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thể hiện tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trước mỗi vấn đề bức xúc của người dân. Các đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu kỹ các báo cáo, hỏi thẳng vào vấn đề còn vướng mắc hoặc chưa được đề cập, làm rõ trong các báo cáo; tích cực tranh luận để đi đến cùng vấn đề.

Các Bộ trưởng, trưởng ngành đã dành thời gian quan tâm và chuẩn bị khá kỹ cho việc trả lời chất vấn, cơ bản nắm chắc và toàn diện vấn đề của ngành, lĩnh vực mình phụ trách, thẳng thắn nhận trách nhiệm, nêu được nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, cũng có đại biểu hỏi còn dài, phần trả lời có nội dung còn chưa tập trung, nêu vấn đề nhưng chưa xác định rõ trách nhiệm.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, qua các báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và nội dung chất vấn, có thể thấy rằng bức tranh tổng thể trong việc triển khai các yêu cầu của UBTV Quốc hội trong các nghị quyết giám sát, kết luận chất vấn của UBTV Quốc hội có nhiều điểm sáng, nhưng cũng phải thẳng thắn thấy rằng còn có nhiều nội dung, nhiều chỉ tiêu, yêu cầu chưa đạt, chưa giải quyết dứt điểm hoặc vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục có giải pháp căn cơ để triển khai, khắc phục. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả những nội dung yêu cầu tại các nghị quyết và kết luận của UBTV Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội khái quát lại các giải pháp tập trung vào một số nhóm vấn đề, đó là hoàn thiện thể chế pháp luật, triển khai các đề án cụ thể; hoàn thiện chính sách pháp luật đối với người có công, đối với đồng bào dân tộc thiểu số; ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn ở một số lĩnh vực xây dựng; hoàn thiện các chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hỗ trợ cho ngư dân và các hoạt động kinh tế biển; các chính sách tháo gỡ nút thắt cho kết nối giao thông, chính sách phát triển bền vững, đồng bằng Sông Cửu Long; các chính sách cho phát triển khoa học công nghệ…

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội đã nêu một số yêu cầu phải giải quyết đối với một số vụ việc cụ thể. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, hiệu quả trong hoạt động giám sát của Quốc hội được phản ánh rõ nét thông qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

Ngăn ngừa tình trạng tham nhũng vặt

Trả lời chất vấn của đại biểu về tham nhũng vặt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, bên cạnh việc đấu tranh phòng, chống những “đại án”, vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng, thì chủ trương của Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống, tham nhũng cũng như Nghị quyết của Quốc hội, UBTV Quốc hội đều nhấn mạnh đến vấn đề tham nhũng vặt.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ trả lời chất vấn. Ảnh: ĐBND

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ trả lời chất vấn. Ảnh: ĐBND

Tham nhũng vặt là tệ nạn gây bức xúc, nhức nhối dư luận nhân dân, liên quan đến đạo đức công chức, viên chức. Theo Phó Thủ tướng, tham nhũng vặt phá hoại đạo đức cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực hiện, làm xói mòn niềm tin của người dân và doanh nghiệp, đồng thời làm tăng chi phí không chính thức của người dân, doanh nghiệp.

Thực hiện chủ trương của Trung ương, Quốc hội, UBTV Quốc hội, Phó thủ tướng cho biết, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp.

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế bảo đảm thống nhất, rõ ràng, không chồng chéo nhau, cản được chuyện tùy tiện trong quá trình thực thi pháp luật, của cả phía thực thi và phía kiểm tra, cơ quan thanh tra, kiểm toán, tránh chuyện nhũng nhiễu, sách nhiễu từ chỗ pháp luật.

Thứ hai, hoàn thiện quy định về quy chế, quy trình cho trách nhiệm thực thi công vụ, đạo đức công vụ, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, đẩy mạnh cải cách hành chính công khai, minh bạch, ứng dụng cung cấp công nghệ thông tin thì lúc đó mới ngăn được người thực thi và người cung cấp dịch vụ công tham nhũng vặt.

Thứ ba, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển, nhất là các ngành có rủi ro cao, nhất là bổ nhiệm cán bộ đứng đầu, những trưởng đoàn.

Thứ tư, nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân với các phương tiện truyền thông, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, kể cả người được dịch vụ công phục vụ và người cung ứng dịch vụ công là cán bộ, công chức, viên chức.

Tăng cường quản lý thông tin trên mạng xã hội

Về quản lý thông tin trên mạng xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, vừa qua Bộ Thông tin và Truyền thông đã đầu tư, xây dựng vận hành trung tâm giám sát an toàn mạng quốc gia. Trung tâm này có hai chức năng gồm: Giám sát các cuộc tấn công mạng vào Việt Nam và thông tin trên không gian mạng. Trung tâm này có khả năng xử lý mỗi ngày khoảng 100 triệu tin và phân loại, đánh giá được tỷ lệ tin tiêu cực, tích cực.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. Ảnh VGP

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. Ảnh VGP

“Trước đây, tỷ lệ thông tin tiêu cực trên mạng đánh giá là trên 30%, bây giờ chúng ta nhìn thấy và có tác động điều chỉnh, các tiêu cực cơ bản nằm dưới 10%”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong việc đấu tranh với các trang mạng nước ngoài, trong khi họ chưa có văn phòng đại diện tại Việt Nam, chưa đóng thuế, chưa thực thi luật pháp Việt Nam, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã rất tích cực. Cụ thể, với Facebook trước đây, Nhà nước đưa ra yêu cầu thực hiện được khoảng 30%, bây giờ tỷ lệ thực hiện yêu cầu của Facebook đối với chính quyền là 70 - 80%; Youtube tuân thủ tốt hơn, trước đây 60%, bây giờ là 80 - 85%, Apple thì trước không thực hiện, bây giờ gần như thực hiện 75% các yêu cầu…

Về vấn đề xây dựng mạng xã hội Việt Nam, Bộ trưởng lý giải, nếu như Việt Nam không có mạng của chính mình thì tất cả những gì chúng ta đọc, mua, bán thì đều lưu trữ ở nước ngoài, “nói vui là não người Việt Nam ở nước ngoài”, Bộ trưởng ví von.

Do đó, chúng ta đặt mục tiêu xây dựng mạng xã hội trong nước, để mạng xã hội trong nước có lượng người dùng tương đương với mạng xã hội nước ngoài, để “não” người Việt Nam phân tán đều, không có bất kỳ nhà mạng nào thu thập được toàn bộ thông tin về người Việt Nam.

Bộ trưởng cho biết, hiện nay, các mạng xã hội Việt Nam có khoảng 65 triệu thuê bao, trong một năm tăng trưởng khoảng 30%. Các mạng xã hội cộng lại là khoảng 90 triệu. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay của mạng xã hội nước ta, Bộ trưởng kỳ vọng, “trong khoảng năm 2020 - 2021 chúng ta sẽ đạt câu chuyện 50 - 50”.

Có sự yếu kém trong quản lý chất lượng hàng hóa

Trả lời chất vấn về việc xử lý trách nhiệm của thanh tra chuyên ngành, ngành chức năng khi để xảy ra nhiều vụ làm hàng giả như xăng dầu, làm giả nhãn mác, thương hiệu hàng Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết thực tế công tác kiểm tra quản lý nhà nước có sự phối hợp của các lực lượng. Song, sự phối hợp này ở các địa phương chưa kịp thời, hiệu quả, nhất là thực thi chức năng của các đơn vị, trong đó có xăng giả.

Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trần Tuấn Anh trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều 15/8. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trần Tuấn Anh trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều 15/8. Ảnh: TTXVN

Về mặt hàng xăng giả, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhắc đến quy định trong Luật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Theo đó, Bộ Khoa học Công nghệ có nhiệm vụ chỉ đạo để kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm, thực hiện những quy định cụ thể liên quan đến quy chuẩn của các mặt hàng xăng, dầu và dung môi trong pha chế. Quản lý thị trường có trách nhiệm thực hiện các kế hoạch kiểm tra về chất lượng xăng, dầu trên địa bàn cũng như lưu thông trên thị trường.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, không có đủ điều kiện để phát hiện ra những hành vi được tổ chức một cách quy mô, tinh vi. Ngay cả việc phối hợp cũng không đảm bảo thực hiện được hết trên toàn bộ địa bàn do sự yếu kém của lực lượng địa bàn.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết sau khi công an tổ chức điều tra vụ điều chế xăng giả, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ kiểm tra lại quá trình thực thi pháp luật.

Đối với vấn đề nhập nhèm xuất xứ hàng hóa, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Bộ Công Thương đã bước đầu hoàn thiện dự thảo thông tư Made in Vietnam và công bố để xin ý kiến phản biện. Sau đó, bộ sẽ báo cáo Chính phủ theo đúng quy trình để ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trấn áp mạnh tội phạm liên quan đến tín dụng đen

Về vấn đề đấu tranh triệt phá các tổ chức cho vay nặng lãi, tín dụng đen, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, đây là vấn đề bức xúc của xã hội được nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn. Ảnh: ĐBND

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn. Ảnh: ĐBND

Bộ trưởng cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, trên toàn quốc, lực lượng công an đã khởi tố hơn 436 vụ và 766 bị can liên quan đến tín dụng đen, bảo kê, đòi nợ thuê. Trong đó, khởi tố 214 vụ, hơn 900 bị can liên quan đến tín dụng đen về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, làm tan rã nhiều băng nhóm tội phạm tín dụng đen trên toàn quốc, thống kê làm tan rã 1.400 các đường dây, tổ chức cho vay nặng lãi.

Do trấn áp mạnh, tội phạm liên quan đến tín dụng đen đã được kiềm chế, giảm tính phức tạp so với trước đây, nhiều chỗ tạm dừng hoạt động và hoạt động một cách có cầm chừng và nhân dân đã cảnh giác với hoạt động này.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tô Lâm, tình hình tín dụng đen, bảo kê, đòi nợ thuê vẫn còn diễn biến phức tạp, có nơi có lúc gây lo lắng cho nhân dân; lưu ý hoạt động cho vay qua internet, tín dụng đen biến chướng qua không gian mạng, rất khó kiểm soát; tiền ảo và tiền thật thông qua internet để giao dịch tiền tệ.

Về giải pháp ngặn chặn, Bộ trưởng nêu rõ, lực lượng công an sẽ tiếp tục duy trì khí thế tấn công, trấn áp tội phạm tín dụng đen theo kế hoạch đề ra, không để chủ quan, chùng xuống khi kết quả hiện nay đang trên đà thực thi tốt. Tiếp tục sử dụng biện pháp nghiệp vụ, kiểm soát, lên danh sách, đấu tranh triệt phá băng nhóm tín dụng đen, bảo kê, đòi nợ thuê ngay từ khi mới hình thành, không để hình thành các tổ chức, nhất là các tổ chức tội phạm.

Điều tra, xử lý nghiêm các tội phạm liên quan đến tín dụng đen, mang tính răn đe cao vừa qua lực lượng công an trên toàn quốc và nhiều địa phương triển khai rất tích cực, công tác tuyên truyền vận động đã làm cho nhân dân hiểu rõ nguy hiểm của tội phạm này…

Về mặt pháp luật, Bộ trưởng cho biết, sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để tháo gỡ vướng mắc pháp luật, không để tội phạm lợi dụng khe hở của pháp luật, làm cơ sở xử lý phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm tín dụng đen hiệu quả hơn.

Sẽ có cơ chế khuyến khích vật liệu thân thiện môi trường

Về vấn đề rác thải nhựa, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết đây là vấn đề lớn không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới, ảnh hưởng đến hệ sinh thái, con người.

Dẫn chứng việc trên bàn họp hôm nay không có đồ nhựa dùng một lần, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, Chính phủ và Quốc hội luôn cam kết giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Bản thân Việt Nam đã có luật quản lý tài nguyên môi trường biển và tham gia những hiệp định quốc tế về vấn đề này.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn. Ảnh VGP

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn. Ảnh VGP

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, công cụ quan trọng để đối phó với vấn đề rác thải nhựa là chính sách thuế, phí áp dụng với các loại nhựa một lần.

Bên cạnh đó, sẽ có cơ chế khuyến khích vật liệu thân thiện môi trường. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và toàn xã hội.

Nếu người dân không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, sẽ vừa giảm rác thải, vừa tiết kiệm, đóng góp quan trọng cho thành công chung của chiến lược đối phó vấn đề rác thải nhựa, Bộ trưởng nói.

PV

Tin khác

Lập Tổ công tác xây dựng Đề án đưa TP HCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực

Lập Tổ công tác xây dựng Đề án đưa TP HCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực

(CLO) Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi vừa ký Quyết định thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án “Xây dựng Thành phố trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, có giá trị gia tăng cao".

Tin tức
Bệnh viện công, tư, Trung ương, địa phương kết hợp mới tạo ra quy hoạch đồng bộ về mạng lưới cơ sở y tế

Bệnh viện công, tư, Trung ương, địa phương kết hợp mới tạo ra quy hoạch đồng bộ về mạng lưới cơ sở y tế

(CLO) Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng "chỉ khi nào công, tư, Trung ương, địa phương kết hợp lại thì mới tạo ra quy hoạch đồng bộ về mạng lưới cơ sở y tế".

Tin tức
Quận Hoàng Mai lựa chọn được nhà thầu các dự án xây dựng trường học với tổng giá trúng thầu 827 tỷ đồng

Quận Hoàng Mai lựa chọn được nhà thầu các dự án xây dựng trường học với tổng giá trúng thầu 827 tỷ đồng

(CLO) Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã công bố kết quả lựa chọn nhà thầu 5 gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị của các dự án xây dựng trường học với tổng giá trúng thầu 827 tỷ đồng.

Tin tức
Hà Nội: Xe vận chuyển chất thải phải có camera hành trình, GPS

Hà Nội: Xe vận chuyển chất thải phải có camera hành trình, GPS

(CLO) Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Công điện số 03/CĐ-CT về việc tăng cường bảo đảm vệ sinh môi trường trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn Thành phố.

Tin tức
Đến năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên phạm vi cả nước đạt từ 85% trở lên

Đến năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên phạm vi cả nước đạt từ 85% trở lên

(CLO) Chính phủ phấn đấu đến hết năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên phạm vi cả nước đạt từ 85% trở lên. Đối với các xã, phường, thị trấn được chọn làm điểm chỉ đạo của trung ương, tỷ lệ này là trên 90%.

Tin tức