Phiên tòa xét xử vụ án sai phạm tại SAGRI tạm ngừng do bị cáo báo bệnh
(CLO) Một bị cáo có đơn xin hoãn phiên tòa do đang điều trị bệnh và một bị cáo xin xét xử vắng mặt do đang là F1 cách ly tại nhà, HĐXX vụ án sai phạm tại SAGRI tạm ngừng để xác minh.
Ngày 6/12, TAND TP. HCM đã tiến hành xét xử vụ vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí, tham ô tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và che giấu tội phạm xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI). Dự kiến phiên tòa kéo dài đến 17/12.

Ông Trần Vĩnh Tuyến tại phiên tòa sáng nay. Hình: Ngọc Dương
Tuy nhiên, tại phần làm thủ tục, thư ký phiên tòa báo cáo bị cáo Hồ Văn Ngon có đơn xin hoãn phiên tòa do bị bệnh; bị cáo Nguyễn Thị Tuyết Mai có đơn xin xét xử vắng mặt lý do chồng bị cáo f0, bị cáo là f1 và đang trong thời gian cách ly.
Trước tình hình trên, Viện KSND TP. HCM giữ quyền công tố tại tòa, ý kiến: Đối với đơn xin xét xử vắng mặt của bị cáo Mai, HĐXX có thể chấp nhận. Đối với bị cáo Hồ Văn Ngon xin hoãn phiên tòa vì đang bị bệnh, Viện KSND rất chia sẻ nhưng đề nghị HĐXX xem xét kỹ lưỡng quyền lợi, trách nhiệm của bị cáo Ngon.
Việc tiến hành tố tụng cần thực hiện với 18 bị cáo trong vụ án và sẽ bổ sung phần của bị cáo Ngon khi cơ quan tố tụng tiến hành xác minh. HĐXX có thể tạm ngừng phiên tòa để xác minh tình trạng bệnh của bị cáo Ngon.
Sau khi thảo luận, HĐXX đã đưa ra quyết định tạm ngừng phiên tòa sáng nay và tiếp tục xét xử vào ngày 8/12.
Theo cáo trạng, 3,75 ha đất tại khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9 (nay thuộc TP. Thủ Đức) là đất của thành phố giao cho Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn - Sagri (doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, do UBND TP. HCM quản lý) hợp tác với Tổng Công ty Phong Phú để đầu tư dự án nhà ở.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, cựu Phó Chủ tịch UBND TP. HCM.Tháng 4/2017, ông Lê Tấn Hùng (Tổng Giám đốc Sagri) gửi văn bản cho UBND TP. HCM, Sở Xây dựng đề nghị cho phép Sagri chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Công ty Phong Phú.
Với vai trò là Phó Chủ tịch UBND TP, ông Trần Vĩnh Tuyến biết việc chuyển nhượng dự án này phải thực hiện theo quy định về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp; phải thẩm định giá, xác định giá trị chuyển nhượng theo thị trường và các quy định khác của pháp luật.
Tuy nhiên, ông Tuyến căn cứ vào tờ trình tham mưu, đề xuất của Sở Xây dựng do Giám đốc Trần Trọng Tuấn ký, đã chấp thuận cho Sagri chuyển nhượng dự án cho Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú với giá hơn 168 tỷ đồng (tương đương hơn 10,5 triệu đồng/m2) - thấp hơn giá thị trường, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước.
Ngoài ra, dự án lúc này chỉ xây dựng được 80% công trình hạ tầng kỹ thuật, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, chưa có phương án, kế hoạch thoái vốn được cấp có thẩm quyền phê duyệt...
VKSND Tối cao xác định, hành vi của ông Trần Vĩnh Tuyến đã tạo điều kiện cho Lê Tấn Hùng và đồng phạm thực hiện thủ tục chuyển nhượng dự án trái pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước 672 tỷ đồng - tương đương với giá trị quyền sử dụng đất đã có hạ tầng của dự án tại thời điểm khởi tố vụ án là 864 tỷ đồng trừ đi số tiền hơn 192 tỷ đồng Sagri đã nhận.