Phim khiêu dâm deepfake: Cơn ác mộng trong đời thực tại Hàn Quốc
(CLO) Giữa làn sóng công nghệ AI bùng nổ, một mặt tối khác đang nhấn chìm Hàn Quốc: phim khiêu dâm deepfake.
Chỉ cần vài bức ảnh trên mạng xã hội, gương mặt phụ nữ, từ người nổi tiếng cho đến sinh viên vô danh, bị ghép vào các thước phim khiêu dâm giả mạo. Không cần sự đồng ý, không cần đạo đức, chỉ cần vài cú nhấp chuột.

Cơn ác mộng AI không loại trừ ai
Mùa hè 2021, Ruma đang thong dong ăn trưa thì điện thoại cô đột nhiên reo liên hồi. Mở tin nhắn ra, cô chết lặng: khuôn mặt mình, khuôn mặt ngây thơ từng đăng lên mạng xã hội, bị ghép vào những thân thể trần trụi rồi tràn vào các nhóm chat Telegram.
Dòng tin nhắn từ những kẻ giấu mặt như dao cắt vào lòng tự trọng: "Xem video khiêu dâm của chính mày đi", "Thích mà, đúng không?". Cơn ác mộng không dừng lại ở đó, chúng còn dọa phát tán hình ảnh rộng hơn, tự tin rằng "cảnh sát cũng không làm gì nổi".
Ruma, một sinh viên đại học 27 tuổi, sụp đổ. Thế giới cô tin tưởng vỡ vụn. Cô chỉ biết ôm sự sợ hãi mà không biết giận ai trước – bọn tội phạm tàn nhẫn hay chính công nghệ deepfake.
Ở Hàn Quốc, quốc gia từng chấn động vì những bê bối camera ẩn và phòng chat Telegram đen tối, nạn deepfake đang bùng nổ thành một đại dịch thực sự.
Theo Bộ Giáo dục nước này, chỉ trong 10 tháng đầu năm ngoái, hơn 900 học sinh, giáo viên và nhân viên trường học trở thành nạn nhân của tội phạm tình dục deepfake, chưa kể hàng loạt vụ tại các trường đại học.
Để đối phó, chính quyền đã nhanh chóng tung ra các biện pháp: thành lập đội phản ứng khẩn cấp, thông qua luật mới từ tháng 9/2024 với hình phạt cực nặng: sở hữu hoặc xem nội dung deepfake đồi trụy có thể lãnh án tới 3 năm tù, sản xuất hoặc phát tán thì lãnh tối đa 7 năm.
Cảnh sát quốc gia tuyên bố sẽ "xóa sổ hoàn toàn tội phạm tình dục deepfake". Nhưng thực tế, trong số 964 vụ deepfake được báo cáo, chỉ vỏn vẹn 23 người bị bắt. Và thế là những nạn nhân như Ruma phải tự mình ra trận.
Không cam chịu bị vùi dập, Ruma cùng một nhóm sinh viên tìm đến Won Eun-ji, nữ chiến binh từng nổi tiếng với chiến công bóc trần ổ tội phạm tình dục lớn nhất Hàn Quốc năm 2020. Won lập tức hóa thân thành "ông chú 30 tuổi" để thâm nhập vào nhóm chat bẩn thỉu kia, âm thầm thu thập chứng cứ suốt gần hai năm.
.png)
Cuối cùng, vào tháng 5 năm ngoái, cảnh sát đã bắt giữ hai thủ phạm. Cả hai đều là cựu sinh viên Đại học Quốc gia Seoul lừng danh. Tên cầm đầu lãnh 9 năm tù vì sản xuất và phát tán nội dung deepfake, còn đồng bọn lĩnh 3,5 năm.
Phiên tòa tuyên phạt nặng, trích từ bản án: "Những tài liệu giả mạo do thủ phạm tạo ra thật đáng kinh tởm... Họ săn lùng, làm nhục, và hủy hoại phẩm giá nạn nhân bằng những bức ảnh vô tội như lễ tốt nghiệp, đám cưới, họp mặt gia đình".
Nhưng Ruma thì vẫn chưa thể thở phào. "Tôi vui vì phán quyết công bằng, nhưng đây mới chỉ là phiên đầu tiên. Tôi vẫn còn nỗi sợ trong lòng", cô nói.
Hình ảnh giả, nỗi đau thật
Trong lúc đó, ở một trường hợp khác, cô giáo trung học Kim cũng rơi vào bẫy. Tháng 7/2023, học sinh hốt hoảng cho Kim xem ảnh chụp màn hình trên Twitter: ảnh chụp lén trong lớp, tập trung vào thân thể cô. Hai ngày sau, ác mộng thực sự ập đến: khuôn mặt Kim bị ghép vào ảnh khỏa thân trông thật đến mức rùng mình.
Cảnh sát khi đó trả lời: "Chúng tôi sẽ yêu cầu dữ liệu từ Twitter/X, nhưng mất thời gian lắm". Không chờ nổi, Kim và đồng nghiệp tự lục lọi, lần ra thủ phạm: một học sinh ít nói, hướng nội, người mà cô chưa từng nghi ngờ.
Cô đau đớn nhận ra: không chỉ thủ phạm quay lưng, mà cả xã hội cũng lạnh lùng. "Rất nhiều người bình luận kiểu: 'Có phải cơ thể thật đâu mà sợ?'", Kim nghẹn ngào.
Hiện chính sách của X yêu cầu cơ quan chức năng phải xin trát hoặc lệnh tòa mới được thu thập thông tin người dùng, và có thể mất nhiều tháng trời.
Won Eun-ji chua chát nhận xét: "Ở Hàn Quốc, việc tiêu thụ và chia sẻ nội dung khiêu dâm của phụ nữ từng chẳng khác gì uống nước, không ai coi là nghiêm trọng".
Theo Bộ Bình đẳng giới Hàn Quốc, số lượng vụ việc liên quan đến deepfake tăng gấp ba lần chỉ trong năm qua. Một thị trường ngầm đang phát triển mạnh: thuê làm phim khiêu dâm deepfake chỉ mất vài trăm USD, nhanh như đặt đồ ăn.
Những kẻ vận hành các kênh Telegram kín, diễn đàn đen, thậm chí còn chào mời "gói dịch vụ trọn gói" cho khách hàng muốn trả thù người yêu cũ.
Dù Chính phủ Hàn Quốc năm 2024 từng hình sự hóa việc tạo và phân phối deepfake khiêu dâm, nhưng các video vẫn trôi nổi, nạn nhân vẫn khổ sở, còn thủ phạm, thường ẩn danh sau lớp mạng VPN, vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Đòn hủy diệt cuộc sống thực
Những tổ chức nhân quyền cảnh báo rằng deepfake khiêu dâm không chỉ là tội ác công nghệ, mà là đòn hủy diệt cuộc sống thực. Các nạn nhân mô tả hậu quả kéo dài: trầm cảm, mất việc, đổ vỡ gia đình, và thậm chí ý nghĩ tự tử. Với một xã hội nặng nề áp lực như Hàn Quốc, scandal kiểu này có thể nhấn chìm một đời người chỉ trong vài giờ đồng hồ.
"Đây là chiến tranh kỹ thuật số chống lại phụ nữ", giáo sư Park Ji-hye, chuyên gia luật số ở Đại học Seoul, thẳng thừng nhận định. "Và chúng ta đang thua".
Theo cảnh sát Seoul, một bước đột phá có ý nghĩa đã diễn ra vào tháng 1 này, đánh dấu lần đầu tiên chính quyền Hàn Quốc thành công trong việc thu thập dữ liệu liên quan đến tội phạm từ Telegram.
14 người đã bị bắt, bao gồm 6 trẻ vị thành niên, với cáo buộc khai thác tình dục hơn 200 nạn nhân thông qua Telegram. Kẻ chủ mưu của đường dây tội phạm này bị cáo buộc nhắm mục tiêu vào nam giới và phụ nữ ở nhiều độ tuổi khác nhau kể từ năm 2020, và hơn 70 người khác đang bị điều tra vì bị cáo buộc tạo và chia sẻ tài liệu khai thác deepfake, cảnh sát Seoul cho biết.
Khi deepfake trở nên ngày càng sắc nét, khó phân biệt thật giả, Hàn Quốc có nguy cơ trở thành một bãi chiến trường mà danh dự, nhân phẩm con người chỉ còn là con số 0 trước những dòng mã độc ác. Chuyện của Ruma, của Kim, chỉ là vài lát cắt nhỏ trong bức tranh kinh hoàng đó.