Phim tài liệu 'Mưa lửa' - lời phủ nhận trước định kiến 'già, hết thời'
(CLO) Phim tài liệu "Mưa lửa" của đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư là một cái nhìn sâu sắc và cảm động về hành trình của các “Anh trai vượt ngàn chông gai” trước những hoài nghi từ dư luận.
Chiều 16/5, bộ phim tài liệu "Mưa lửa" đã có buổi chiếu đầu tiên dành cho giới truyền thông tại TP.HCM, để lại nhiều cảm xúc mạnh mẽ về hành trình của các nghệ sĩ trong chương trình "Anh trai vượt ngàn chông gai".
Bộ phim không chỉ đơn thuần ghi lại quá trình tham gia chương trình mà còn là câu trả lời mạnh mẽ, đầy cảm xúc trước định kiến “già”, “hết thời” mà các nghệ sĩ trung niên từng đối mặt.
Được thực hiện bởi đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư và giám đốc âm nhạc SlimV, "Mưa lửa" tái hiện lại khoảnh khắc những nghệ sĩ như Đăng Khôi (44 tuổi), S.T Sơn Thạch (35 tuổi), Jun Phạm và nhiều người khác phải đối diện với những nghi ngờ từ dư luận: Họ còn sức hút không? Họ có còn người hâm mộ? Họ có đang níu kéo hào quang đã vụt tắt?

Trong phim, ca sĩ Đăng Khôi không giấu được sự tổn thương: “Tôi mặc cảm mình thuộc thế hệ nghệ sĩ đã lui về ở ẩn, không biết các bạn còn tôn trọng mình không, thậm chí có biết tên Đăng Khôi hay không?”. Còn S.T Sơn Thạch trải lòng: “Mình có thời không? Mình già chưa? Mình muốn nhìn nhận về bản thân vì mình cũng sống thực tế”.
Một tình tiết đáng chú ý trong phim là câu hỏi gây tranh cãi được nhắc lại từ buổi họp báo ra mắt chương trình. Khi đó, một khách mời đặt vấn đề rằng tất cả các nghệ sĩ trong chương trình đều đã “hết thời” và không có "fandom" rõ ràng.
CEO Yeah1 – bà Ngô Thị Vân Hạnh nhớ lại: “Tôi nói với nhà báo nhưng thật ra là muốn truyền sự tự tin đến cho các anh, vì tôi biết các anh ngồi ở sau nghe được câu đó sẽ đau lắm, sẽ tổn thương kinh khủng. Mình cảm thấy xót xa khi tại sao người ta lại nỡ hỏi như vậy với các anh ngay trước mặt họ”.
Sau buổi chiếu, người đặt câu hỏi trên đã đứng dậy nhận mình là người đưa ra chất vấn trong buổi họp báo nhưng phủ nhận việc nói các anh “đã hết thời”. Cô cho biết mình chỉ muốn nhà sản xuất làm rõ cách chương trình tạo hiệu ứng khi nhóm nghệ sĩ không còn trẻ, khác với nhóm nghệ sĩ trẻ trung, đông fan như "Anh trai say hi". Người này cũng đề nghị đạo diễn làm rõ hơn chi tiết “hết thời” trong phim để tránh gây hiểu nhầm báo chí thiếu thiện cảm với chương trình.

Về điều này, bà Vân Hạnh khẳng định: “Có những bài báo trên tiêu đề nói rõ là Anh trai vượt ngàn chông gai hết thời. Uyên Thư lấy dẫn chứng từ các bài báo có thật. Những gì chúng tôi sử dụng là tư liệu thực tế, không dựng lại, không đóng”. Theo bà, đây là những định kiến mà ê-kíp đã thực sự phải đối mặt và chính chúng là động lực để các nghệ sĩ vượt lên, thể hiện giá trị của mình.
Jun Phạm – một trong các nghệ sĩ tham gia, từng nhắn với bà Hạnh: “Chị ơi, bọn em đã già, đã không đẹp bằng các bạn mà còn để chúng em hát dở như thế này thì ai xem?”. Nhưng bằng nỗ lực bền bỉ, họ đã chứng minh được rằng: sức hút không chỉ đến từ tuổi trẻ, mà còn đến từ tài năng, bản lĩnh và trái tim chân thành với nghệ thuật.
Trong khi đó, đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư khẳng định phim không nhằm công kích bất kỳ cá nhân nào mà là lời tri ân đối với tinh thần vượt khó, lòng tự trọng và khát khao được công nhận của các “anh trai”.
"Mưa lửa" không chỉ kể câu chuyện về một chương trình truyền hình thực tế mà còn là một thông điệp mạnh mẽ về tuổi tác, sự cống hiến và giá trị thật sự của người nghệ sĩ trong lòng công chúng.