Phim Việt bắt trend sao kê - sự thú vị của quay phim cuốn chiếu
(CLO) “Sao kê” đang là vấn đề nóng hiện nay vậy nên khi phim “Hương vị tình thân" bắt trend kịp thời từ khóa này đã làm khán giả vô cùng thích thú.
Vấn đề minh bạch thu chi tiền kêu gọi từ thiện của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Trấn Thành, Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng... đang là đề tài tranh cãi thời gian gần đây. Nắm bắt được tâm lý công chúng, đạo diễn và ê-kíp phim “Hương vị tình thân” đã đề cập đến chi tiết tương đồng làm khán giả ngạc nhiên và hết lời khen ngợi.
Lợi ích của việc “bắt trend”
Trong phim, bà Xuân (Quách Thu Phương) lập nên quỹ từ thiện "Mùa xuân cho em" để giúp đỡ phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn theo lời của cô bạn thân Nguyệt (Hoàng Yến). Thế nhưng, bà lại bị chính bạn thân lừa cuỗm sạch toàn bộ số tiền kêu gọi được từ các mạnh thường quân và đối tác của tập đoàn rồi cao chạy xa bay. Sau đó, bà Xuân bị tố ăn chặn tiền từ thiện. Cư dân mạng bắt bà phải sao kê minh bạch số tiền từ thiện ấy mới vừa lòng.

Cư dân mạng kêu bà Xuân sao kê, công khai minh bạch chuyện tiền từ thiện.
Biên kịch Trịnh Khánh Hà cho biết, việc làm từ thiện đã đưa vào từ trước sau đó mới thêm chi tiết sao kê vào nhằm mang tính thời sự, tăng phần hấp dẫn. Đây cũng là một trong những biến cố làm cho bà Xuân cũng như mối quan hệ xoay quanh nhân vật thay đổi. Chi tiết sao kê này tuy lấy chất liệu từ thực tế cuộc sống nhưng phù hợp với nội dung phim, lại gửi gắm được thông điệp ban đầu vì vậy nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ khán giả. Đó cũng chính là ưu điểm bám sát diễn biến phản ứng của khán giả, tạo ra sự tương tác nhất định giữa người xem và người làm phim của các nhà làm phim “cuốn chiếu” mà “Hương vị tình thân” đang theo đuổi.
Phim “cuốn chiếu”- xu hướng mới, thách thức mới
Theo biên kịch của VFC cho biết, trước đây các phim sản xuất xong xuôi rồi trình chiếu khán giả vì vậy nên công đoạn cũng đỡ cực hơn, một kịch bản truyền hình có 2 người phụ trách. Nhưng nay phim quay đến đâu phát sóng đến đấy vì để bắt kịp tin tức nóng hổi, hơn nữa nếu không vừa ý khán giả còn điều chỉnh lại cho phù hợp nên công đoạn cũng vất vả hơn, cần 4 người phụ trách một kịch bản như những bộ phim đình đám: “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng”, “Quỳnh búp bê”, “Mê cung”, “Về nhà đi con”, “Nàng dâu order”…

Đi đôi với đó, các biên kịch phải đối mặt với thách thức kịch bản ở những tập phim sau phải liên kết và bám sát theo nội dung đã định hướng ban đầu, tránh mất kiểm soát. Chính vì mải chạy theo thị hiếu nên phim cứ bị “bôi” ra. Ví dụ về “Về nhà đi con” ban đầu chỉ có 62-64 tập nhưng cuối cùng đã phát sinh 84 tập.
Hơn nữa, vì lịch chiếu cố định nên dù trời nắng chang chang hay dịch bệnh cũng phải cố gắng cho kịp tiến độ. Nhiều tình huống dở khóc dở cười như phim mới chiếu đến tập 30 nhưng trên mạng đã có tập 40 rồi. Cũng là do trường quay trực tiếp lại ngoài trời nên sẽ có lúc bỗng nhiên mưa một tuần liền, làm chậm tiến độ. Hay ví như diễn viên bị ốm nên đành bỏ ngang...
Qua đó cho thấy, đã theo quy trình “cuốn chiếu” thì các nhà làm phim buộc phải chấp nhận rủi ro mà nó mang lại.