Phó Thủ tướng Nga: 'Dầu Brent sẽ được bán trên 80 USD/thùng vào cuối năm
(CLO) Giá dầu thô Brent sẽ cao hơn một chút so với 80 USD/thùng vào cuối năm nay, nhờ nhu cầu tăng trong mùa hè và việc cắt giảm sản lượng từ OPEC+, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Năm (25/5).
Đầu ngày thứ Năm, dầu Brent được giao dịch ở mức 77,21 USD, giảm 1,47% trong ngày. Theo Phó Thủ tướng Novak, nhiệm vụ của Nga không phải là “thổi phồng” giá dầu mà là cân bằng thị trường.
Vào tháng 2, Moscow đã cảnh báo rằng họ sẽ cắt giảm sản lượng dầu thô 500.000 thùng/ngày do lệnh cấm nhập khẩu của EU và trần giá đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ. Việc cắt giảm 500.000 thùng/ngày đó sẽ kéo dài đến cuối năm 2023.

Ảnh minh họa: Oilprice.
Nhưng tuần trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết cho đến nay Nga đã yếu thế trong việc cắt giảm sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày như đã hứa và thậm chí nước này có thể đang tìm cách tăng sản lượng để bù đắp cho doanh thu bị mất.
Khi được hỏi về dự đoán đối với giá dầu vào cuối năm nay, ông Novak cho biết ông tin rằng giá sẽ cao hơn một chút so với 80 USD/thùng.
“Tôi cho rằng nhu cầu sẽ tăng trong mùa hè”, vị này nói. Đồng thời cho biết thêm rằng việc cắt giảm sản lượng đang diễn ra ở nhiều nhà sản xuất dầu cũng sẽ thắt chặt thị trường.
“Tôi xin nhắc lại một lần nữa: chúng tôi không có nhiệm vụ tăng giá, nhiệm vụ của chúng tôi là cân bằng thị trường vì lợi ích của cả nhà sản xuất và người tiêu dùng,” Novak nói, nhắc lại tuyên bố chính thức của liên minh OPEC+, trong đó có Nga.
Một số nhà sản xuất OPEC+, bao gồm cả Nga, đã gây bất ngờ cho thị trường vào đầu tháng 4, khi cho biết họ sẽ giữ thêm 1,6 triệu thùng/ngày khỏi thị trường trong thời gian còn lại của năm.
Ngược lại, các chuyên gia tại ngân hàng Thụy Sĩ UBS đã dự báo giá dầu sẽ giảm mạnh vào cuối năm nay do khối lượng dầu thô cao hơn dự kiến và lo ngại suy thoái kinh tế. Họ dự đoán thị trường sẽ thiếu cung gần 1,5 triệu thùng/ngày trong tháng 6.
Bộ trưởng dầu mỏ của Saudi Arabia hôm thứ Ba cũng nhấn mạnh những rủi ro của sự không chắc chắn của thị trường, cùng với sự cạn kiệt dần công suất dự phòng ở các nước sản xuất.
"An ninh năng lượng đang bị đe dọa và dần trở nên cạn kiệt vì các quốc gia không đầu tư cả vào dầu mỏ và khí đốt", ông chia sẻ.
Điệp Nguyễn (Theo Oilprice)