Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chỉ cách ly tại nhà nếu có đầy đủ điều kiện cần thiết

Thứ năm, 12/08/2021 06:25 AM - 0 Trả lời

(CLO) Tham dự điểm cầu TP Hồ Chí Minh tại Phiên họp Chính phủ trực tuyến toàn quốc với các địa phương về công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế- xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2021 (chiều 11/8), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị "chỉ cách ly tại nhà nếu có đầy đủ điều kiện cần thiết"

Sự kiện: COVID-19

Các địa phương chủ động lựa chọn hình thức cách ly phù hợp

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh và các địa phương phía Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, theo số liệu của Bộ Y tế, đến nay đã có trên 4.000 người tử vong, riêng TP Hồ Chí Minh trên 3.000 người. Trong những ngày qua, Thành phố đã rất nỗ lực và sáng tạo nhưng vẫn còn hiện tượng quá tải các tầng điều trị và tiếp tục ghi nhận các ca tử vong. Theo phân tích của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, trong những đợt dịch trước, các ca tử vong chủ yếu ở tầng 5, một phần ở tầng 4; nhưng lần này, 27% số ca ở tầng 3, 24% số ca ở tầng 5 và 48% ở tầng 4, đặc biệt đã có một vài ca tử vong tại tầng 2. Điều đó cho thấy, bệnh nhân chuyển triệu chứng, diễn biến, tử vong rất nhanh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Phiên họp trực tuyến tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Phiên họp trực tuyến tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh.

Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng đề nghị,  tất cả các địa phương tiếp tục phải "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" để phát hiện ngay những người từ nơi khác đến, không được để dịch bệnh âm thầm lan ra khắp cả nước, rất nguy hiểm.

Bám sát Quyết định 2686/QĐ-BCĐQG về đánh giá mức độ nguy cơ dịch bệnh để có biện pháp ứng phó với tinh thần “cao hơn, sớm hơn”, đặc biệt thực hiện giãn cách thực chất và nghiêm túc, “ai ở đâu ở đó”. “Chúng ta đều biết nếu thực hiện nghiêm túc giãn cách theo Chỉ thị 16, chỉ sau 2 đến 3 tuần, dịch sẽ giảm hẳn. Nhưng dịch chưa giảm, có nghĩa, thực tế, đâu đó bên dưới vẫn thực hiện chưa nghiêm”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, nếu thực sự giãn cách xã hội theo đúng Chỉ thị 16, trong thời gian đó, các địa phương chỉ cần xét nghiệm tập trung vào số người phải ra khỏi nhà để đi làm, giao hàng, đến bệnh viện...

Còn tại nhà, chúng ta chỉ cần theo dõi sát những người có triệu chứng, những người có bệnh nền. Trong trường hợp cần thực hiện xét nghiệm “cắt lát một thời điểm” để xem xét tình hình dịch trong cộng đồng, chỉ cần lấy mẫu đại diện trong gia đình và lấy mẫu gộp của nhiều nhà để tiết kiệm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác chuẩn bị Bệnh viện Dã chiến số 1 (tại Khu công nghiệp Thành Thành Công, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) ngày 10/8.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác chuẩn bị Bệnh viện Dã chiến số 1 (tại Khu công nghiệp Thành Thành Công, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) ngày 10/8.

Việc kiểm soát lưu thông hàng hoá phải rất an toàn, nhất là những nơi có dịch, đi qua vùng dịch. Phó Thủ tướng cho biết, quy định kết quả xét nghiệm của lái xe có hiệu lực trong 3 ngày do Bộ Y tế, Bộ GTVT thống nhất ban hành chỉ mang ý nghĩa tương đối. Thực tế, ngay tại TP Hồ Chí Minh, đã có những trường hợp lái xe xét nghiệm âm tính vào buổi sáng nhưng đến chiều, kết quả lại dương tính. Điều này về mặt kỹ thuật, khoa học, y tế là hoàn toàn bình thường bởi buổi sáng, nồng độ virus chưa đủ mức để xét nghiệm nhanh phát hiện được.

Bộ Y tế đã có hướng dẫn các địa phương có thể cách ly F0, F1 tại nhà nhưng Phó Thủ tướng đề nghị, chỉ cách ly tại nhà nếu có đầy đủ điều kiện cần thiết, không chỉ về chỗ ở mà còn nhiều yếu tố khác. Đối với những nơi còn ít người bị mắc, các địa phương chủ động lựa chọn hình thức cách ly phù hợp, nhưng phải đảm bảo nếu cách ly tại nhà thì không được phép lây ra ngoài; cách ly tập trung đảm bảo là không lây chéo. Ban Chỉ đạo sẽ có văn bản đề nghị các địa phương chủ động thực hiện cách ly

Phó Thủ tướng lưu ý, khi chuẩn bị hệ thống điều trị, các địa phương phải tách riêng F0 không triệu chứng, không coi là bệnh nhân, được chăm lo đầy đủ cả về thể chất và tinh thần để tăng sức đề kháng, không bị chuyển biến thành có triệu chứng (trở thành bệnh nhân). Hiện nay, trung bình 100 ca F0 có khoảng 20-30 người thành bệnh nhân, nhưng nếu làm tốt sẽ giảm xuống chỉ còn 10, thậm chí 5 người. Các khu tiếp nhận F0 không triệu chứng đảm bảo thoáng mát, có không gian vận động, cách ly để không lây ra khỏi cộng đồng.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác chống dịch tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang (ngày 8/8)

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác chống dịch tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang (ngày 8/8)

Trong các bệnh viện, cơ sở điều trị, Phó Thủ tướng nêu rõ, phải phân biệt rõ giữa giường điều trị COVID-19 (có đủ nhân lực, thiết bị, thuốc, oxy y tế, đặc biệt hệ thống oxy tập trung…) với giường bệnh đơn thuần. Lãnh đạo các địa phương phải nắm sát sao số giường điều trị trên địa bàn, “không phải cứ kê thật nhiều giường nằm là yên tâm”

Ưu tiên tối đa vaccine cho TP Hồ Chí Minh

Vừa qua Phó Thủ tướng và Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đã kiểm tra, làm việc với 19 tỉnh, thành phố tỉnh phía Nam. Lãnh đạo các địa phương đều khẳng định, chủ trương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở khu vực phía nam là vô cùng đúng đắn. Vì các địa phương có dịch đã cố gắng thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 nhưng người dân vẫn tìm mọi cách trở về quê. Nếu không thực hiện giãn cách toàn vùng thì chỉ trong một thời gian rất ngắn (khoảng 1 đến 2 tuần), tất cả các địa phương sẽ bị nhiễm nặng.

Phó Thủ tướng đến kiểm tra tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi Bạc Liêu, nơi đang chuẩn bị giường bệnh để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19. (chiều 7/8)

Phó Thủ tướng đến kiểm tra tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi Bạc Liêu, nơi đang chuẩn bị giường bệnh để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19. (chiều 7/8)

Đánh giá các địa phương có nhiều nỗ lực, sáng kiến, thực hiện ngày càng làm nghiêm hơn Chỉ thị 16 trong thời gian qua, Phó Thủ tướng cho rằng có thể chia 19 tỉnh, thành phố phía nam thành 3 nhóm.

Nhóm thứ nhất gồm 6 tỉnh Nam sông Hậu và tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre, Bình Phước, sẽ cố gắng cơ bản khống chế dịch bệnh khi kết thúc thời gian thực hiện Chỉ thị 16; cùng với các tỉnh Bình Thuận, một phần tỉnh Lâm Đồng để hình thành vành đai an toàn vững chắc. Nhóm thứ hai là các địa phương còn lại (trừ TP Hồ Chí Minh) để siết dần lại. Cuối cùng là TP Hồ Chí Minh, sau một thời gian nữa.

Nếu TP Hồ Chí Minh được tập trung tiêm vaccine phòng COVID-19 hết cho người dân trong độ tuổi, thì sau khoảng một tháng sẽ bắt đầu có miễn dịch cộng đồng. Lúc đó, bên trong Thành phố sẽ bắt đầu trở lại trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, trong thời gian chưa đạt miễn dịch cộng đồng, TP Hồ Chí Minh phải tiếp tục thực hiện các biện pháp chống dịch, tập trung điều trị, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là lưu thông hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ người dân.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 tại BVĐK tỉnh Bình Phước.(ngày 5/8)

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 tại BVĐK tỉnh Bình Phước.(ngày 5/8)

Đối với vaccine phòng COVID-19, báo cáo của Bộ Y tế cho biết đến nay, chúng ta đã ký mua được lượng vaccine đủ để tiêm đạt được miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021.

Nhưng từ nay đến giữa tháng 9/2021, lượng vaccine về rất ít. Dự kiến, tháng 8/2021 có khoảng 3,1 triệu liều vaccine chuyển về Việt Nam. Nếu dành toàn bộ số vaccine này cho TP Hồ Chí Minh cũng chưa đủ để tạo miễn dịch cộng đồng Các tỉnh tiếp giáp với TP Hồ Chí Minh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An đến nay cơ bản cũng đã hết số lượng vaccine được phân bổ. Tinh thần là vaccine về đến đâu sẽ ưu tiên tối đa cho TP Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết.

Đắc Nguyên

Bình Luận

Tin khác

Chủ tịch Quốc hội: Kinh tế báo chí rất khó khăn khi quảng cáo trên nền tảng trực tuyến rất phát triển

Chủ tịch Quốc hội: Kinh tế báo chí rất khó khăn khi quảng cáo trên nền tảng trực tuyến rất phát triển

(CLO) Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, kinh tế báo chí rất khó khăn trong điều kiện quảng cáo trên nền tảng trực tuyến rất phát triển như hiện nay. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan nên nghiên cứu chính sách để đưa vào dự án Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Tin tức
Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 32

Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 32

(CLO) Chiều 23/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 32 sau 4,5 ngày làm việc.

Tin tức
Hà Nội thí điểm ứng dụng quản lý, cảnh báo cháy gắn với xác thực định danh số nhà và dữ liệu dân cư

Hà Nội thí điểm ứng dụng quản lý, cảnh báo cháy gắn với xác thực định danh số nhà và dữ liệu dân cư

(CLO) UBND Thành phố vừa ban hành Kế hoạch số 122/KH-UBND về triển khai thí điểm Ứng dụng quản lý, cảnh báo cháy gắn với xác thực định danh số nhà và dữ liệu dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tin tức
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn

(CLO) Ngày 23/4, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN tại Việt Nam từ ngày 21-24/4.

Tin tức
ASEAN sẽ trở thành một hình mẫu trong chuyển đổi số toàn cầu từ 3 định hướng đột phá

ASEAN sẽ trở thành một hình mẫu trong chuyển đổi số toàn cầu từ 3 định hướng đột phá

(CLO) Tại tọa đàm với doanh nghiệp các nước ASEAN và các đối tác với chủ đề "Cộng đồng doanh nghiệp ASEAN gắn kết, tự cường và bền vững: Nắm bắt thời cơ trong thời đại số", Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất 3 định hướng đột phá nhằm đưa ASEAN trở thành một hình mẫu trong chuyển đổi số trên toàn cầu.

Tin tức