Tại hội nghị, các đại biểu Quốc hội của tỉnh Hà Tĩnh đã thông báo tới cử tri về các nội dung quan trọng của Kỳ họp thứ 6 trong các lĩnh vực xây dựng pháp luật, thảo luận phát triển kinh tế- xã hội và giám sát tối cao các vấn đề quan trọng của đất nước, lấy phiếu tín nhiệm các chức danh mà Quốc hội bầu và phê chuẩn và bầu Chủ tịch nước.
Phó Thủ tướng phát biểu với cử tri tại huyện Kỳ Anh. Ảnh: VGP/Thành Chung
Cùng với việc bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ Đảng, Nhà nước đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy hành chính nhà nước, mang lại niềm tin cho nhân dân, cử tri Kỳ Anh và Hồng Lĩnh bày tỏ nhiều trăn trở, lo ngại đối với sự bền vững của ngân sách nhà nước khi chi thường xuyên vẫn còn lớn, tình hình tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp ở nhiều cấp, ngành khiến Đảng, Nhà nước mất đi nhiều cán bộ có năng lực chuyên môn giỏi.
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận các kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội. Phó Thủ tướng cho biết Kỳ họp thứ 6 là Kỳ họp rất quan trọng đối với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và cả nhiệm kỳ khi thảo luận, cho ý kiến về 3 năm thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch ngân sách trung hạn, việc thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững,...
Về những kiến nghị của cử tri, Phó Thủ tướng khẳng định mục tiêu mục tiêu tới năm 2025 đưa Kỳ Đồng trở thành thị trấn, đô thị loại 5. “Ngoài nguồn lực từ Trung ương, tỉnh, huyện phân bổ, sử dụng ngân sách đầu tư thì địa phương còn có nguồn lực to lớn khác nữa là tầm nhìn dài hơi trong quy hoạch. Giữ được quy hoạch và xây dựng cơ chế điều tiết sử dụng đất thì sẽ “sinh” ra tiền để đầu tư hạ tầng. Địa phương không nên chăm chăm “phân lô bán nền” sẽ không tạo ra được nguồn lực vượt trội”, Phó Thủ tướng nói.
Về các biện pháp giảm chi thường xuyên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ đang thực hiện triệt để cơ cấu lại thu chi ngân sách gắn với bảo đảm an toàn nợ công. Trong những năm qua, chi thường xuyên đã giảm từ tỷ lệ chiếm 70% chi ngân sách nhà nước xuống còn khoảng 63% chi ngân sách hiện nay và còn tiếp tục giảm trong những năm tới. Chính phủ cũng quyết tâm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 18 về tinh gọn bộ máy và Nghị quyết số 19 về đổi mới hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập của Trung ương Đảng, theo đó, trong 2 năm qua, cả nước đã giảm được 150.000 biên chế nhà nước. Mục tiêu tới năm 2021, biên chế nhà nước sẽ giảm 10%, tương ứng với giảm 250.000 biên chế.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các cử tri . Ảnh VGP/Thành Chung
Phó Thủ tướng cho rằng: “Giảm được biên chế thì chi thường xuyên sẽ giảm đi. Vừa qua, riêng một số địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ sắp xếp lại các đầu mối đơn vị sự nghiệp mà chi thường xuyên đã giảm từ 4- 4,5% chi ngân sách của địa phương”.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cho rằng giảm biên chế nhà nước cũng sẽ góp phần tạo điều kiện để tăng lương cho công chức, bảo đảm thực hiện hiệu quả hơn các nhiệm vụ mà Nhà nước giao. Từ nay tới năm 2020, Chính phủ sẽ bảo đảm mỗi năm mức lương cơ bản sẽ tăng 7%. Tới năm 2021, mức lương của công chức thấp nhất hệ thống (hệ số 1,8) sẽ ngang bằng tiền lương của khu vực doanh nghiệp.
Chính phủ, Quốc hội cũng rất quan tâm tới xây dựng, phát triển cơ sở vật chất cho giáo dục và sử dụng hài hoà biên chế cho giáo viên. Hiện nay, Chính phủ đang xây dựng Đề án phát triển giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Để khắc phục tình trạng nơi “thiếu”, nơi “thừa” giáo viên, ngành giáo dục và các địa phương phải cơ cấu lại tổng thể đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý theo nguyên tắc thực hiện nghiêm Nghị quyết số 19 của Trung ương nhưng phải bổ sung kịp thời giáo viên cho những khu vực có mức tăng dân số cơ học cao.
Phó Thủ tướng cho biết tỉnh Hà Tĩnh đã có cách làm sáng tạo khi “biệt phái” giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, sắp xếp lại các điểm trường và đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, sâu rộng các giải pháp an sinh xã hội, theo cơ chế thị trường, trong đó có việc nghiên cứu cách thức hỗ trợ tiền điện cho người nghèo trước bối cảnh giá điện tăng cao, phương thức thanh toán hỗ trợ tiền điện còn nhiều bất cập,...
PV