(CLO) Khi những cáo buộc liên quan đến việc nâng khống giá bán máy in Konica Minolta tại Việt Nam lần lượt được bóc tách và công khai trước dư luận thì mới đây, một kiểu chiêu trò bất minh khác lâu nay bị cam kết phải “bảo mật” tiếp tục được phơi bày.
Nghi án nâng khống giá bán máy in Konica Minolta tại Việt Nam
Vạch trần những dấu hiệu bất minh về giá máy in Konica Minolta
Phơi bày bản thỏa hiệp “bất minh” bị … giữ bí mật? Khi những bằng chứng thể hiện việc Công ty TNHH Thương Mại Tư Vấn Kỹ Thuật Sao Nam (Cty Sao Nam) nâng khống giá bán máy in C1100 hiệu Konica Minolta lên hàng tỷ đồng được phơi bày trước dư luận thì mới đây, trong quá trình tiếp cận các nguồn tin liên quan, phóng viên lại phát hiện thêm điều bất ngờ khác tiếp tục tố giác cách làm ăn không trong sáng của đại lý Konica Minolta Việt Nam thông qua bản thỏa hiệp “bảo mật” không được tiết lộ.
Đó là trước khi mua máy in C1100, Công ty Phát hành sách Sài Gòn (Saigonbook) đã từng mua máy in C1070P hiệu Konica Minolta với giá khoảng 1,3 tỷ đồng cũng từ Cty Sao Nam (Cty Sao Nam là đại lý của Công ty TNHH Konica Minolta Business Solutions Việt Nam – gọi tắt là Konica Minolta Việt Nam).
Nhưng trớ trêu là chiếc máy in C1070P mới mua đã nhanh chóng bộc lộ sự trục trặc về kỹ thuật dẫn tới việc phải trả lại máy cho Cty Sao Nam (tất nhiên Konica Minolta Việt Nam đã đồng ý nhận lại máy bị lỗi).
Tuy nhiên, việc trả lại máy lại có một điều kiện là phải cam kết “giữ bí mật” không được tiết lộ? Nếu vi phạm điều này mà gây thiệt hại cho Cty Sao Nam thì phải chịu trách nhiệm bồi thường… ?
Trước những dấu hiệu không minh bạch, chúng tôi xin trích đoạn một phần thỏa hiệp “bảo mật” để dư luận thấy rõ chiêu trò của doanh nghiệp này.
[caption id="attachment_58444" align="aligncenter" width="511"]
Việc trả lại máy C1070P phải cam kết “giữ bí mật” không được tiết lộ? Nếu vi phạm điều này mà gây thiệt hại cho Cty Sao Nam thì phải chịu trách nhiệm bồi thường… ?[/caption]
Cụ thể trong “Biên bản hàng bán trả lại” ký ngày 08/8/2015 có đoạn nêu: “Sau khi hai bên ký kết Biên bản thanh lý hợp đồng, Saigonbook phải cam kết sẽ có nghĩa vụ giữ bí mật tất cả thông tin liên quan đến hợp đồng – gọi là nghĩa vụ bảo mật…, nếu vi phạm nghĩa vụ bảo mật mà gây thiệt hại cho Sao Nam thì Saigonbook phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty Sao Nam”
Nghĩa là việc Saigonbook trả lại máy mới mua C1070P hiệu Konica Minolta cho đại lý Sao Nam do bị “lỗi” phải được giữ “bí mật” không được tiết lộ!
Tuy nhiên với điều kiện “bí mật” khác thường này đã vô tình tố giác những kiểu làm ăn không trong sáng của Cty Sao Nam và cả Konica Minolta Việt Nam.
Vì sao phải “bí mật”? Điều kiện để giữ bí mật này có được xem là hợp lý và trong sáng? Có lẽ phải “bảo mật” vì lo sợ thông tin việc trả lại máy mới mua sẽ là tiền lệ xấu cho doanh nghiệp; Sợ thông tin đồn ầm ra bên ngoài sẽ gây sụt giảm uy tín cho Cty Sao Nam lẫn cả thương hiệu máy in Konica Minolta; Sợ những gì bất minh trong giá bán sẽ bị nhiều khách hàng biết đến, hay còn điều gì khác nữa lo sợ nên phải đảm bảo bằng cam kết “bảo mật”?
Hết sức bất thường? Lẽ thường, việc thu hồi, đổi, trả lại máy khi khách hàng có phản ánh, phàn nàn về sản phẩm mới mua là hoạt động bình thường trong kinh doanh, điều này càng thể hiện sự cầu thị, trách nhiệm và minh bạch của nhà sản xuất đối với khách hàng. Nhưng trong trường hợp này, việc thu hồi máy lại kèm theo đề nghị yêu cầu khách hàng phải cam kết giữ “bí mật” nếu vi phạm… phải chịu trách nhiệm bồi thường…?
Đúng là kiểu làm ăn không lương thiện, thừa mánh khóe và chiêu trò!
Không chỉ dừng lại đó, theo ông Lương Vĩnh Kim, Giám đốc Saigonbook cho biết: ngay cả việc bảo hành máy mà Cty Sao Nam cũng gian xảo, dối trá, ăn bớt thời gian bảo hành thì cũng bó tay. Cụ thể chiếc máy C1100, C1070P được nhà sản xuất Konica Minolta qui định bảo hành từ 3 năm đến 5 năm nhưng qua Sao Nam thì chỉ còn bảo hành 1 năm?
Trước hàng loạt chiêu trò của Cty Sao Nam như: nâng khống giá bán máy C1100 trên hai tỷ đồng, ăn bớt thời gian bảo hành, yêu cầu khách hàng phải “bảo mật” không được tiết lộ thông tin việc trả máy bị lỗi nếu không sẽ bị bồi thường thiệt hại…, chỉ bấy nhiêu đó Cty Sao Nam do ông Trần Kim Chung làm giám đốc đã lộ rõ bản chất của kiểu doanh nghiệp làm ăn không trong sáng, lương lẹo, thiếu chuẩn mực đạo đức kinh doanh.
Với kiểu làm ăn như vậy, dư luận thậm chí không còn nghi ngờ gì nữa mà đặt thẳng vấn đề về tập quán kinh doanh của Cty Sao Nam như “ăn xổi ở thì”, kiếm lợi nhuận bất chấp quy tắc đạo đức và chuẩn mực trong kinh doanh, hành xử theo kiểu thỏa hiệp lợi mình hại khách hàng…
Trước đó, theo nguồn tin riêng của PV, ngoài việc bị Saigonbook trả lại máy, chiếc máy in C1070P hiệu Konica Minolta cũng từng bị một khách hàng khác trả lại máy bởi một lý do nào đó…
Không biết, một năm Konica Minolta Việt Nam nhập về mấy chiếc C1070P, nhưng việc bị trả lại hai chiếc thì quả là vấn đề lớn cần hết sức lưu ý về thương hiệu này?
Konica Minolta VN bị “tố cáo”… vì không xuất hóa đơn? Và đây, thêm một động thái không trong sáng khác được phát lộ khi Saigonbook gửi yêu cầu Công ty TNHH Konica Minolta Business Solutions Việt Nam xuất hóa đơn liên quan đến một sản phẩm được cho là khuyến mại kèm theo khi Saigonbook mua máy C1100.
Trong một công văn được Saigonbook gửi đến cho Konica Minolta Việt Nam (KMV) ngày 15/10/2015 nêu rõ: Saigonbook đã nhận được thiết bị tích điện UPS (trị giá khoảng 7000 USD- PV) ngày 19/03/2015 của KMV theo biên bản nhận hàng số D029 giữa đại diện KMV và Saigonbook nhưng Saigonbook chưa nhận được hóa đơn tài chính theo qui định của pháp luật.
Theo đó, đã nhiều lần Saigonbook yêu cầu KMV xuất hóa đơn để Saigonbook khai báo nộp thuế theo đúng qui định của pháp luật nhưng đến thời điểm hiện tại KMV vẫn không trả lời?
[caption id="attachment_58446" align="aligncenter" width="591"]
Konica Minolta Việt Nam đã bàn giao sản phẩm khuyến mại thiết bị tích điện UPS (có giá khoản 7000 USD- PV) nhưng vẫn chưa xuát hóa đơn theo qui định?[/caption]
Trước động thái không minh bạch của KMV, Saigonbook đã chính thức gửi đơn tố cáo đến Cục Thuế TP.HCM về vấn đề trên.
Chưa biết Cục Thuế TP.HCM có kết luận ra sao về vấn đề này, nhưng việc không xuất hóa đơn cho sản phẩm khuyến mại thì KMV đang tự “vạch áo cho người xem lưng”, bởi đây là một trong những việc vi phạm qui định pháp luật trong kinh doanh.
Còn một điều khác cũng cần thiết nêu ra đó là sau khi vụ việc lùm xùm, ông Tadasu Ichino - Tổng giám đốc Konica Minolta Việt Nam (KMV) đã ủy quyền cho Luật sư Lê Nết (thuộc Công ty luật LNT và Thành viên) gửi văn bản đến một số tờ báo chối bỏ trách nhiệm của Konica Minolta Việt Nam về vụ việc trên với lý do: "KMV không có bất kỳ quan hệ hợp đồng nào với Saigonbook", "Các thời điểm khác nhau nên giá cả khác nhau"; nhưng khi Saigonbook đưa ra các bằng chứng báo giá gian dối và KMV có hợp đồng với Saigonbook theo qui định tại điều 24 Luật Thương Mại thì KMV và Luật sư Lê Nết mới im lặng!
Báo Congluan online sẽ tiếp tục phản ánh tiếng nói của các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia kinh tế, … về vụ việc trên trong những bài báo tiếp theo.
Chính Kỳ