Phóng viên ảnh Tuấn Mark và những “khoảnh khắc đáng giá”

Thứ năm, 19/12/2019 10:30 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Năm 2019 vừa qua, Nguyễn Tiến Anh Tuấn (Tuấn Mark) - phóng viên ảnh của chuyên trang thể thao Sport 5.vn (Báo điện tử Trí thức trẻ) - được nhắc đến khi là chủ nhân của nhiều bức ảnh báo chí giá trị ghi lại nhiều khoảnh khắc ấn tượng trong năm.

Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện với anh về nghề báo ảnh, những kỹ năng tác nghiệp để có được những bức ảnh đáng giá.

Câu chuyện của những khoảnh khắc

+ Bức ảnh chụp nữ cổ động viên trên sân Hàng Đẫy và bức ảnh những chiến sĩ cảnh sát cơ động đang bế một em bé đi cấp cứu trên sân Thiên Trường là những bức ảnh xuất hiện nhiều trên các tờ báo năm qua và tạo sự xúc động mạnh với độc giả. Anh có thể kể thêm về “hậu trường” tác nghiệp những bức ảnh đó?

- Đã có rất nhiều người hỏi tại sao mình tôi có bức ảnh đó, trong khi tôi lại ngồi xa khu vực đấy mà những người ngồi gần lại không chụp, kể cả những người xung quanh không ai chụp. Tại sao lại như vậy?

Phóng viên ảnh Tuấn Mark khi tác nghiệp chung kết AFF Cup 2018.

Phóng viên ảnh Tuấn Mark khi tác nghiệp chung kết AFF Cup 2018.

Chuyện là như thế này, tôi là phóng viên vừa làm thời sự, vừa làm thể thao nên cái nhạy bén về tình huống sẽ nhiều hơn so với các phóng viên chỉ làm thể thao trong sân. Tôi có tới 8 năm kinh nghiệm làm thời sự mà. Chẳng hạn, với bức ảnh nữ cổ động viên gặp nạn khi bị pháo sáng bắn vào đùi trên sân vận động Hàng Đẫy, khi trái pháo bắn ngang tất cả mọi người đều dõi theo để thấy nó sẽ rơi ở đâu, còn tôi quan tâm ngay đến việc trái pháo sẽ bắn vào đám đông khán giả, vào ai, người ta có làm sao không… và tôi chĩa ống kính đúng chỗ pháo bắn vào khán đài. Cái khoảnh khắc nạn nhân gào thét ôm chân vì đau chỉ diễn trong 3-5 giây, tôi may mắn đã bắt được. Tôi đã nghĩ rằng sẽ có nhiều người có ảnh đó giống tôi khi mà có tới hơn 30 anh em phóng viên có mặt trên sân với nhiều thiết bị máy ảnh ống kính khủng. Cũng có thể có người chụp được nhưng họ không sử dụng và public.

Cũng như bức ảnh hai người lính cơ động đưa cháu bé đi cấp cứu, tôi đã đến sân Thiên Trường 3 lần và biết được rằng góc ngay cổng sân vận động có một xe cứu thương, đương nhiên các chiến sĩ sẽ đưa thẳng nạn nhân ra đấy. Chính vì thế, khi mọi người chĩa máy kính theo hướng các chiến sĩ, tôi nhảy ra khỏi vị trí chụp rồi chạy về hướng xe cứu thương đón đầu. 

Bức ảnh Chuyên cơ của Tổng thống Mỹ Donald Trump bay qua tòa nhà hành chính, biểu tượng của Đà Nẵng.

Bức ảnh Chuyên cơ của Tổng thống Mỹ Donald Trump bay qua tòa nhà hành chính, biểu tượng của Đà Nẵng.

+ Có những khoảnh khắc bấm máy nhờ may mắn. Nhưng với anh thì chắc không thể may mắn đến nhiều lần như vậy, bởi anh đâu chỉ có mỗi một bức ảnh đắt giá?

- Tôi cho rằng với một người đi làm rất nhiều, rất nhiều sự kiện sẽ ăn vào họ thói quen, kinh nghiệm và sự nhạy bén cần có. Thấy cái gì bất chợt diễn ra thì sẽ lường ngay đến việc nó sẽ tiếp diễn như thế nào vì thế mà xử lý, ứng biến nhanh được. Trăm hay không bằng tay quen, làm nhiều sẽ có những phản xạ tốt với tình huống. Nếu làm nhiều thì may mắn sẽ đến với mình nhiều. Tôi nghĩ là như thế.

Điều quan trọng nhất sau mỗi bức ảnh là cảm xúc

+ Có vẻ như những bức ảnh của anh thường có sự tính toán rất cẩn thận?

- Thực ra tôi là một người kỹ tính. Tôi không phải là một người có chất nghệ trong người. Nói thật tôi cũng không phải là người chăm chỉ. Câu chuyện một người có thể làm được từ 3 đến 6 chục bài ảnh trong một tháng… thì lại là phóng viên khác. Có những lúc cả tháng trời tôi không làm được bài nào hay ho cả, nhưng khi đã làm điều gì đấy thì tôi phải tính toán rất tỉ mỉ.

+ Tính toán giống như hành trình anh săn chiếc Air Force 1 của TT Mỹ Donald Trump tại Hội nghị thượng đỉnh APEC, Đà Nẵng 2017?

- Tôi đã vào Đà Nẵng trước 2 ngày khảo sát, leo lên tất cả các tòa nhà cao từ 7 đến hơn 30 tầng, vào sân bay để tìm góc và bối cảnh… kết quả không như mong muốn. Tôi ấp ủ chụp được chiếc chuyên cơ Air Force 1 của TT Trump bay trên bầu trời thành phố và ngang qua một công trình biểu tượng của Đà Nẵng nhưng những cây cầu nổi tiếng bị loại bỏ vì bị quá nhiều nhà cao tầng che khuất, bán đảo Sơn Trà thì quá rộng lớn nên tôi đã đưa ra giải pháp chọn tòa nhà “bắp ngô” - Trung tâm hành chính của thành phố. Tôi nảy ra ý tưởng leo lên núi Phước Tường, nơi cách xa sân bay tới hơn 2km. Mất thêm nửa ngày mò mẫm xe máy men theo sườn núi, không có đường mòn, may mắn sao khi mò vào một con ngách nhỏ ẩn sau cánh cổng cũ của một doanh trại quân đội, đập vào mắt tôi là một nghĩa trang trải dài dọc sườn núi. Tôi leo bộ lên điểm cao nhất, dựng chân máy, lắp lens và ướm thử vào chiếc máy hướng về sân bay.

Đúng hôm diễn ra sự kiện, tôi lên sườn núi, chuyến bay đổi lịch, đúng lúc tôi lắp xong chân máy, chụp thử máy cho chuẩn thì hai chiếc Air Force 1 lần lượt ra đường lăn cất cánh cách nhau khoảng hơn 5 phút, mắt tôi không rời ống ngắm, khóa nét và ngón trỏ sẵn sàng bấm. Những chiếc máy bay rời đi quá nhanh chỉ trong vài tíc tắc, không có nhiều thời gian để sửa làm lại và sửa sai.

Chiến sĩ CSCĐ cứu giúp em nhỏ.

Chiến sĩ CSCĐ cứu giúp em nhỏ.

+ Sự kỳ công đó đã mang đến cho anh một bức ảnh có giá trị?

- Quá trình làm nghề, gặp gỡ cũng như được nhiều đồng nghiệp lớn tuổi dày dặn kinh nghiệm chia sẻ, tôi nhận ra rằng: việc tính toán tỉ mỉ để săn những tấm ảnh độc, lạ, hay là tốt nhưng điều quan trọng nhất sau mỗi bức ảnh là cảm xúc. Việc sử dụng thủ thuật trong nhiếp ảnh chỉ làm kịch tính hóa thêm sự việc sự vật, mang lại nhiều cảm xúc hơn cho người xem nhưng lại chỉ là góc nhìn của 1 cá nhân, đó là người chụp. Không nhất thiết phải tạo ra một bức ảnh quá cầu kỳ khi mà trước mắt chúng ta chỉ cần bấm máy một cách thực sự thoải mái không phải suy nghĩ gì mà vẫn ra được một bức ảnh có cảm xúc, bức ảnh có giá trị. Đấy cũng là một bước để tôi trưởng thành.

Khoảnh khắc nữ cổ động viên bị pháo sáng rơi trúng chân trên sân Hàng Đẫy đã kịp được phóng viên ảnh Tuấn Mark chớp được.

Khoảnh khắc nữ cổ động viên bị pháo sáng rơi trúng chân trên sân Hàng Đẫy đã kịp được phóng viên ảnh Tuấn Mark chớp được.

Là một phóng viên ảnh không hề dễ dàng

+ Tôi đã xem rất nhiều bức ảnh của anh, có những bức ảnh tôi lại thấy lo lắng thay cho người chụp. Chẳng hạn như việc anh cùng đồng nghiệp tác nghiệp tại hiện trường vụ cháy Nhà máy phích nước Rạng Đông với biết bao nguy hiểm?

- Công việc của một phóng viên ảnh như tôi cứ có vụ việc xảy ra là lại bị cuốn vào, giống như nhiều anh em phóng viên khác vậy. Sau ngày hôm đấy tôi mới biết việc nhiễm độc và thủy ngân phát tán. Đó là rủi ro khi tác nghiệp mà bất cứ phóng viên nào cũng có thể gặp phải.

Một lần tác nghiệp trong vụ cháy kho xưởng gần Tòa nhà Keangnam, tôi đu bám theo lính cứu hỏa và người dân leo lên nóc nhà xưởng bên cạnh để ghi hình. Lúc đó mái tôn rách, tôi rơi tụt xuống, bên dưới ngổn ngang sắt thép. May mắn tôi kịp phản xạ, vứt máy ảnh và dang hai tay ra kịp mắc lại, mọi người vội vàng xúm lại kéo lên. Một người thanh niên khác không được như tôi, anh ấy bị sụp xuống, vết thương bị toác từ chân lên đùi rồi mạng sườn. May mắn là không ai rơi xuống phía dưới, nếu không thực sự khó lường.

Tai nạn về máy móc thì nhiều vô kể, nếu làm phép tính chi li cụ thể thì riêng cá nhân tôi đã mất mát tới hơn 10.000$ trong 8 năm làm nghề, đó là khoản thiệt hại chứ chưa nói đến tiền mua sắm thiết bị còn nhiều hơn nữa.

+ Vậy theo anh công việc của một phóng viên ảnh dễ hay khó?

- Theo góc nhìn cá nhân thì tôi thấy khó. Khó là vì bản thân tôi đã phải mất rất nhiều lần thử sức, thất bại rất nhiều và cái độc giả được thấy trên mặt báo chỉ là tỷ lệ rất rất nhỏ bé thành công. Và cũng rất rất nhiều sản phẩm không tới được với độc giả vì đơn giản chúng tôi đã làm hỏng, làm sai và thất bại. Nhưng, đã là phóng viên ảnh thì thường không bao giờ bỏ cuộc.

+ Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Minh Khuê (Thực hiện)

Tin khác

Đoàn công tác Hội Nhà báo Indonesia tham quan mô hình hoạt động của Báo Lao Động

Đoàn công tác Hội Nhà báo Indonesia tham quan mô hình hoạt động của Báo Lao Động

(CLO) Ngày 23/4 tại Hà Nội, Báo Lao Động đã có buổi tiếp đoàn đại biểu Hội Nhà báo Indonesia gồm 5 thành viên do ông Sihono – Giám đốc báo chí Pancasila Hội Nhà báo Indonesia, vùng Yogyakarta làm Trưởng đoàn.

Nghề báo
65 tác phẩm vào vòng chung khảo Giải Báo chí tỉnh Lạng Sơn năm 2024

65 tác phẩm vào vòng chung khảo Giải Báo chí tỉnh Lạng Sơn năm 2024

(CLO) Trên cơ sở kết quả chấm của Ban sơ khảo và tờ trình của Hội Nhà báo tỉnh, ngày 23/4, Hội đồng Giải Báo chí tỉnh Lạng Sơn lần thứ IV năm 2024 đã công nhận kết quả chấm của Ban giám khảo vòng sơ khảo đối với các tác phẩm, đồng ý đưa 65 tác phẩm có kết quả tốt vào chấm vòng chung khảo.

Nghề báo
Báo Lao động Thủ đô tổ chức giao lưu trực tuyến “Tìm hiểu về An toàn, vệ sinh lao động và pháp luật lao động”

Báo Lao động Thủ đô tổ chức giao lưu trực tuyến “Tìm hiểu về An toàn, vệ sinh lao động và pháp luật lao động”

(CLO) Ngày 23/4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức buổi Đối thoại - Giao lưu trực tuyến - Truyền thông chính sách chuyên đề “Tìm hiểu về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và pháp luật lao động”.

Nghề báo
Các cơ quan báo chí cùng nhau chia sẻ những cách làm hay về chuyển đổi số

Các cơ quan báo chí cùng nhau chia sẻ những cách làm hay về chuyển đổi số

(CLO) Chiều 23/4 đã diễn ra lễ ký kết giao ước thi đua giữa các đơn vị thuộc khối thi cơ quan báo chí, bao gồm: Báo Sài Gòn Giải Phóng, HTV, VOH, Báo Người lao động, Báo Pháp luật TP.HCM, Báo Phụ nữ TP.HCM, Tạp chí Du lịch TP.HCM, Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn, Tạp chí Giáo dục, Tạp chí Khoa học Phổ thông.

Nghề báo
Nâng cao kỹ năng khai thác thông tin từ hội nghị, hội thảo

Nâng cao kỹ năng khai thác thông tin từ hội nghị, hội thảo

(CLO) Ngày 23/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lớp bồi dưỡng kỹ năng khai thác thông tin từ hội nghị, hội thảo.

Nghề báo