Tuy nhiên, sử dụng MXH không chỉ đơn giản là chạy theo thông tin, chạy theo dư luận hay lợi dụng nó để câu view bằng những bài viết mang tính chất “lá cải”, không tôn trọng sự thật. Trên MXH nhiều người coi đó là nơi được thể hiện tất cả suy nghĩ, cá tính của bản thân. Ở khía cạnh cá nhân, điều này có thể đúng, nhưng ở trên góc độ cộng đồng, điều này là suy nghĩ chủ quan bởi rất nhiều người sẽ nhìn thấy những bài viết, bình luận của bạn. Những thông tin sai trái, lệch lạc sẽ tạo nên những ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều người, đến chính nhà báo, và thậm chí còn ảnh hưởng tới uy tín của tòa soạn.
Phóng viên Lê Minh Hoàng – Báo Tuyên Quang.
Chính vì vậy người làm báo khi sử dụng MXH cần tỉnh táo hơn, nhạy bén hơn những người khác. Họ cần phải ý thức điều mình sẽ chia sẻ, bởi tiếng nói của họ là tiếng nói có giá trị, có lòng tin từ công chúng. Người làm báo cũng cần phải định hướng và có sự tương tác đối với những người mình kết nối trên MXH để giúp họ hiểu và tránh những thông tin xấu độc, sai sự thật, xuyên tạc hay chưa có sự kiểm chứng.
Việc HNBVN cụ thể hóa Điều 5 trong 10 điều Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam “Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác” theo tôi là rất cần thiết. Tôi cho rằng, trong bản quy tắc chỉ nên ngắn gọn, súc tích và cần chú trọng ở việc nhà báo nên đưa những thông tin được kiểm chứng, tránh đưa thông tin mơ hồ; trước khi đưa thông tin lên MXH nên thống nhất với tòa soạn để tần suất thông tin được đưa phù hợp và nhất quán; nên tương tác với độc giả đúng mực, khi thấy thông tin từ mạng xã hội sai, cần có thông tin cải chính, phản biện, lập luận mang tính thuyết phục cao và phải kịp thời.
Tuy nhiên, bản quy tắc trên chỉ là định hướng cho người làm nghề, quan trọng là chính bản thân người làm báo phải tự ý thức được những việc nên và không nên làm khi tham gia MXH. Đã là nhà báo hãy là người chia sẻ thông tin có trách nhiệm.
Huy Hoàng (Ghi)