Phóng viên theo lĩnh vực tài nguyên môi trường: Sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách
(CLO) Trong số rất nhiều lĩnh vực mà phóng viên theo dõi, lĩnh vực tài nguyên môi trường luôn được coi là nhạy cảm, lợi ích kinh tế lớn từ khai thác sử dụng tài nguyên khiến nhiều đối tượng chửi bới, đe dọa và thậm chí là có tác động trực tiếp đến phóng viên.
Hoạt động báo chí được coi là một trong những nghề vất vả, xuất hiện nhiều tình huống khó có thể lường trước, điều này càng đúng hơn với những phóng viên chuyên về lĩnh vực tài nguyên môi trường. Nhiều phóng sự “nóng” phản ánh về các vụ “xẻ thịt” rừng, khai thác khoáng sản trái phép, xả thải…gây sự chú ý của dư luận, được người dân quan tâm. Tuy nhiên, đi kèm với điều này là tình trạng các tác giả đi thâm nhập, lấy thông tin dễ bị đe dọa, tấn công từ các đối tượng vi phạm.
Cách đây không lâu, hẳn khán giả vẫn còn nhớ hình ảnh nhà báo Anh Tuấn – VTV24 khi đang làm vệt phóng sự về vấn đề khai thác khoáng sản tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, anh vừa dẫn hiện trường, vừa bị bảo vệ lôi đi. Hình ảnh đã lan truyền và gây chú ý với khán giả truyền hình. Nhiều người thắc mắc tại sao bị kéo đi như vậy mà phóng viên vẫn điềm tĩnh dẫn hết đúp quay?

Hình ảnh nhà báo Anh Tuấn vừa dẫn hiện trường, vừa bị bảo vệ lôi đi đã gây chú ý với khán giả. Ảnh: NVCC
Chia sẻ về tình huống này, nhà báo Anh Tuấn cho biết, đó là tình huống bất ngờ, nhóm phóng viên không lường trước được bác bảo vệ lại cản trở tác nghiệp như vậy. Đó cũng là ngày thứ 3 liên tiếp nhóm phóng viên đến UBND huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam liên hệ làm việc để minh bạch thông tin liên quan đến phân bổ ngân sách từ hoạt động khai thác khoáng sản đến địa phương cấp xã và người dân nhưng vẫn chưa thể làm việc và chưa nhận được câu trả lời từ lãnh đạo UBND huyện.
Nhà báo Anh Tuấn chia sẻ: "Dù ở bất cứ tình huống nào, khi tác nghiệp, chúng tôi đều phải giữ được sự điềm tĩnh vì chúng tôi tác nghiệp tuân thủ theo Luật Báo chí và việc mong muốn được gặp lãnh đạo huyện hoàn toàn chính đáng trong trường hợp này. Vì thế, chúng tôi không có gì bức xúc hay mất bình tĩnh khi bác bảo vệ kéo đi, mà tôi muốn để mọi việc diễn ra theo đúng thực tế và được ghi lại bằng ống kính camera".
"Khi đi tác nghiệp, chúng tôi chỉ có một suy nghĩ, người dân quá khổ. Tại sao họ có thể sống được trong môi trường ô nhiễm đến như vậy? Vị trí các hộ dân ở vùng khai thác đá tới các mỏ khai thác cũng chưa đạt an toàn... Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng ở tỉnh Hà Nam có biện pháp quyết liệt hơn kiểm soát triệt để hơn ô nhiễm bụi, để cuộc sống bà con dễ thở và đỡ khổ hơn", Anh Tuấn bày tỏ.
Phóng sự phản ánh về tình trạng ô nhiễm xung quanh mỏ đá tại huyện Kim Bảng sau phát sóng trong chương trình Chuyển động 24h đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ người xem, từ đồng nghiệp. Niềm vui nho nhỏ của anh và ê kíp là được nhiều người dân địa phương gọi điện cảm ơn đồng thời chia sẻ với khó khăn mà ê-kíp gặp phải.
Trong suốt hành trình làm nghề của mình, nhà báo Anh Tuấn đã luôn duy trì các phóng sự chuyên sâu về đề tài liên quan đến bảo vệ tài nguyên môi trường. Tuy nhiên khó khăn nhất đối với anh chính là việc ghi nhận được hình ảnh bằng chứng rõ ràng về hành vi vi phạm quy định pháp luật về tài nguyên môi trường diễn ra thường xuyên kéo dài.
Nhà báo Anh Tuấn cho rằng: Để ghi nhận được bằng chứng, ê kíp phóng viên cũng phải tính toán, sử dụng các trang thiết bị tác nghiệp, phương tiện và lựa chọn kỹ các phương án để làm sao ê kíp tác nghiệp vừa phải đảm bảo an toàn, vừa ghi được bằng chứng rõ ràng về việc hủy hoại môi trường, khai thác trái phép tài nguyên.
Cũng liên quan đến việc phóng viên phản ánh việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, hồi tháng 9 năm 2023 nhóm phóng viên một số cơ quan báo chí trung ương thường trú tại tỉnh Quảng Nam khi ghi nhận tình trạng khai thác vàng trái phép ở xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, nhóm đã bị hai người đe dọa, đòi đánh, dùng lời lẽ xúc phạm.

Người đàn ông ở bãi vàng dùng vật dụng bằng gỗ đuổi, đòi đánh phóng viên tác nghiệp, ghi nhận tình trạng khai thác vàng trái phép. Ảnh cắt từ clip của nhóm phóng viên
Mặc dù nhóm phóng viên nói mình là nhà báo đang tác nghiệp thì bị một người đàn ông cầm vật dụng bằng gỗ, giống chiếc búa, đuổi, đòi đánh khiến họ phải bỏ chạy. Sau vụ việc, UBND xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, Quảng Nam vào cuộc điều tra và cho biết khu vực bãi khai thác vàng này đã hết hạn giấy phép khai thác, một số người vẫn vào đây khai thác vàng là trái phép. UBND cũng đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với những người đe dọa phóng viên.
Cũng liên quan đến việc tác nghiệp tại mỏ đá, gần đây trong quá trình ghi nhận về tình trạng xe chở đất chạy ẩu, gây ô nhiễm, nhóm phóng viên một số cơ quan báo chí Trung ương thường trú tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã bị phía chủ mỏ dùng xe tải cản trở và "giam lỏng", không cho phóng viên ra ngoài trong nhiều giờ liền.
Khi có đại diện cán bộ Công an huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi chủ mỏ đất mới cho xe múc, san bằng đống đất, nhóm phóng viên mới lái xe ra ngoài được. Đây được coi là hành động uy hiếp tinh thần, cản trở quá trình tác nghiệp của báo chí.
Có thể nói, phóng viên theo dõi lĩnh vực tài nguyên môi trường sẽ thường xuyên phải đối mặt với nguy hiểm. Nhưng ở họ luôn có một tâm thế sãn sàng đương đầu với những thử thách, không ngại khó, ngại khổ. Họ luôn sẵn sàng lăn lộn từng ngóc ngách, vùng núi sâu, đèo cao để vạch trần những điều xấu xa, chống lại cái ác, đem lại bình yên cho xã hội, hạnh phúc cho nhân dân. Và với họ đó là phần thưởng mà không giấy khen nào bằng.