Phụ nữ làm báo: Tình yêu và lòng đam mê sẽ biến những khó khăn thành động lực

Chủ nhật, 07/02/2021 08:55 AM - 0 Trả lời

(CLO) Làm báo thường không phân biệt nam hay nữ, các phóng viên nữ cũng làm các nhiệm vụ tác nghiệp giống như nam. Bất kể đường xa, đêm tối, nguy hiểm họ có mặt ở mọi nơi, mọi lúc để cung cấp cấp thông tin kịp thời tới công chúng.

Trang bị các kỹ năng, nhiều kiến thức

Ở nhiều cơ quan đơn vị, các nữ nhà báo, phóng viên đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan đơn vị ấy. Họ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, cần cù, sáng tạo, không quản ngại khó khăn, gian khổ, nỗ lực phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ của một người làm báo. Ngoài ra, họ còn làm tốt vai trò người vợ, người mẹ, chăm lo, xây dựng tổ ấm gia đình, tạo nền tảng vững chắc để hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn.

Nhà báo nữ ngoài niềm đam mê là nỗ lực làm việc gấp đôi, gấp ba.

Nhà báo nữ ngoài niềm đam mê là nỗ lực làm việc gấp đôi, gấp ba.

Trong nhiều cơ quan báo chí lớn, đã có nhiều nhà báo nổi tiếng, tạo ra nhiều tác phẩm báo chí có tiếng vang lớn, họ trở thành những gương mặt nổi bật trong giới báo chí cả nước. Tuy nhiên, ở góc độ khác cũng có nhiều người đánh giá nghề báo là một nghề dành cho nam giới vì tính chất công việc phải di chuyển, đi nhiều, đặc biệt là mảng phóng sự điều tra gai góc sẽ gặp nhiều nguy hiểm. Bên cạnh đó, ngoài vai trò với “việc nước” phụ nữ còn phải có trách nhiệm làm bổn phận của người mẹ, người vợ trong gia đình.

Kể về những ngày đầu làm truyền hình, biên tập viên Đan Lê - VTC14 (Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC) cho biết: Năm 2002 tôi đã có thời gian công tác tại Đài truyền hình Việt Nam, thời điểm đó tôi vẫn là sinh viên, chưa tốt nghiệp, chưa có bằng. Tôi gắn bó nhiều với các chương trình truyền hình, sau khi tôi tốt nghiệp đại học và nhà tuyển dụng cũng chưa yêu cầu bằng cấp.

Tôi chuyển từ Đài truyền hình Việt Nam sang Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC và tôi cũng có làm thêm, cộng tác với một số công ty truyền thông khác. Nhưng cũng không ai hỏi nhiều về vấn đề bằng tốt nghiệp. Tôi nghĩ bản thân chúng ta, ngoài truyện quan tâm đến nam hay nữ làm báo thì điều quan trọng nhất là chúng ta phải trang bị đủ kỹ năng, đủ kiến thức để hoàn thành nhiệm vụ, công việc cơ quan giao.

Biên tập viên Đan Lê - VTC14 (Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC) chia sẻ về nghề. Ảnh: N.Kế

Biên tập viên Đan Lê - VTC14 (Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC) chia sẻ về nghề. Ảnh: N.Kế

Biên tập viên Đan Lê khẳng định: “Đối với các bạn sinh viên muốn có cơ hội việc làm ở các cơ quan báo chí, thì một trong những chiếc chìa khóa là tập trung cho công việc thực tập. Đây là cơ hội để những nữ phóng viên chứng minh khả năng của mình, thể hiện những tác phẩm báo chí của mình mà không bị bất cứ một định kiến nào về bằng cấp hay giới tính. Trong khoảng thời gian đó có thể chỉ vài tháng nhưng nhà tuyển dụng họ có thể nhìn thấy đầy đủ năng lực của các bạn và tiếp nhận”.

Phát huy thế mạnh bản thân

Ông Vũ Quang Hải, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, một trong những nhà báo có nhiều kinh nghiệm trong công tác tuyển dụng cho biết: Phụ nữ làm báo khó khăn và vất vả hơn nam giới vì bên cạnh công việc còn phải chăm sóc gia đình, con cái. Tuy nhiên, không phải phóng viên nữ là chân yếu tay mềm, nhiều mảng điều tra phóng viên nữ làm rất tốt, số lượng nhà báo nữ đạt các giải báo chí cũng rất nhiều.

Chính vì thế lời khuyên của ông Vũ Quang Hải dành cho các bạn sinh viên nữ "Hãy cố theo đuổi đam mê, trau dồi kỹ năng, tri thức để phục vụ cho công việc sau này. Ngoài ra nhà báo nữ cũng có thể lựa chọn những mảng chuyên sâu và phát triển thế mạnh của mình".

Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu, bà Phan Thu Hương, quản lý Chương trình Bình đẳng giới của tổ chức Oxfam nhận định: Nguyên nhân gốc rễ của vấn đề định kiến giới đối với nhà báo nữ xuất phát từ gia đình và cộng đồng.

Ông Vũ Quang Hải, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng phụ nữ làm báo có rất nhiều thế mạnh. Ảnh: N.Kế

Ông Vũ Quang Hải, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng phụ nữ làm báo có rất nhiều thế mạnh. Ảnh: N.Kế

Theo bà Hương “Trong các gia đình con gái thường có xu hướng được bố mẹ định hướng theo các môn xã hội, con trai phù hợp với các môn tự nhiên. Từ quan điểm này đã ảnh hưởng đến việc lựa chọn nguyện vọng nghề nghiệp của các em”.

Tuy nhiên cũng theo bà Phan Thu Hương và nhiều nữ phóng viên, phụ nữ làm phóng viên có rất nhiều thế mạnh mà nam giới không thể nào so bì được. Trong đó nổi bật là sự cẩn thận, chỉn chu và tư duy.

Mỗi ngày nỗ lực thêm một chút

Thực tế đã cho thấy khi phụ nữ làm báo, ngoài những khó khăn, vất vả thì cũng có những đặc thù có thể coi là lợi thế. Như trong những lần đi tác nghiệp, những công việc nặng nhọc hơn như di chuyển thiết bị tác nghiệp, lái xe… các phóng viên nam sẽ là hỗ trợ phần nhiều. Hay những lần phỏng vấn những nhân vật là nữ, những câu chuyện cảm động về phụ nữ, gia đình thì phóng viên nữ thường sẽ dễ tiếp cận, thấu hiểu và khéo léo hơn.

Trải qua 4 năm trên giảng đường đại học và gần 2 năm làm báo thực tế nữ phóng viên Vũ Thị Quỳnh Trang - Thời báo Ngân hàng tâm sự: Phóng viên nữ cũng được ưu ái hơn, nhiều chuyến công tác đòi hỏi thời gian, sức lực và vất vả, đa phần sẽ do phóng viên nam phụ trách. Tuy nhiên, theo tôi, khi đã lựa chọn nghề báo, phóng viên nữ đã tự ý thức được sự vất vả, khó khăn khi theo đuổi nghề, vì vậy, sự bình đẳng trong mọi việc là điều cần thiết.

Phóng viên Vũ Thị Quỳnh Trang - Thời báo Ngân hàng tác nghiệp tại một xã miền núi. Ảnh: NVCC

Phóng viên Vũ Thị Quỳnh Trang - Thời báo Ngân hàng tác nghiệp tại một xã miền núi. Ảnh: NVCC

Nghề báo là một nghề rất đặc thù, bất cứ ai lựa chọn làm báo cũng phải đối mặt với những khó khăn, vất vả bên cạnh cơ hội mà nghề mang lại. Công việc của một phóng viên dường như không có ngày nghỉ, mỗi giờ, mỗi phút trôi qua đều phải sẵn sàng trong trạng thái “tác chiến” với tin, bài bất cứ lúc nào.

Đối với những phóng viên nữ đã có gia đình, công việc bận rộn có khi là từ sáng sớm và về nhà lúc nửa đêm, thời gian dành cho gia đình, con cái ít đi. Không chỉ vậy, những chuyến công tác triền miên cũng khiến thời gian dành cho gia đình và bản thân bị eo hẹp. Đặc biệt, những lần tác nghiệp ở vùng lũ, bão hay phản ánh về một tệ nạn nào đó cũng có những khó khăn, nguy hiểm nhất định, nhất là đối với phụ nữ.

Nghề báo là một nghề vinh quang, nhưng con đường làm nghề không trải hoa hồng mà có rất nhiều chông gai, thử thách. Phóng viên Quỳnh Trang cho rằng: “Khi đã lựa chọn nghề báo, trước hết, phải có cho mình một hành trang kiến thức và kĩ năng thật tốt, để có thể làm nghề một cách chân chính, có những bài viết mang lại hiệu ứng tích cực trong xã hội. Bên cạnh đó, cũng cần trang bị cho mình những kĩ năng mềm để tự bảo vệ bản thân trước những hiểm nguy có thể xảy ra. Hơn hết, mỗi ngày đều cần nỗ lực cố gắng hoàn thiện mình, học hỏi những người đi trước. Tình yêu và lòng đam mê với nghề sẽ giúp chúng ta biến những khó khăn thành động lực để bước tiếp”.

Thực tế cho thấy, nhiều nữ nhà báo là những người có đam mê, lòng yêu nghề, tình yêu nghề đó biến thành sức mạnh để họ làm việc cống hiến không thua kém gì nam giới. Các nữ nhà báo ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò và có tiếng nói trong đời sống báo chí hiện nay, đóng góp quan trọng vào sự phát triển không ngừng của nền báo chí nước nhà.

Nguyên Phong

Tin khác

Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(CLO) Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ, Sở này đã đón tiếp, cấp thẻ, hỗ trợ tác nghiệp cho 251 phóng viên thuộc 66 cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương trong dịp Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Nghề báo
Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

(NB&CL) Có một “điểm chạm” trong cảm xúc “về nguồn” của những người làm báo khi nhắc nhớ về một ngôi trường đặc biệt – Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Đó là cảm xúc tự hào về một “mốc son lịch sử” gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy đầu tiên của báo chí cách mạng… Dù thời gian có xa xanh thì khí phách của một thời đẹp đẽ ấy sẽ mãi là những giá trị trường tồn, tiếp lửa cho thế hệ hôm nay.

Nghề báo
Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

(NB&CL) Thành công của năm 2023 tiếp tục tạo đà cho Hội Nhà báo Việt Nam trong năm 2024 bứt tốc hơn nữa với nhiều nhiệm vụ mới. Đặc biệt, 2024 là năm thứ 3 các tổ chức Hội triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, các Nghị quyết của Ban Chấp hành và Chương trình công tác toàn khóa nhiệm kỳ 2020 - 2025...

Nghề báo
Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

(CLO) Tối 17/4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Bộ Thông tin & Truyền thông phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba năm 2024.

Nghề báo
Tạo môi trường an toàn, nâng cao chất lượng sống cho đoàn viên, người lao động

Tạo môi trường an toàn, nâng cao chất lượng sống cho đoàn viên, người lao động

(CLO) Chiều 17/4, Báo Lao Động tổ chức Hội thảo “Xây dựng môi trường an toàn, nâng cao chất lượng sống cho đoàn viên, người lao động”. Hội thảo đóng góp nhiều ý kiến, trong đó có việc đổi mới trong xây dựng văn hóa, tinh thần cho người lao động, từ đó tránh xa tín dụng đen và tệ nạn xã hội.

Nghề báo