(CLO) Hai trạm xử lý rác thải tại xã Đồng Luận huyện Thanh Thủy và xã Sơn Dương huyện Lâm Thao (Phú Thọ) được đầu tư gần 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, không phát huy hiệu quả, "nằm đắp chiếu" gây lãng phí, khiến người dân bức xúc.
Theo thiết kế, hệ thống công trình thu gom, xử lý rác thải của xã Sơn Dương được xây dựng trên diện tích 914 m2 và xã Đồng Luận là 1.858 m2, bao gồm: Nhà chính của khu xử lý được xây dựng theo kiểu nhà công nghiệp nhẹ với kích thước (21,6 X 7)m; lò xử lý rác với dung tích 25m3, nhà trực sản xuất, hệ thống sân, cổng, tường rào, điện, nước, chống sét… được xây dựng đồng bộ với tổng kinh phí khoảng 4,7 tỷ đồng. Hai công trình này do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ làm chủ đầu tư.
Mục sở thị cho thấy, công trình thu gom, xử lý rác thải tại xã Đồng Luận ở cổng vào, ổ khóa bị gỉ sét bó chặt, bên trái cổng là khu nhà trực sản xuất trống không, không cửa, kính ở các ô thông gió đều bị vỡ nát. Phía bên phải cổng chính là nhà chính của khu xử lý rác cũng trong tình trạng tương tự, không cánh cửa, hệ thống song sắt của các cửa sổ thì bị mất, hoặc han gỉ, bẻ cong; đường ống dẫn nước mái đã vỡ dập, treo lơ lửng; hệ thống bảng điện bị cậy còn trơ các đầu dây...
[caption id="attachment_87424" align="aligncenter" width="640"]
Công trình xủ lý rác thải được đầu tư tiền tỷ tại xã Đồng Luận bị "đắp chiếu" nhiều năm nay[/caption]
Chủ tịch UBND xã Đồng Luận Đồng Trung Dũng cho biết, từ khi công trình được hoàn thành cho đến nay chưa xử lý được một cọng rác nào. Cả hệ thống đều bị bỏ hoang.
Nguyên nhân là do hệ thống xử lý rác thải theo công nghệ ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh. Rác sau khi được thu gom về sẽ được phân loại thành rác hữu cơ và vô cơ. Rác vô cơ tiếp tục được chuyển đi xử lý ở nơi khác, còn rác hữu cơ sẽ được cho vào hệ thống bể ủ để thành phân vi sinh. Đây là công nghệ ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh là công nghệ cũ, không còn phù hợp.
Ngoài ra, do lực lượng mỏng, kinh phí eo hẹp nên tổ hợp tác thu gom, xử lý rác thải của xã đã không thực hiện được. Vì vậy, toàn bộ rác thải của xã sau khi thu gom hiện nay đều được trở về thị trấn La Phù của huyện Thanh Thủy để xử lý.
Cũng được xây dựng với các hạng mục như trên, nhưng hệ thống công trình thu gom, xử lý rác thải của xã Sơn Dương, huyện Lâm Thao cũng chỉ đóng vai trò là “trạm tập kết, chung chuyển rác” của xã. May mắn hơn xã Đồng Luận, trạm xử lý rác thải của xã Sơn Dương đã “được một lần” xử lý rác thải hữu cơ, nhưng lại không thành phân vi sinh.
[caption id="attachment_87422" align="aligncenter" width="640"]
UBND tỉnh Phú Thọ cần chỉ đạo làm rõ, đưa công trình vào sử dụng đúng với mục tiêu xây dựng NTM ban đầu[/caption]
Ông Đỗ Đức Thắng, chủ tịch UBND xã Sơn Dương cho rằng, do lượng rác hữu cơ đưa vào ủ quá ít, không đủ sinh khí, tạo nhiệt nên rác không thể phân hủy được, dẫn đến thất bại hoàn toàn.
Thêm vào đó, việc thực hiện phân loại rác tại các gia đình đã không thực hiện được, việc phân loại rác sau khi tập kết cũng gặp rất nhiều khó khăn do người ít, thiếu kinh phí hoạt động nên rác vẫn phải chuyển đi nơi khác để xử lý. Trước tình hình công trình xử lý rác ở xã Đồng Luận và Sơn Dương hoạt động chưa hiệu quả, và để tránh lãng phí, lãnh đạo hai xã đều mong muốn được cấp trên nghiên cứu cải tạo hệ thống xử lý rác cho phù hợp để đưa vào hoạt động, hoặc đầu tư lò đốt rác để không phải vận chuyển rác đi nơi khác xử lý. Cùng với đó, hỗ trợ thêm kinh phí để chi cho công tác thu gom, xử lý rác yên tâm hoạt động thường xuyên, lâu dài.
Dư luận cũng đặt câu hỏi, các cơ quan chức năng cần xem xét, tính toán cụ thể việc xây dựng các trạm xử lý rác thải tại các địa phương. Nếu chỉ xây dựng bãi tập kết rác thì có nhất thiết phải lãng phí tiền của để đầu tư các trạm xử lý rác thải quy mô như vậy không? Tránh tình trạng xây xong rồi bỏ hoang gây lãng phí ngân sách Nhà nước, trở thành “gánh nặng” đối với các địa phương!
Long Phú