Phú Thọ: Phục dựng chùa cổ 800 năm theo nguyên trạng trước khi bị cháy
(CLO) Chùa Xuân Lũng (chùa Phổ Quang) – một trong những di tích lịch sử, văn hóa lâu đời tại tỉnh Phú Thọ sẽ được phục dựng theo kiến trúc nguyên trạng trước khi bị hỏa hoạn tàn phá. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những chỉ đạo cụ thể về quy mô và định hướng phục dựng để bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử của ngôi chùa cổ này.
Ngày 12/5/2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiếp nhận công văn đề nghị thẩm định Dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Xuân Lũng (tên chữ: chùa Phổ Quang) do Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ gửi. Sau khi thẩm định, Bộ đã ban hành Công văn số 2332/BVHTTDL-DSVH do Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương ký, thống nhất nhiều nội dung quan trọng và đưa ra hàng loạt yêu cầu kỹ thuật chi tiết cho dự án.
Theo đó, Bộ yêu cầu phục dựng các hạng mục chính của di tích đặc biệt là công trình Tam bảo theo đúng kiến trúc trước khi xảy ra cháy. Ngoài ra, dự án cũng sẽ tiến hành xây dựng lại Tam quan, nhà Mẫu và một số công trình phụ trợ như nhà giảng đường, nhà Tăng, nhà bếp, nhà vệ sinh, sân vườn và hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, Bộ lưu ý cần giảm quy mô nhà giảng đường và thiết kế bộ vì Tam bảo theo mẫu cũ.

Đáng chú ý, Bộ yêu cầu không lắp đặt cửa võng tại các trục không phù hợp và không sử dụng đèn tuýp trong không gian nội thất – những yếu tố có thể làm sai lệch thẩm mỹ truyền thống của công trình tôn giáo cổ.
Về hệ thống hiện vật, Bộ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn tối đa các tượng thờ cổ bằng đất và gỗ – những hiện vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật lớn. Trường hợp không thể phục hồi, các hiện vật cần được lựa chọn kỹ lưỡng để lưu giữ tại di tích như một phần của ký ức văn hóa.
Đặc biệt, đối với Bảo vật quốc gia là Bàn thờ Phật bằng đá, Bộ yêu cầu chỉ được di dời trong trường hợp thật sự cần thiết, đồng thời phải đảm bảo phương án bảo vệ nghiêm ngặt trong suốt quá trình di chuyển và tu bổ.
Bên cạnh đó, phương án kiến trúc của các công trình mới như nhà sắp lễ cũng được yêu cầu điều chỉnh, không sử dụng các yếu tố hiện đại như mái đao, mà cần tuân thủ phong cách kiến trúc truyền thống như tường hồi bít đốc.
Hồ sơ dự án được yêu cầu bổ sung tư liệu lịch sử, ảnh chụp hiện trạng, cũng như ý kiến đóng góp bằng văn bản của người dân địa phương về mặt bằng tổng thể và phương án phục dựng.
Trước đó, vào tháng 11/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn yêu cầu tỉnh Phú Thọ đề xuất các biện pháp bảo vệ, phục hồi di tích sau vụ cháy lớn tại chùa Xuân Lũng. Theo báo cáo thực địa, không chỉ kiến trúc bị ảnh hưởng, nhiều hiện vật quý giá như tượng đất, tượng gỗ, và cả bảo vật quốc gia cũng chịu tổn thất nghiêm trọng.
Bộ cũng đề nghị tỉnh Phú Thọ nhanh chóng điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy để xác định trách nhiệm và tăng cường công tác bảo vệ di sản trên địa bàn tỉnh, tránh những tổn thất đáng tiếc tương tự trong tương lai.