Phục hồi hệ sinh thái: Cần sự chung tay

07/06/2021 15:07

(CLO) Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm và suy thoái đa dạng sinh học với tốc độ rất nhanh.

Thực tế cho thấy chúng ta sẽ phải hứng chịu hậu quả khôn lường nếu mất đi sự cân bằng giữa mối quan hệ con người và tự nhiên; trong đó, dịch bệnh COVID-19 hiện nay, cũng là hệ quả của sự mất đi cân bằng sinh thái. Vì thế, việc chung tay phục hồi hệ sinh thái đã là yêu cầu cấp bách.

Hệ sinh thái đang ngày càng suy thoái trầm trọng

Hệ sinh thái đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của con người, cung cấp cho con người những lợi ích vô giá như ổn định khí hậu, lọc không khí, cung cấp oxy, cung cấp nguồn nước, thức ăn, thuốc men…

phuc hoi he sinh thai can su chung tay hinh 1

Phục hồi hệ sinh thái - Hành động của mỗi tổ chức, cá nhân.

Ngoài ra, các hệ sinh thái còn là nơi cư trú của các loài động vật hoang dã. Tuy nhiên, các hệ sinh thái hiện đang có tốc độ suy thoái nhanh nhất trong lịch sử loài người vì đang phải đối mặt với các mối đe dọa vô cùng to lớn như nạn chặt phá rừng; ô nhiễm nước hồ, sông suối; các vùng đất ngập nước trở nên khô hạn; vùng biển và ven biển bị suy giảm chất lượng và bị khai thác quá mức.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc, hệ sinh thái trên trái đất - nền tảng của sự sống, đang bị suy thoái trầm trọng. Việc tiêu thụ động vật hoang dã, phá hủy môi trường sống đã khiến các bệnh truyền nhiễm có nhiều khả năng lây sang người. Nếu không có sự thay đổi trong cách con người đối xử với thiên nhiên, đại dịch trong tương lai sẽ xảy ra thường xuyên, làm hại nhiều người và gây thiệt hại tồi tệ hơn cho nền kinh tế toàn cầu so với đại dịch COVID-19.

Tại Việt Nam, tình hình cũng không khác là bao. Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm và suy thoái đa dạng sinh học với tốc độ rất nhanh. Thực tế cho thấy chúng ta sẽ phải hứng chịu hậu quả khôn lường nếu mất đi sự cân bằng giữa mối quan hệ con người và tự nhiên; trong đó, dịch bệnh COVID-19 hiện nay, cũng là hệ quả của sự mất đi cân bằng sinh thái.

Số liệu của Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy diện tích các khu vực có hệ sinh thái tự nhiên quan trọng đang bị thu hẹp dần. Diện tích rừng tự nhiên đã giảm từ 12 triệu hécta (năm 1945) còn 2,8 triệu hécta (năm 2017) và có 80% trong số này ở mức duy trì kém.

phuc hoi he sinh thai can su chung tay hinh 2

Việt Nam đang nỗ lực phục hồi hệ sinh thái.

Đối với hệ sinh thái biển và ven biển, lượng san hô cứng cũng đang giảm dần. Số liệu thống kê cho thấy có tới 63,5% rạn san hô đang trong tình trạng xấu (với độ che phủ dưới 25%). Bên cạnh đó, số loài và số lượng cá thể của các loài hoang dã bị suy giảm mạnh. Thậm chí, nhiều loài hoang dã có giá trị bị suy giảm hoàn toàn về số lượng hoặc bị đe dọa tuyệt chủng ở mức cao; các nguồn gen hoang dã cũng đang trên đà suy thoái nhanh và thất thoát nhiều.

Cần sự chung tay

Năm 2021 là năm được Liên hợp quốc phát động cho một thập kỷ (2021-2030) phục hồi của các hệ sinh thái trên thế giới, giúp xóa đói, giảm nghèo, ứng phó với biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự tuyệt chủng của nhiều loài sinh vật. Ngày 5/6 vừa qua, với chủ đề “Phục hồi hệ sinh thái,” Ngày Môi trường thế giới năm 2021 được xem là thời điểm đánh dấu sự khởi động của Liên Hợp Quốc về Thập kỷ phục hồi Hệ sinh thái (2021-2030).

Hưởng ứng sự kiện trên, Việt Nam đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp dựa vào thiên nhiên, tiếp cận hệ sinh thái trong quá trình xây dựng các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; thành lập và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn thiên nhiên; thúc đẩy thực hiện các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững. Cụ thể, Việt Nam đã đẩy mạnh hoạt động bảo vệ nghiêm ngặt rừng nguyên sinh, bảo đảm diện tích rừng nguyên sinh được bảo vệ ở mức 0,57 triệu hécta; thực hiện các biện pháp ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép bảo vệ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn; khoanh nuôi, tái sinh rừng trong các chương trình trồng rừng; thực hiện có hiệu quả các mục tiêu và nhiệm vụ của đề án phục hồi rừng ngập mặn ven biển…

Hàng năm, Ngày Môi trường thế giới cũng được xem là “ngày hội” của những người làm công tác môi trường và được chọn là thời điểm bắt đầu Tháng hành động vì môi trường. Trong thời gian này, các địa phương trên cả nước đã tổ chức nhiều chiến dịch ra quân rầm rộ như làm sạch biển, trồng cây xanh với số lượng người tham gia lên tới hàng nghìn người; qua đó lan tỏa sâu rộng các hành động thiết thực, góp phần cải thiện môi trường và bảo vệ hành tinh xanh.

phuc hoi he sinh thai can su chung tay hinh 3

Phục hồi hệ sinh thái: Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất.

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã thiết lập các hành lang đa dạng sinh học (ĐDSH) kết nối các sinh cảnh nơi có các loài nguy cấp, quý hiếm được bảo vệ; xây dựng 3 khu vực bảo tồn hổ tại khu bảo tồn liên biên giới với Lào và Campuchia gồm: Vườn Quốc gia (VQG) Pù Mát (tỉnh Nghệ An), Khu bảo tồn thiên nhiên Sốp Cộp (tỉnh Sơn La) và VQG Yok Đôn (tỉnh Đắc Lắc). Đồng thời xây dựng kế hoạch dài hạn về đầu tư phát triển vùng đệm của các khu bảo tồn và thực hiện mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững trong vùng đệm... Việt Nam đang nỗ lực để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 phục hồi 25% diện tích HST tự nhiên có tầm quan trọng quốc tế, quốc gia bị suy thoái.

Tuy nhiên, phục hồi HST là thách thức rất lớn, đặc biệt với các nước đang phát triển như nước ta. Theo ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc quốc gia Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới tại Việt Nam (WWF Việt Nam), sự gia tăng dân số và mức tiêu thụ tài nguyên là áp lực dẫn tới khai thác quá mức tài nguyên sinh vật, làm biến đổi cảnh quan thiên nhiên. Thay đổi phương thức sử dụng đất, xây dựng cơ sở hạ tầng làm giảm diện tích sinh cảnh tự nhiên; cháy rừng, phá rừng cũng là các yếu tố khiến ĐDSH của nước ta suy giảm. Trong khi đó, rừng giàu và rừng nguyên sinh không còn nhiều, vẫn tiếp tục bị thu hẹp về cả lượng và chất. Đến nay, diện tích của 173 khu bảo tồn gồm: 33 VQG, 66 khu dự trữ thiên nhiên, 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh, 56 khu bảo vệ cảnh quan chỉ chiếm khoảng 7,5% diện tích đất liền-một con số khiêm tốn đối với một nước có ĐDSH phong phú như nước ta...

Trước thực trạng trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng cần có những phân tích để làm cơ sở hoàn thiện thực hiện những chủ trương lớn và phải có nhận thức bảo tồn để phát triển, phát triển dựa vào bảo tồn; hành động phải mang tính thực tiễn cao và phải có lộ trình điều kiện để thực thi.

Bên cạnh đó, các cơ quan cần nâng cao hơn nữa tính thực tiễn của các quy hoạch về bảo tồn. Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, những người làm trong lĩnh vực môi trường ngoài tri thức, tình yêu với môi trường cần có ứng xử, trách nhiệm truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường đến với người dân để giải quyết mối quan hệ con người với tự nhiên. 

phuc hoi he sinh thai can su chung tay hinh 4

Phục hồi hệ sinh thái: Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất.

Trên hết là sự chung tay cùng bảo vệ hệ sinh thái từ những việc làm nhỏ nhất. Đơn cử như các tổ chức, cá nhân cần phát huy đưa ra các sáng kiến, giải pháp và có các hành động cụ thể để phục hồi, bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên của Việt Nam. ở cấp độ vĩ mô, các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, địa phương cần thúc đẩy áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên, tiếp cận hệ sinh thái trong quá trình xây dựng các quy hoạch để giảm nhẹ tác động từ sự phát triển kinh tế-xã hội tới các hệ sinh thái; quản lý hiệu quả các khu bảo tồn thiên nhiên, cảnh quan thiên nhiên; áp dụng tiếp cận hệ sinh thái trong quản lý tổng hợp đới bờ, lưu vực sông, quản lý rừng bền vững, chú trọng vai trò và quyền lợi của cộng đồng. Ở cấp địa phương cần quán triệt triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải, rác thải; tổ chức triển khai các chương trình, dự án, nhiệm vụ phục hồi hệ sinh thái như: Thực hiện các hoạt động tại đề án trồng mới 1 tỷ cây xanh của Chính phủ; triển khai các hoạt động phục hồi hệ sinh thái rừng theo phương pháp tiếp cận cảnh quan; thu gom rác thải hai bên bờ và trên mặt nước biển, các sông, suối, ao hồ, phục hồi thảm thực vật trên các vùng đất ngập nước; khuyến khích triển khai các công trình bảo vệ môi trường, huy động sự tham gia của cộng đồng. Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương, nhất là các cơ quan liên quan cần tăng cường các hoạt động kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, khai thác các loài hoang dã di cư theo Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã và các văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan.

Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1-1-2022 đã đưa ra nhiều điểm mới cũng như tính nhất quán về công tác bảo tồn thiên nhiên, phục hồi HST, hướng đến mục tiêu cao nhất là cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH, hướng đến phát triển bền vững. Từ đó sẽ có tác động tích cực để mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội cùng chung tay bảo vệ môi trường, phục hồi, bảo vệ HST vì cuộc sống hài hòa với thiên nhiên, cho một tương lai bền vững.

PV

    Nổi bật
        Mới nhất
        Phục hồi hệ sinh thái: Cần sự chung tay
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO