Phức tạp khái niệm về các loại thuốc lá mới
Trong hai phương án định nghĩa thuốc lá điện tử (TLĐT) và thuốc lá nung nóng (TLNN), Bộ Y tế nhất trí với phương án 1 - gộp các sản phẩm này vào một khái niệm chung.
Tuy nhiên, trên thực tế, khái niệm “thuốc lá thế hệ mới” là khái niệm rộng trong đó TLĐT, TLNN chỉ là 2 trong số nhiều loại thuốc lá mới đang lưu hành trên thị trường.
Do vậy, việc gộp chung các khái niệm, không chỉ đi ngược lại các văn bản quốc tế định nghĩa về TLĐT, TLNN mà còn gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý các hành vi vi phạm.
Thuốc lá mới dạng lai: Thách thức lớn cho các cơ quan quản lý
Tại Việt Nam, quá trình phân loại, đưa ra định nghĩa về TLĐT, TLNN hiện vẫn đang được tiếp tục hoàn thiện sau khi Nghị quyết 173/2024/QH15 được ban hành. Trong khi tranh luận về các khái niệm, định nghĩa TLĐT, TLNN vẫn còn chưa kết thúc, khái niệm thuốc lá dạng lai (hybrid) khiến cho các cơ quan chức năng càng thêm bối rối.
Tại Tọa đàm “Hoàn thiện hệ thống pháp luật để kiểm soát thuốc lá mới - Từ chính sách đến thực tiễn” ngày 3/6, ông Lê Thành Hưng, Trưởng Phòng Tiêu chuẩn nông nghiệp thực phẩm, Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết TLĐT gồm có hệ thống đóng và hệ thống mở, sử dụng bằng cách hóa hơi dung dịch lỏng có chứa hoặc không chứa nicotine.
Tuy nhiên, thị trường không chỉ có TLNN hay TLĐT, thực tế đã xuất hiện một số sản phẩm thuốc lá dạng lai (hybrid), kết hợp cách vận hành của TLĐT và TLNN và cũng thuộc nhóm các sản phẩm thuốc lá mới. Mặc dù các nhà sản xuất thường phân loại sản phẩm này vào nhóm TLNN, nhưng về mặt cấu trúc và nguyên lý hoạt động, sản phẩm hybrid có nhiều điểm tương đồng với TLĐT hơn.
Cụ thể, giống như TLĐT, sản phẩm lai hybrid sử dụng cơ chế hóa hơi dung dịch tinh dầu (e-liquid), có thể chứa nicotine, hương liệu, và các thành phần tạo mùi thơm. Điểm khác biệt là khí hơi được tạo ra từ quá trình hóa hơi này sẽ được dẫn qua một buồng chứa nguyên liệu thuốc lá trước khi được người dùng hít vào.

Chính vì sự phức tạp trong cấu trúc của các loại sản phẩm thuốc lá mới, trong Điều 1 của Dự thảo Nghị định sửa đổi, Bộ Y tế đề xuất gộp khái niệm về TLĐT, TLNN và cả “thuốc lá thế hệ mới khác” vào làm một nhóm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc gộp này chưa hợp lý về mặt thực tiễn. Các văn bản quốc tế đang còn hiệu lực đến nay đã phân loại rõ ràng giữa TLNN, TLĐT.
Đồng thời, khái niệm “thuốc lá thế hệ mới” (TLTHM) hiện chưa được định nghĩa rõ ràng, cụ thể trong bất kỳ văn bản pháp lý hay tài văn bản của tổ chức quốc tế nào. TLTHM hay “thuốc lá mới nổi” là tên gọi không chính thức chung cho các sản phẩm khác với thuốc lá truyền thông, không đề cập đến các sản phẩm cụ thể và là một khái niệm phổ rộng, không rõ ràng. Trong đó có loại làm nóng, không đốt cháy, hay hóa hơi dung dịch, hoặc thậm chí không có bất kỳ quá trình sinh nhiệt nào.
Cũng theo ông Lê Thành Hưng, hiện truyền thông và người tiêu dùng vẫn còn nhầm lẫn giữa TLNN và TLĐT, dù các sản phẩm này không còn “mới” nữa vì đã hiện diện tại Việt Nam hơn 1 thập kỷ và trên thế giới hơn 3 thập kỷ qua, nhất là khi có thêm sự xuất hiện của các dòng sản phẩm lai ngày càng đa dạng.
Trước đó, tại tọa đàm “Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Nhiều thách thức đặt ra” vào tháng 4/2025, ông Lê Đại Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp – cho biết: “Vấn đề đặt ra là cần có văn bản hướng dẫn việc thực thi Nghị quyết 173. Trong đó phải làm rõ được khái niệm TLĐT là gì, phân biệt giữa TLĐT và TLNN khác và giống nhau chỗ nào… Nhưng mà hiện nay thì định nghĩa đó chưa có, chưa rành mạch nên gây khó khăn cho cơ quan thực thi luật để nhận diện nó thế nào.”
Đứng trên góc độ bảo vệ sức khỏe, bà Nguyễn Quỳnh Liên - Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – nhấn mạnh, việc định nghĩa tách bạch TLĐT, TLNN là cần thiết để cơ quan quản lý kiểm soát hiệu quả, đồng thời giúp người dùng tránh nhầm lẫn. Nếu không có sự phân định rạch ròi, các sản phẩm TLTHM rất dễ bị đánh tráo khái niệm.

Cần tham khảo quan điểm quốc tế khi phân loại thuốc lá mới
Cũng trong tọa đàm ngày 3/6, ông Lê Thành Hưng kiến nghị cần cân nhắc các yếu tố khoa học khi xây dựng và sửa đổi hệ thống pháp luật liên quan.
Chính vì sự tồn tại của các sản phẩm thuốc lá lai hybrid, nên trong dòng sản phẩm TLNN đã phân ra loại TLNN nguyên bản (chỉ sử dụng nguyên liệu thuốc lá tự nhiên) để phân biệt với TLĐT và cả thuốc lá dạng lai (hybrid).

Ông Hưng cũng góp ý, chính sách quản lý cần dựa trên nhiều yếu tố phù hợp với thực tiễn trong nước, đồng thời tham khảo kinh nghiệm và khuyến nghị từ các tổ chức quốc tế để đảm bảo tính định hướng và khả thi khi triển khai tại Việt Nam.
Trên thực tế, với TLNN nguyên bản, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Hoa Kỳ đã xác định đây là thuốc lá nhưng không có quá trình đốt cháy.
Ông Hưng cho hay, nhiều văn bản quốc tế đã thống nhất TLNN (nguyên bản) là sản phẩm thuốc lá do sử dụng nguyên liệu thuốc lá thật, tương tự thuốc lá điếu truyền thống. Điểm khác biệt chủ yếu giữa hai loại nằm ở cơ chế hoạt động: thuốc lá điếu đốt cháy trực tiếp bằng lửa, còn TLNN chỉ làm nóng điếu thuốc lá đặc chế bằng thiết bị điện tử, không có quá trình đốt cháy.
Dẫn chứng báo cáo năm 2020 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Hưng cho biết WHO công nhận TLNN chứa nguyên liệu thuốc lá, xếp vào nhóm sản phẩm thuốc lá. Tổ chức này cũng khuyến nghị các nước thành viên quản lý TLNN theo khung pháp lý hiện hành áp dụng đối với thuốc lá truyền thống, đồng thời tách biệt hoàn toàn với TLĐT. Ngoài WHO, năm 2024, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đã công bố bộ tiêu chuẩn về thuật ngữ và định nghĩa, khẳng định TLNN không phải là TLĐT.