Đợi chờ hai tập thơ mới của nhà thơ Nguyễn Hưng Hải

16/10/2015 15:42

Nhà thơ Nguyễn Hưng Hải sinh năm 1959, quê quán Việt Trì - Phú Thọ. Anh từng xuất hiện rất “hùng dũng” trên thi đàn khi vùn vụt cho ra đời đến 9 tập thơ, 4 tập trường ca, 1 tập truyện ngắn, 1 tập phóng sự ghi chép…

Nguyên Pháp

(CLO) Nhà thơ Nguyễn Hưng Hải sinh năm 1959, quê quán Việt Trì - Phú Thọ. Anh từng xuất hiện rất “rầm rộ” trên thi đàn khi vùn vụt cho ra đời đến 9 tập thơ, 4 tập trường ca, 1 tập truyện ngắn, 1 tập phóng sự ghi chép… Vậy mà kể từ năm 2013 đến nay, sau khi ra mắt tập thơ “Chiều mưa hai đứa đợi tàu”, anh bỗng... “bặt tăm”!

[caption id="attachment_52711" align="aligncenter" width="605"]5211dd88808df Nhà thơ Nguyễn Hưng Hải[/caption]

Hỏi ra mới biết anh còn 2 tập thơ bản thảo đang chờ mình “tự duyệt”. Tính ra anh đâu có bỏ thơ mà chạy theo một “bóng hình” nào khác. Anh đang âm thầm dự tính, từng bước chỉn chu chuẩn bị cho ra đời những đứa con tinh thần của mình với một diện mạo, phong cách thơ Nguyễn Hưng Hải mới lạ, đột phá, hấp dẫn, thú vị hơn chăng?!

Nói về thơ Nguyễn Hưng Hải, tại hội thảo thơ của hai tác giả Kim Dũng và Nguyễn Hưng Hải do Hội Liên hiệp VHNT Phú Thọ tổ chức vào tháng 9.2013, nhà thơ Trần Quang Quý có những nhận xét khá sắc sảo về phong cách thơ Nguyễn Hưng Hải, người viết xin được trích để bạn đọc tiện tham khảo: “Có thể nói, Nguyễn Hưng Hải quan tâm đến nhiều thể loại, nhiều đề tài phản ánh, nhưng không khó để nhận ra, mạch thơ chủ đạo, để lại dấu ấn sâu đậm nhất của Nguyễn Hưng Hải vẫn là những ám ảnh, day trở, suy tư về thế phận người, về những giá trị của đời sống, đặc biệt là trong thơ viết về quê hương, gia đình, những người thân ở vùng trung du thăm thẳm nỗi đời, nỗi người của ông.

Ngay trong tập thơ Ban mai chóng mặt, gồm những sáng tác đầu tiên, có thể coi là giai đoạn mà hồn thơ Nguyễn Hưng Hải còn trẻ trung, trong sáng, hòa cùng điệu thơ trữ tình lãng mạn là huyết mạch chính của thơ ca Việt, thì Nguyễn Hưng Hải đã có những bài thơ nhiều suy tư, lật soi những giá trị của một thời với rất nhiều câu nghi vấn, giả định, chất vấn nội tâm, đã trở thành mạch quen trong lập ý, lập tứ của thơ ông về sau này. Ông giống như người “hậu kiểm” những giá trị: “Vẫn là quả thị ngày xưa/ mà cô Tấm của bây giờ ở đâu/ nếu không có cô Thị Mầu/ tôi tin chú Tiểu ăn trầu chẳng cay…/ cái còn lại bị đánh đau/ cái bỏ đi được bắc cầu cho lên” (Giá trị của một thời). Con mắt nhìn lại những giá trị của Nguyễn Hưng Hải là thế.

Dường như bất kỳ trước một hiện tượng đời sống, một mối quan hệ nào cũng có thể làm cho Nguyễn Hưng Hải “động lòng trắc ẩn”. Đến nỗi nó thường đặt ông vào trạng thái phân tâm, tự mâu thuẫn với chính mình, hay là thái độ lưỡng lự, không rành mạch, muốn thế này lại e thế kia, rất điển hình: “Tháng ngày trong nỗi mung lung/ muốn mong con lớn lại mong từ từ”[…] Viết về tình yêu, trong một “Chiều mưa hai đứa đợi tàu” cũng vậy: “Sao em cứ nghĩ mung lung/ Muốn tàu đến sớm lại mong muộn tàu”. Trạng thái “lưỡng cư” tinh thần, là một phần giải mã cho sự dùng dằng, có thể làm lỡ cả những chuyến tàu cuộc đời của những chàng thi sĩ đa cảm, đa mang lắm thay”!

Nhà thơ Trần Quang Quý cũng chỉ ra: “Có một điều ghi nhận, tôi cho là rất quan trọng đối với thơ Nguyễn Hưng Hải là ông thường thành công trong những đổi mới về tư duy soi chiếu, sự cảm nhận, nội hàm phản ánh chứ không phải bằng những quẫy cựa của ngôn ngữ, của cấu trúc, hay những câu thơ tự do dài ngắn, gồ ghề về nhịp điệu (gần đây Nguyễn Hưng Hải có vẻ định chuyển hướng)… như một số nhà thơ cùng thế hệ hoặc một bộ không ít lớp các nhà thơ trẻ 7X, 8X ưa dùng. Những bài thơ để lại nhiều ngẫm ngợi, gợi những ám ảnh ký ức, ẩn ức và day dứt nỗi người lại là những bài thơ viết tự nhiên, không rậm lời, còn bịn rịn âm hưởng truyền thống, đặc biệt là ở trong khá nhiều bài thơ lục bát, như là một thế mạnh của ông…”.

Vâng, hy vọng đọc giả sẽ sớm có trong tay 2 tập thơ mới của Nguyễn Hưng Hải, để xem có điều gì mới mẻ và thú vị đang chờ đợi phía trước.

Chuyên trang Nghệ thuật – sáng tác báo điện tử Congluan.vn xin giới thiệu đến bạn đọc một số bài thơ của nhà thơ Nguyễn Hưng Hải:

GIÁ TRỊ CỦA MỘT THỜI

Tôi từ trang sách bước ra

Gặp cơn mưa mới biết là cơn mưa

Vẫn là quả thị ngày xưa

Mà cô Tấm của bây giờ ở đâu

Nếu không có cô Thị Mầu

Tôi tin chú Tiểu ăn trầu chẳng cay

Nếu còn sống đến hôm nay

Biết đâu Kiều chẳng khóc thay bao người

Những câu chuyện của một thời

Tôi nghe thấp thoáng tiếng cười Mỵ Châu

Cái còn lại bị đánh đau

Cái bỏ đi được bắc cầu cho lên

Mở ra trang sách tôi tin

Gấp vào trang sách tôi tìm ở ai ?!

CHIỀU MƯA HAI ĐỨA ĐỢI TÀU

Tặng Nghĩa

Chiều mưa! thành phố chiều mưa

Áo người tiễn, áo người đưa ướt rồi

Nhường nhau mãi hóa thừa thôi

Áo che mưa đã ngàn đời che mưa

Vòm cây lá đỏ như thừa

Cho hai đứa chỗ nương nhờ hôm nay

Trắng trời, trắng đất-mưa bay

Áo không ai vắt lên dây mà chùng

Lòng sao lòng cứ ngập ngừng

Mai rồi ở núi, ở rừng lại mong

Mưa như từ quãng đường vòng

Gió như từ ngã ba sông gió về

Non như sắc cỏ bờ đê

Áo anh mưa ướt không về phía em

Mưa cho lạ hóa thân quen

Mưa cho nhịp đập quả tim khác thường

Hình như mưa biết yêu thương

Hình như mưa đã mở đường cho nhau

Dỗi hờn cái chuyện không đâu

Chiều mưa vẳng tiếng còi tàu lại thương

Lại mong ngắn những con đường

Lại mong nắng tự muôn phương nắng về

Ba lô, khẩu súng nằm kề

Anh như anh của mùa hè xa em

Anh như anh của thiên nhiên

Anh như anh của mọi miền đất đai

Ôm tròn lấy một bờ vai

Tóc em sợi nhớ đan hoài sợi thương

Con đường mưa lá me vương

Chiều bay thoang thoảng chút hương êm đềm

Có gì như lửa đang nhen

Bảo rằng nhớ ít là em nhớ nhiều

Anh như là chiếc dây leo

Em là bờ đá sớm chiều lo âu

Chiều mưa hai đứa đợi tàu

Lát rồi xa lại bắt đầu hình dung

Sao em cứ nghĩ mông lung

Muốn tàu đến sớm lại mong muộn tàu

VIẾT CHO CON GÁI

Cho con gái Hải Yến yêu quí

Cái gì bố cũng con trai

Lời con bạc tóc nay mai thân già

Thương con phận gái là hoa

Đường đời mưa nắng thuận hòa có không

Rồi mai khăn gói theo chồng

Rủi may nước mắt cậy trông nhà người

Trăm năm họ bố đâu rồi

Thương con phận gái về chơi nhà mình

Trời cho được đẹp, được xinh

Mẹ cho cái bóng, cái hình khỏi lo

Một sông, một bến, một đò

Một đời cha biết bao giờ hết thương

Ở chùa thì được thơm hương

Ở ao nhỡ đục bố thường hay lo

Từ ngày mẹ đẻ con ra

Vui là của bố, buồn là của ai

Thương con nhiều lúc thở dài

Nhỏ nhờ cha mẹ, lớn ngoài tầm tay

Mong cho phúc đức đặn đầy

Gái trai cũng một lòng này chở che

Sợ mai rũ áo ra về

Mình con đứng trước hoe hoe cỏ vàng

Mong sao vui nở, buồn tàn

Gió mưa đừng có phũ phàng con tôi

Mong sao đời mỉm nụ cười

Trời xanh mây trắng, tình người bao dung

Tháng ngày trong nỗi mông lung

Muốn con mau lớn lại mong từ từ.

MẸ RA PHỐ

Mẹ ra phố ở mấy hôm

nhà cao cửa rộng không hơn ở làng

sáng con khóa cửa đi làm

thương con mà mẹ bị giam trong nhà

Tối thì nườm nượp vào ra

toàn người đâu cứ gọi bà, xưng con

dù là cơm ngọt canh ngon

bạn già chẳng có mẹ buồn nhớ quê

Nhớ bà hàng xóm nón mê

thương con chẳng có đường về vì con

thôi nào viên gạch đừng trơn

mẹ  ra phố chỉ mấy hôm thôi mà !

Mấy hôm cháu quẩn chân bà

có con có mẹ như là ngày xưa

mấy hôm không phải nắng mưa

mà mưa nắng lại như lùa trong xương

Ở quê còn có mảnh vườn

mẹ ra phố chẳng biết đường nào đi

mấy hôm chẳng biết làm gì

phố phường chẳng giống như khi ở nhà

Nhớ từ con lợn, con gà

bà về cháu níu chân bà, nhìn theo

con như đất bám chân bèo

giàu sang ở phố mà nghèo ở quê ?!

ĐÊM THỊ MÀU

Chuông chùa Tiểu đánh tiếng ghen

Ở  ngoài sân khấu là đêm đi rình

Ai giam được cái chữ tình

Thị Mầu tay quạt tay phanh áo hờ

Trách gì cái đứa lẳng lơ

Sao em ăn táo để chùa tụng kinh

Biết là Tiểu cũng như mình

Làm thân con gái còn rình gì nhau

Ở ngoài sân diễn là đâu

Cửa trước thì đóng cửa sau thì mời

Bão đâu ở tận cuối trời

Em là nắng của một thời còn mưa

Một thời kẻ đón người đưa

Vào chùa mới biết sân chùa lắm rêu.

nguyenphap