Bà Suu Kyi lần đầu tiên ra hầu tòa sau cuộc đảo chính ở Myanmar

24/05/2021 16:29

(CLO) Nhà lãnh đạo bị phế truất của Myanmar Aung San Suu Kyi lần đầu tiên xuất hiện tại phiên tòa hôm thứ Hai (24/5) kể từ khi chính phủ của bà bị quân đội lật đổ trong cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2.

Bà Aung San Suu Kyi lần đầu ra hầu tòa kể từ sau cuộc đảo chính ngày 1/2 - Ảnh: Reuters

Bà Aung San Suu Kyi lần đầu ra hầu tòa kể từ sau cuộc đảo chính ngày 1/2 - Ảnh: Reuters

Bài liên quan

Myanmar: Quân đội chính phủ thiệt hại trước phiến quân

Hơn 125.000 giáo viên Myanmar bị đình chỉ vì phản đối đảo chính

Hơn 15.000 người Myanmar tháo chạy đến bang biên giới Ấn Độ

Luật sư Thae Maung Maung cho biết bà Suu Kyi trông có sức khỏe tốt và tổ chức một cuộc gặp trực tiếp với đội ngũ pháp lý của bà trong khoảng 30 phút trước phiên điều trần.

Bà Suu Kyi, 75 tuổi, người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1991 vì những nỗ lực xây dựng nền dân chủ, nằm trong số hơn 4.000 người bị giam giữ kể từ cuộc đảo chính. Bà phải đối mặt với các cáo buộc từ sở hữu bất hợp pháp bộ đàm cho đến vi phạm luật bí mật nhà nước.

Nhà lãnh đạo bị lật đổ đã "chúc mọi người sức khỏe tốt" trong cuộc gặp gỡ với các luật sư của mình và cũng đề cập rõ ràng đến đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà có thể sớm bị giải tán.

“Bà ấy nói đảng được thành lập vì người dân nên đảng sẽ vẫn trường tồn miễn là người dân còn tồn tại”, luật sư Thae Maung Maung nói.

Ủy ban bầu cử do chính quyền quân sự chỉ định của Myanmar sẽ giải tán đảng chính trị của bà Suu Kyi vì gian lận phiếu bầu trong cuộc bầu cử vào tháng 11, truyền thông đưa tin hôm thứ Sáu (22/5), dẫn lời một ủy viên, người đã đe dọa hành động chống lại "những kẻ phản bội" có liên quan.

Trước đó, quân đội tuyên bố gian lận đã xảy ra trong một cuộc bầu cử mà đảng của bà Suu Kyi được tuyên bố giành chiến thắng vào tháng 11/2020. Nhưng các cáo buộc đã bị ủy ban bầu cử cũ bác bỏ.

Ngày 20/5, trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với truyền thông nước ngoài kể từ sau cuộc đảo chính, lãnh đạo quân đội Min Aung Hlaing cũng cho biết bà Suu Kyi có sức khỏe tốt khi ông phản bác về số người bị lực lượng an ninh giết trong các cuộc biểu tình kể từ cuộc đảo chính.

Theo Thống tướng Min Aung Hlaing, con số thương vong thực tế là khoảng 300 người và 47 cảnh sát cũng đã thiệt mạng. Trong khi đó, con số mà Hiệp hội tù nhân chính trị cho biết, ít nhất 800 người biểu tình đã thiệt mạng trong đó có hơn 50 trẻ nhỏ và hơn 3.800 người bị bắt giam.

Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội nắm quyền, với các cuộc biểu tình, tuần hành và đình công hàng ngày trên toàn quốc chống lại quân đội chính phủ, đã đáp trả bằng vũ lực sát thương khiến hàng trăm người thiệt mạng và châm ngòi cho cuộc nội chiến với hàng loạt nhóm vũ trang nổi dậy chống chính phủ.

Mỹ và châu Âu đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt nhắm vào các cá nhân và thực thể liên quan tới quân đội, trong khi ASEAN và các tổ chức quốc tế cũng đã gây sức ép để chính quyền quân sự chấm dứt bạo lực, thả những người bị bắt và đưa Myanmar trở lại chế độ dân sự. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo quân đội sẽ thay đổi quan điểm.

Chấn Phong