Bà Suu Kyi bị xét xử vì tội gây rối tại tòa án quân sự

16/06/2021 09:25

(CLO) Nhà lãnh đạo Myanmar bị phế truất Aung San Suu Kyi đã bị đưa ra xét xử vì tội gây rối tại một tòa án quân sự hôm thứ Ba (15/6), hơn 4 tháng sau khi chính phủ của bà bị lật đổ trong một cuộc đảo chính khiến đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Cựu Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi đã bị xét xử tại một tòa án quân sự ngày hôm qua (15/6) - Ảnh: Reuters

Cựu Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi đã bị xét xử tại một tòa án quân sự ngày hôm qua (15/6) - Ảnh: Reuters

Bài liên quan

LHQ cảnh báo có hàng nghìn người chết đói ở Myanmar

Myanmar: Bà Suu Kyi yêu cầu luật sư cung cấp tiền và thức ăn

ASEAN kêu gọi Trung Quốc hợp tác về Myanmar

Theo luật sư Min Soe, bà Suu Kyi xuất hiện trong tình trạng sức khỏe tốt tại phiên điều trần ở thủ đô Naypyidaw do quân đội đứng ra làm chứng chống lại bà về các cáo buộc gây rối và xúi giục nổi loạn.

Tòa án cũng đã nghe lời khai về một cáo buộc riêng khác khi bà Suu Kyi đã vi phạm các hạn chế virus Corona trong cuộc bầu cử năm ngoái mà đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà đã giành chiến thắng ấn tượng.

Kể từ sau cuộc đảo chính hồi tháng 2, bà San Suu Kyi bị quản thúc tại gia đồng thời phải đối mặt với hàng loạt cáo buộc, bao gồm chấp nhận thanh toán vàng bất hợp pháp và vi phạm luật giữ bí mật thời thuộc địa.

Nếu bị kết tội về mọi tội danh, bà San Suu Kyi, người đoạt giải Nobel và biểu tượng dân chủ, có thể bị bỏ tù hơn 10 năm.

Hiện bà Suu Kyi cũng phải đối mặt với một cáo buộc vi phạm luật giữ bí mật từ thời thuộc địa trong một vụ án khác đang được xét xử tại tòa án ở trung tâm thương mại Yangon.

Trong ngày hôm qua (15/6), cựu Tống thống Win Myint và Tiến sĩ Myo Aung, một lãnh đạo cấp cao của NLD cũng bị xét xử vì tội xúi giục nổi loạn và đã xuất hiện bên cạnh bà Suu Kyi.

Luật sư Min Mon Soe, phiên tòa sẽ tiếp tục diễn ra vào tuần tới.

Các nhà báo bị cấm tham dự phiên tòa ở thủ đô do quân đội tổ chức, khi chỉ có một thẩm phán, hai thư ký có mặt cùng với một nhân chứng và các luật sư bào chữa và công tố. Một phóng viên AFP cho biết, cảnh sát hiện diện dày đặc xung quanh khu nhà.

Sau cuộc đảo chính ngày 1/2, các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ quy mô lớn chống lại các tướng lĩnh đã vấp phải sự đàn áp mạnh mẽ từ quân đội mà một nhóm giám sát cho biết hơn 850 người đã thiệt mạng sau các cuộc đụng độ. 

ASEAN và cộng đồng quốc tế đang nỗ lực để giúp Myanmar thoát khỏi bất ổn chính trị, dẫn đến cuộc khủng hoảng tị nạn và nhân quyền mà theo LHQ, hàng ngàn người Myanmar đang đối mặt với nạn đói khi xung đột leo thang giữa quân đội chính phủ và các lực lượng phiến quân ly khai. 

Chấn Phong