Chủ tịch VIAC Vũ Tiến Lộc: Trong bối cảnh khẩn cấp, thời gian là yếu tố quan trọng hàng đầu để cứu doanh nghiệp
(CLO) Đánh giá Chính phủ đã đưa ra quyết sách khó khăn nhưng hợp lẽ khi chuyển chiến lược sang sống chung với dịch, đại biểu Quốc hội, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VIAC cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo, có các biện pháp nởi lỏng giãn cách bởi đó chính là “cỗ máy trợ thở” lớn nhất của doanh nghiệp.
Lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ
Cùng với thực hiện quyết liệt công tác phòng chống dịch, Chính phủ nhiệm kỳ mới tiếp tục xác định thực hiện “mục tiêu kép” trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2021 – 2025. Hàng loạt các biện pháp mạnh mẽ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn, phục hồi, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa.
Bài liên quan
Để sẵn sàng “sống chung” với dịch bệnh
Hà Nội không vì quá “sợ sệt” mà không mở cửa cho người dân sản xuất, kinh doanh
Kịch bản nào để Hà Nội “mở cửa” trở lại?
Thủ tướng đã ký ban hành Quyết định 1447/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Chính phủ đã rất chủ động ban hành các biện pháp hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp nhằm vượt qua những khó khăn như Nghị định 52, Nghị định 75, các Nghị quyết 84/NQ-CP, Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết 68/NQ-CP và cắt giảm nhiều thủ tục hành chính. Một số chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đã có kết quả như chính sách cho vay doanh nghiệp (hoãn giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí).
Gần đây nhất, vào ngày 09/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Đến ngày 21/9/2021, Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị 26/CT-TTg về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Đặc biệt, Chính phủ đã chuyển chiến lược chống dịch từ việc “be bờ” chặn dịch sang “sống chung” với dịch bệnh. Đây có thể coi chính là bước ngoặt về công tác phòng chống dịch trong bối cảnh mới nhằm phục hồi, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Tại các cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn cầu thị lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và cũng thấu hiểu, chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Điều được Thủ tướng nhấn mạnh, mong muốn các doanh nghiệp chia sẻ là tinh thần “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ”, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, đáp ứng trong điều kiện cho phép.

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Đại biểu Quốc hội Khoá XV.
Quyết sách khó khăn nhưng hợp lẽ
Tôi vừa chủ trì Hội nghị xúc tiến lớn với các nhà đầu tư vào TP. Hồ Chí Minh thì thấy tín hiệu tích cực là các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào khả năng kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam. Việt Nam vẫn được xác định là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư hàng đầu trên thế giới".
Trao đổi với phóng viên Nhà báo và Công luận, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Đại biểu Quốc hội Khoá XV cho biết, từ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nỗ lực của các Bộ ngành, địa phương, công tác phòng chống dịch đã đạt được những kết quả quan trọng tại các trung tâm đô thị và các trung tâm lớn nhất của cả nước. Độ bao phủ vaccine cũng đã trải rộng hơn.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, đây cũng chính là lúc thích hợp để Chính phủ ra một quyết sách khó khăn nhưng hợp lẽ là: Nới lỏng các biện pháp giãn cách, mở cửa thị trường, để tái khởi động nền kinh tế, phục hồi doanh nghiệp.
“Chiến lược phòng, chống dịch đã có những chuyển hướng quan trọng từ chủ trương bao vây, phong toả, loại trừ F0 bằng mọi giá, chuyển sang chủ động, sống chung với dịch. Ưu tiên chống dịch nhưng cũng phải bảo đảm hài hoà với duy trì tăng trưởng, lo sinh kế và bảo đảm cuộc sống của người dân. Đây chính là quyết sách quan trọng, kịp thời, phù hợp được Chính phủ đưa ra trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đã xác định sống chung với dịch”, Chủ tịch VIAC nói.
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, tiếp theo các gói giải pháp được ban hành thì Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ ngày 9/9/2021 là gói giải pháp mới, đồng bộ, toàn diện để hỗ trợ cho doanh nghiệp và các hộ kinh doanh, khởi động phục hồi nền kinh tế.
Theo đó, các biện pháp tài khoá và tiền tệ với phương châm: Giãn, hoãn, miễn, giảm thuế, giá, phí, lãi suất ngân hàng…tiếp tục được bổ sung trên diện rộng. Các Hiệp định thương mại tự do đi vào thực hiện. Các nền tảng xúc tiến thương mại đầu tư được đẩy mạnh để yểm trợ cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường, khôi phục lại các chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Các cải cách về thủ tục hành chính được thực hiện, Chính phủ điện tử được gia tốc, tạo một môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Đầu tư công được đẩy mạnh kỳ vọng sẽ tạo ra sức lan toả trong đầu tư toàn xã hội, một số hợp đồng đối tác công tư được triển khai… “Đó chính là những nỗ lực rất đúng hướng, rất đáng hoanh nghênh của Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Việc bao phủ vaccine là điều kiện tiên quyết để sớm mở cửa trở lại, khôi phục sản xuất kinh doanh.
“Cỗ máy trợ thở” lớn nhất của doanh nghiệp
Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, “cỗ máy trợ thở” lớn nhất và gói hỗ trợ kinh tế lớn nhất lúc này đối với các doanh nghiệp, chính là các biện pháp nới lỏng giãn cách, mở thị trường, tạo điều kiện cho sản xuất có thể vận hành, hoàng hoá được lưu thông.
Cụ thể, Chủ tịch VIAC đưa ra 3 lý do chính, đó là: “Binh pháp” chống dịch đã thay đổi. Sức chống chịu của hệ thống, không chỉ của doanh nghiệp mà còn của xã hội, của người dân, của ngân sách Nhà nước đã gần tới ngưỡng tới hạn. Và kết quả phòng chống dịch bệnh đã khả quan hơn rất nhiều khi một số địa phương đã và đang trở lại trạng thái bình thường mới.
Ông Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, điều then chốt lúc này là phải điểu chỉnh theo hướng linh hoạt hơn, cởi mở hơn các quy định của chính ngành Y tế đối với việc phòng chống dịch bệnh. Các biện pháp quá chặt chẽ và gắt gao chỉ thích hợp khi dịch bệnh đang ở giai đoạn bùng phát mạnh mẽ, còn giai đoạn hiện nay thì khi đã kiềm chế được dịch bệnh và đang đẩy mạnh tiêm chủng vaccine, thì có thể cởi mở hơn.
“Thủ tướng đã nêu một ví dụ rất điển hình: Tại sao chỉ một xã có F0 mà đóng cửa cả huyện. Tại sao chỉ một người đau mà bắt cả làng uống thuốc”, Chủ tịch VIAC nêu rõ.

Doanh nghiệp mong muốn kế hoạch, lộ trình mở cửa kinh tế cụ thể càng sớm để khôi phục hoạt động. Ảnh: Hoàng Triều
Nhấn mạnh các ưu tiên cần thiết để thực hiện mục tiêu kép, ông Vũ Tiến Lộc đề nghị: Cần tái cấu trúc lại Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, bổ sung các lượng kinh tế vào Ban chỉ đạo để mọi quyết sách của chúng ta ở cấp cao nhất đều được cân nhắc, thấu đáo cả ở trên hai khía cạnh Y tế và Kinh tế, thậm chí cả Y tế, Kinh tế và Xã hội để đảm bảo chống dịch bền vững.
Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nên được tích hợp vào Ban chỉ đạo Quốc gia và hoạt động như một phân ban của Ban chỉ đạo này mà không phải thực thể riêng. Và tốt nhất là đổi tên Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 thành Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 và phục hồi nền kinh tế vì hai nhiệm vụ này cần phải được bảo đảm song hành.
Tiếp tục đơn giản hoá điều kiện và thủ tục tiếp cận. Giải cứu doanh nghiệp trong bối cảnh khẩn cấp thì yếu tố thời gian là quan trọng hàng đầu. “Sớm một ngày thì cứu được hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp, chậm một ngày thì có hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp đã ra đi”, ông Vũ Tiến Lộc nói.
Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, Quốc hội, Chính phủ nên bổ sung một số giải pháp khác nữa để cứu doanh nghiệp. Ví dụ nên giảm thuế giá trị gia tăng trên diện rộng, giảm tiền thuê đất, giảm phí công đoàn, giảm giá điện…, bổ sung gói hỗ trợ lãi suất của ngân sách để giúp các ngân hàng giảm lãi suất cho vay chứ không chỉ “phó mặc” nỗ lực hạ lãi suất của chính bản thân các ngân hàng.
Quốc Trần