"Bom nợ" Evergrande tác động gì đến bất động sản Việt Nam?

02/10/2021 17:00

(CLO) Dù không tác động trực tiếp, song các chuyên gia nhận định "quả bơm nợ" Evergrande là bài học cảnh báo các rủi ro tiềm ẩn cho Việt Nam do có rất nhiều tương đồng về cấu trúc thị trường địa ốc.

Bất động sản Việt Nam không chịu tác động trực tiếp của "quả bom nợ" Evergrande

Thời gian qua, sự kiện công ty bất động sản lớn thứ hai của Trung Quốc là Evergrande có khoảng nợ khổng lồ hơn 300 tỷ USD, đứng trên bờ vực phá sản được giới tài chính vô cùng quan tâm.

bom no evergrande tac dong gi den bat dong san viet nam hinh 1

Bất động sản Việt Nam không chịu tác động trực tiếp của "quả bom nợ" Evergrande

Bài liên quan

Trung Quốc đẩy mạnh chống tham nhũng khi cuộc khủng hoảng Evergrande lan rộng

Chủ doanh nghiệp ngậm ngùi bán nhà, bán Porsche để trả lương nhân viên vì bom nợ Evergrande

China Evergrande lỡ thời hạn thanh toán trái phiếu, nguy cơ vỡ nợ lớn

Trung Quốc lên phương án chuẩn bị cho sự sụp đổ của Evergrande

Chia sẻ tại Talkshow "Nhìn từ vụ Evergrande đến tương lai thị trường bất động sản Việt Nam", TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, nhận định "quả bom nợ" Evergrande có phần xuất phát từ việc chính quyền Trung Quốc đưa ra chính sách ba "lằn ranh đỏ" nhằm quản lý thị trường đất đai, kiểm soát giá nhà và phân bổ tín dụng cho thị trường bất động sản. Nếu doanh nghiệp không đáp ứng được sẽ bị hạn chế vay tiền từ ngân hàng.

Trong khi đó, Evergrande sử dụng đòn bẩy tài chính với tỷ lệ lên tới 6/1. Thế nên, nguy cơ đổ vỡ của doanh nghiệp này là cực kỳ lớn nếu không được Chính phủ Trung Quốc cứu vớt.

"Evergrande sụp đổ hay không, giờ đây hoàn toàn phụ thuộc vào chính quyền, bản thân Evergrande đã không thể tự cứu mình", ông Hiếu nói.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, nếu Evergrande có sụp đổ cũng sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường bất động sản Việt Nam, mà có thể chỉ ảnh hưởng gián tiếp.

bom no evergrande tac dong gi den bat dong san viet nam hinh 2

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển - Ảnh chụp màn hình

Đồng quan điểm, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cũng nhận định thị trường bất động sản Việt Nam sẽ không chịu tác động trước "quả bom nợ" Evergrande.

Ông Hiển cho biết, hiện tại các nhà đầu tư trực tiếp nắm cổ phiếu, trái phiếu và khách hàng mua nhà của Evergrande như đang "ngồi trên đống lửa". Các tổ chức tài chính và truyền thông lớn trên thế giới cũng đang e ngại tác động dây chuyền khiến toàn bộ thị trường bất động sản và hệ thống tài chính Trung Quốc suy sụp và kéo theo hệ thống tài chính thế giới.

"Tầm cỡ như Evergrande với 300 tỷ USD nợ trái phiếu, chiếm 16% tổng nợ trái phiếu Trung Quốc dù có sụp đổ cũng không ảnh hưởng đến kinh tế và thị trường bất động sản Trung Quốc thì Việt Nam càng không phải lo", ông Hiển trấn an.

Cảnh báo rủi ro tiềm ẩn cho thị trường Việt Nam

Dù không gây ảnh hưởng trực tiếp, song các chuyên gia cho rằng khủng hoảng nợ hàng trăm tỷ USD của Evergrande là bài học cảnh báo các rủi ro tiềm ẩn cho Việt Nam do có rất nhiều tương đồng về cấu trúc thị trường địa ốc.

"Bất động sản ở Việt Nam cũng tương tự như Trung Quốc. Các doanh nghiệp bất động sản cũng có thể huy động vốn từ người dân theo những phương pháp bán bất động sản hình thành trong tương lai và khách hàng đóng tiền theo tiến độ xây dựng. Nếu doanh nghiệp bất động sản vỡ nợ, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế, các chủ nợ và khách hàng đã bỏ tiền vào dự án. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần rút ra bài học từ vụ việc này", TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích.

bom no evergrande tac dong gi den bat dong san viet nam hinh 3

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu - Ảnh chụp màn hình

Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 đã có quy định bảo lãnh bán nhà hình thành trong tương lai để tăng thêm một hàng rào bảo vệ cho người mua nhà trên giấy. Song, thực tế từng xảy ra trường hợp không ít dự án công bố có bảo lãnh ngân hàng nhưng khi xảy ra sự cố, người mua nhà lại mất trắng và không được bảo vệ.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định, rủi ro của ngành bất động sản luôn song hành cùng với rủi ro của nền kinh tế. Quý III GDP của Việt Nam giảm mạnh do tác động nặng nề của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư cho thấy bất động sản khó có thể trông chờ vào lực đỡ của nền kinh tế để vực dậy sau 2 năm gồng mình chống dịch.

"Nợ xấu bất động sản sẽ tăng lên, doanh nghiệp địa ốc ồ ạt phát hành trái phiếu thời gian qua cũng có thể tạo ra hệ lụy khó lường. Ngành địa ốc vẫn dùng vốn vay ngắn hạn để đầu tư trung và dài hạn cũng đáng quan ngại", ông Hiếu cảnh báo.

Cùng với đó, TS Đinh Thế Hiển dự báo, sang quý IV, trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam sớm tăng tốc và duy trì được sự ổn định, thị trường bất động sản phải cần ít nhất 6 tháng để tìm lại đà phục hồi. 

Ông Hiển khuyến nghị các nhà đầu tư trung và dài hạn có thể lựa chọn những bất động sản có vị trí đắc địa và tiềm năng để đầu tư.

Kỳ Hoa