Thanh khoản nhà ở tại TP. HCM giảm mạnh

18/04/2022 17:09

(CLO) Dù tăng cả về nhu cầu mua lẫn bán, song thị trường bất động sản TP. HCM vẫn gặp nhiều khó khăn về thanh khoản. Nhiều người mong muốn "săn" được nhà với mức giá rẻ hơn hiện tại.

Rao bán căn hộ 2 phòng ngủ rộng 58m2 tại phường Phước Long B, TP. Thủ Đức, TP. HCM từ cuối năm ngoái, song đến nay gia đình anh Nguyễn Đình Trung (38 tuổi) vẫn chưa tìm được khách mua.

thanh khoan nha o tai tp hcm giam manh hinh 1

Ảnh minh hoạ

Bài liên quan

Quảng Ninh tăng cường quản lý thị trường bất động sản

Cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản hãm đà tăng, VN-Index 'bốc hơi' 14 điểm

Quý II/2022 là 'điểm rơi' của bất động sản nghỉ dưỡng?

Hà Nội quyết tâm chống thất thu thuế bất động sản

"Khách gọi đến hỏi thì nhiều nhưng muốn hạ giá xuống khoảng 5-10%, nếu tôi không chịu thì đa phần từ chối đến xem nhà. Dù có bỏ tiền thuê môi giới nhưng thật sự rất khó bán. Nhưng tôi sẽ chờ dịch bệnh ổn định hơn, thị trường hồi phục để bán được giá mà mình mong muốn”, anh Trung nói.

Cùng cảnh ngộ, anh Trần Văn Diện, môi giới tự do cho biết nhận ký gửi 7 căn nhà ở quận Gò Vấp, Phú Nhuận (TP. HCM) từ trước Tết. Tuy nhiên, đến nay anh chỉ mới bán được 2 căn.

Dữ liệu từ chuyên trang bất động sản Chợ Tốt Nhà cho thấy, lượng tin đăng bán các căn hộ tại TP. HCM trong tháng 3 tăng khoảng 12% so với tháng trước. Nhu cầu tìm mua căn hộ cũng tăng trung bình 35% so với 2 tháng đầu năm. Tỷ lệ liên lạc với người rao bán đồng thời tăng mạnh trong tháng 3.

Song, về tính thanh khoản, báo cáo quý I/2022 của DKRA chỉ ra, ngoại trừ phân khúc đất nền tăng nhẹ 6% lượng tiêu thụ so với quý trước và cùng kỳ 2021, thị trường căn hộ và nhà phố, biệt thự đều gặp khó. Tính cả địa bàn TP. HCM và các tỉnh giáp ranh, chưa đầy 2.600 căn hộ được tiêu thụ trong 3 tháng đầu năm, chỉ bằng 45% quý trước và bằng 59% cùng kỳ năm 2021.

Thậm chí, mức hấp thụ ở thị trường nhà phố, biệt thự chỉ khoảng hơn 430 căn, tương đương 18% quý IV/2021 và bằng 65% cùng kỳ năm ngoái. 

Có thể thấy, nhu cầu tìm mua nhà để ở và đầu tư của người dân đều không thiếu. Song, nhiều người vẫn mong muốn "săn" được bất động sản với mức giá rẻ hơn hiện tại.

Theo báo của của CBRE, phân khúc cao cấp tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường kể từ năm 2020 với tỷ trọng hơn 50% nguồn cung mới. Các phân khúc từ cao cấp trở lên mở rộng địa bàn hoạt động khiến căn hộ trung cấp và bình dân dần vắng bóng tại thị trường TP. HCM, buộc người mua nhà phải chấp nhận mức giá cao hơn hoặc chuyển hướng tìm kiếm sang các địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai và xa hơn.

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam nhận định, xung đột thế giới đã phần nào tạo ra tâm lý lo sợ sẽ xuất hiện lạm phát. Sức mua sẽ có suy giảm trong tình trạng lạm phát tăng quá mạnh, ngược lại sẽ rất tốt nếu cân bằng được lạm phát dưới 2 con số. Lúc đó, sức mua bất động sản sẽ tăng mạnh.

Theo ông, người dân sẽ có tâm lý tìm kênh trú ẩn như vàng, USD và một phần tích trữ vào bất động sản, thanh khoản của thị trường bất động sản sẽ tốt hơn.

Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam đồng thời cho rằng, nhiều chính sách của Chính phủ cũng đang giúp cho sự phục hồi và tăng trưởng của toàn thị trường bất động sản. Từ vốn đầu tư công tập trung hạ tầng đến dòng tiền từ FDI, việc kiềm chế lạm phát, kiểm soát tín dụng bất động sản ổn định cũng giúp thị trường bất động sản duy trì sức “nóng” và vững vàng hơn trong thời gian tới.

Kỳ Hoa