Triển khai Quy hoạch để nâng cấp TP.HCM thành một siêu đô thị đúng nghĩa
(NB&CL) Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt khi chúng ta đang quyết liệt triển khai việc sáp nhập các đơn vị hành chính các cấp.
PGS-TS Phạm Thị Thanh Xuân, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ ngân hàng thuộc Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã trao đổi cùng phóng viên Báo Nhà báo và Công luận xung quanh việc triển khai quy hoạch này trong bối cảnh mới.
Triển khai quy hoạch để nâng cấp TP.HCM thành một siêu đô thị
+ Thưa bà, hiện dư luận đang thảo luận về phương án sáp nhập Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương vào TP.HCM. Việc này có ảnh hưởng đến Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thưa bà?
- Chắc chắn sẽ có, dù tôi nghĩ rằng nỗi lo từ những thay đổi đó không đáng kể so với sự lạc quan, phấn khởi. Chúng ta đều biết rằng dù là TP.HCM hay Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu thì đều đã có quy hoạch giai đoạn đến 2030 tầm nhìn 2050. Quy hoạch của các tỉnh, thành này ngoài việc nhắm tới những yếu tố tác động và nhu cầu nội tại, thì cũng tính toán kỹ đến các khả năng liên kết vùng, chia sẻ và tận dụng thế mạnh của các tỉnh, thành xung quanh, thậm chí của cả vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên… Vì vậy, tôi nghĩ quy hoạch TP.HCM sau khi mở rộng địa giới hành chính (nếu có) cũng sẽ thụ hưởng những giá trị nền tảng nhất định về mặt tổng thể từ các bản quy hoạch hiện có.
.jpg)
Tuy nhiên, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng chủ trương của Đảng, Nhà nước khi sáp nhập TP.HCM với các tỉnh, thành khác không chỉ đơn thuần nhằm mở rộng địa giới hành chính, tinh giản bộ máy, mà trên hết mà phát huy hết tiềm năng, tận dụng được nguồn lực của TP và các tỉnh, thành xung quanh để tạo nên một siêu đô thị (megacity) đúng nghĩa. Nói nôm na, không phải nhập tỉnh cơ học, mà là nâng cấp TP.HCM thành một siêu đô thị có thể sánh vai với những siêu đô thị khác tại khu vực, thậm chí là với một số siêu đô thị nổi tiếng trên thế giới. Vì vậy, quy hoạch TP.HCM cần phải nhìn vào “đề bài” tổng thể ấy.
+ “Tăng trưởng 2 con số” là điều mà nhiều người đã thảo luận từ năm 2024, đặc biệt là đầu năm 2025 sau khi Quy hoạch TP được Thủ tướng phê duyệt. Liệu rằng khi TP.HCM mở rộng địa giới hành chính, mục tiêu này sẽ thuận lợi hơn?
- Về lý thuyết trước đây là như vậy, nhưng thực tế hiện nay thế giới xuất hiện nhiều biến động, đồng thời việc xây dựng một siêu đô thị TP.HCM sau sáp nhập cũng cần được nhìn rộng ra khỏi những chỉ tiêu GRDP, tức là mục tiêu sẽ còn rộng hơn.
Tôi lấy ví dụ, sau khi Chính phủ Mỹ đưa thông tin về lệnh áp thuế đối ứng với hàng chục quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam thì ngay lập tức, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đã đưa ra ba kịch bản về tăng trưởng trong năm 2025, với kịch bản thấp nhất ở mức khoảng 4,63 - 5,75%, trong khi lạc quan nhất thì TP tăng trưởng 7,37 - 8,49%. Trong khi chính phủ Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu từ bỏ các chính sách áp thuế, thì chiến tranh Nga - Ukraine, Trung Đông… vẫn diễn ra. Thị trường chứng khoán Mỹ, Châu Á chứng kiến những ngày “rực đỏ” chưa từng có tiền lệ trong nhiều năm qua. Trước những biến động ấy, việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, điều chỉnh các chính sách an sinh xã hội là điều hiển nhiên.
Giải quyết “điểm nghẽn” bằng tư duy cởi mở
+ Mục tiêu phát triển tổng thể trong Quy hoạch TP.HCM giai đoạn từ nay đến 2030 và tầm nhìn 2050 theo bà cần chú trọng yếu tố nào?
- Khi quy hoạch TP.HCM thành một siêu đô thị, các chỉ số như GRDP cũng là mục tiêu quan trọng, nhưng tổng thể theo tôi nghĩ vẫn là thu nhập của người dân, doanh nghiệp. Làm sao để thu nhập người dân phải tăng hơn, làm sao để lợi ích của doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ trọng cao hơn trong mua - bán, xuất khẩu hàng hóa.

Tôi xin mượn lại câu hỏi của Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI hồi tháng 1/2025: “Một cái áo bán ra mà thiết kế, vải, nhuộm, chỉ, cúc đều của người khác thì mình được bao nhiêu? Có chăng chỉ là công lao động và sự ô nhiễm môi trường?”. Quy hoạch TP.HCM phải hướng tới thu nhập bình quân đầu người cao hơn, giá trị đóng góp của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng hàng hóa thế giới phải cao hơn.
Ngoài ra, quy hoạch và phát triển một siêu đô thị không thể thành công nếu không giải quyết được các bài toán về an ninh cho người dân, doanh nghiệp. An ninh ở đây không chỉ là quân sự, mà còn là khả năng phản ứng nhanh, thích ứng kịp thời trước các biến động xảy ra nội tại của TP như môi trường, thiên tai, địch họa; mà còn trước các rủi ro ngoại sinh như chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ kinh tế…
Muốn vậy, phải giải quyết bài toán hạ tầng cứng phối hợp hạ tầng mềm. Hạ tầng cứng không chỉ là giao thông hay điện nước, mà phải là một hệ thống kết cấu phức hợp gồm: hạ tầng kỹ thuật số, cấu trúc động lực kinh tế, không gian an ninh, không gian sinh thái và cả cấu trúc dân số, con người. Hạ tầng mềm là các cơ chế, chính sách để vận hành hạ tầng cứng một cách hiện đại, hiệu quả nhất. Khi đó, quy hoạch TP.HCM mở rộng không đơn giản là nới rộng đất hay di dời nhà máy, mà là tạo điều kiện để hệ thống hạ tầng này thoát khỏi cái vỏ cũ kĩ đang trói chặt sự phát triển.

+ Có thể hình dung khi thực hiện Quy hoạch TP.HCM trong bối cảnh mới, tức là khi sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính, thì việc giải quyết các điểm nghẽn hiện nay của TP.HCM sẽ như thế nào?
- TP.HCM hiện nay có một số điểm nghẽn lớn, như hạ tầng giao thông, nhà ở và môi trường. Tôi nghĩ quy hoạch TP.HCM sẽ hiệu quả nếu đảm bảo được một tư duy cởi mở, bao gồm sự phối hợp giữa hai trụ cột là Quy hoạch không gian kinh tế và đảm bảo không gian an ninh cho người dân. Để làm được điều đó hiệu quả thì ngoài việc xây dựng cơ chế thông thoáng, cởi mở, còn phải đầu tư vào hạ tầng, công nghệ một cách thông minh.
Ví dụ, bài toán rác thải và môi trường trong một siêu đô thị không đơn thuần được giải quyết bằng các quy định pháp luật, hay giáo dục hành vi như lâu nay, mà phải đưa công nghệ hiện đại vào, bởi vì thay đổi hành vi là quá khó trong một đô thị bận rộn như TP.HCM. Trong khi đó, công nghệ càng cao, càng tự động hóa thì càng thân thiện với người dân. Đây chính là ngành sinh lợi kép: vừa giải quyết vấn đề xã hội, vừa mở ra cơ hội kinh tế.
Điều tôi muốn nhấn mạnh đó là khi bàn đến tầm nhìn dài hạn cho siêu đô thị, đừng chỉ dừng lại ở những bài toán thiết yếu như giao thông, rác thải hay nhà ở. Những yếu tố đó tất nhiên quan trọng, nhưng tầm nhìn thực sự thú vị chính là ở chỗ: Làm sao để một siêu đô thị vừa là trung tâm phát triển, vừa là nền tảng vững chắc cho an ninh tương lai, khả năng tự chủ và là một trụ cột cho sức mạnh tổng thể của quốc gia, trong cả những giai đoạn đất nước gặp nhiều thách thức.
+ Xin cảm ơn bà!