Công tác hội

Bài 3: Khi hội viên linh hoạt trong ứng dụng AI vào tác nghiệp

Lê Tâm 18/04/2025 22:39

(CLO) Từ chưa biết đến trí tuệ nhân tạo (AI), biết sơ qua tại các hội nghị, hội thảo cho đến tò mò dùng thử xem ra sao, giờ đây qua các lớp tập huấn về ứng dụng AI nhiều hội viên nhà báo đã coi việc sử dụng AI là hoạt động thường xuyên, một phần không thể thiếu trong quá trình tác nghiệp.



Chương trình tập huấn gắn chặt với thực hành

Tham gia các lớp học về sản xuất tác phẩm báo chí trên nền tảng số do Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội, sau đó các buổi tập huấn về ứng dụng Al vào làm báo đa phương tiện do Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) tổ chức nhà báo Duy Khánh – Chi hội Nhà báo Báo Kinh tế & Đô thị đã dần hiểu những kiến thức và sử dụng được AI.

Hội Nhà báo Nghệ An tập huấn
Hội Nhà báo Nghệ An tập huấn "Kỹ năng Sản xuất và Phát triển Nội dung Báo chí, ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo AI". Ảnh: NTV

Qua các lớp học anh được các giảng viên giới thiệu và hướng dẫn cách sử dụng các công cụ như: ChatGPT, NotebookLM, Canva, Capcut... vào quá trình tác nghiệp báo chí đa phương tiện. Nhờ học và thực hành ngay anh đã biết cách dùng AI để tối ưu tiêu đề, từ khóa SEO, sửa lỗi chính tả, tóm tắt nội dung, tự động viết mô tả…

Nhà báo Duy Khánh chia sẻ: “Qua các lớp tập huấn tôi nhận thấy rằng, sử dụng AI không giới hạn về lứa tuổi, giới tính, phóng viên trẻ hay đứng tuổi đều có thể sử dụng. Nó không còn xa vời mà ứng dụng thực tế trong công việc hàng ngày. Bây giờ tôi đều đặn cho ra sản phẩm báo chí với sự hỗ trợ từ AI, nó không khó khăn gì như mọi người nghĩ, có chút đam mê là có thể làm được”.

Giống như tại các hội viên nhà báo ở Hà Nội, tại Nghệ An, vừa qua các khóa học bồi dưỡng về ứng dụng AI trong tác nghiệp báo chí và sử dụng AI vào sáng tạo nội dung số đã được diễn ra sôi nổi. Như lớp học nghiệp vụ tập huấn "Kỹ năng sản xuất và Phát triển nội dung báo chí, ứng dụng AI" do Hội Nhà báo tỉnh vừa phối hợp tổ chức. Nội dung chương trình tập huấn gắn chặt với thực hành, thiết thực, giảng viên giảng dạy theo hướng cầm tay chỉ việc vì thế mặc dù diễn ra trong 2 ngày cuối tuần nhưng vẫn thu hút hội viên, gần như không ai bỏ dở.

Sức nóng về chủ đề AI, tại các địa phương cho thấy, ở các cấp hội, khi tổ chức hoạt động nào đó mà hội viên đang rất cần thì lớp học sẽ thu hút đông hội viên, không còn là kiểu chạy đua hình thức, đến điểm danh cho đủ số lượng nữa. Lớp học tổ chức theo kiểu "cầm tay chỉ việc", sự nhiệt tình hướng dẫn của giảng viên đã giúp học viên hiểu được bài học và có thể ứng dụng ngay vào thực tế trong quá trình tác nghiệp.

Ai cũng cảm thấy phấn khởi và vui vẻ khi bản thân mình biết thêm được kiến thức mới, làm chủ được công nghệ tiên tiến, tạo ra thành quả của mình ngay tại lớp học, được vận dụng trực tiếp vào công việc hàng ngày, giúp rút ngắn đáng kể thời gian và công sức.

Sử dụng AI thành phong trào rộng khắp

Cùng với tinh thần ham học hỏi của hội viên, nhiều lớp học về ứng dụng AI được Hội Nhà báo các cấp sắp xếp đội ngũ giảng viên có nhiều kinh nghiệm thực tế tham gia giảng dạy. Họ có những bài giảng mà người làm báo đang cần, điều này “đánh” trúng và đúng nhu cầu đang đặt ra trong quá trình tác nghiệp. Trong lớp học giảng viên so sánh giữa người biết dùng AI và người không dùng, từ đó thấy được tác dụng thật, lợi ích thật.

Nhà báo Ngô Trần Thịnh tham gia giảng dạy tại tập huấn 'Ứng dụng AI, chat GPT trong tác nghiệp báo chí'. Ảnh: NVCC
Nhà báo Ngô Trần Thịnh tham gia giảng dạy tại tập huấn 'Ứng dụng AI, chat GPT trong tác nghiệp báo chí'. Ảnh: NVCC

Nhà báo Ngô Trần Thịnh, Trung tâm Tin tức Đài Truyền hình TP HCM (HTV) cho biết: “Đã có rất nhiều lớp học tôi phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) mà ở đó học viên cho ra sản phẩm ngay tại lớp. Buổi sáng học buổi chiều khi về tòa soạn học viên đã gửi trong nhóm của lớp sản phẩm được tạo ra nhờ sự hỗ trợ từ AI. Chính anh chị nhà báo nhận thấy năng suất, chất lượng được nâng lên rõ rệt. Qua nhiều lớp học và sau một thời gian tôi hỏi lại học viên thì nhận thấy họ sử dụng nhiều hơn so với thời điểm đầu”.

Là người thường xuyên sử dụng AI vào hoạt động tác nghiệp và chia sẻ kinh nghiệm cho các đồng nghiệp, nhà báo Đình Nam, Chi hội Nhà báo Ban Thời sự VOV1 - Liên chi hội nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cho biết: Trong môi trường báo chí hiện đại, tốc độ đưa tin là yếu tố sống còn. AI có thể hỗ trợ phóng viên tra cứu nhanh thông tin, chuyển đổi giọng nói thành văn bản, dịch thuật, thậm chí viết nháp tin tức, giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả công việc. Thêm vào đó, hỗ trợ sản xuất đa nền tảng.

“Tuy nhiên, trong quá trình chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp tôi vẫn nhắc mọi người rằng, AI không thay thế được tư duy báo chí, chưa thể thay thế được cảm xúc, góc nhìn nhân văn, tư duy phản biện và bản lĩnh chính trị những yếu tố cốt lõi tạo nên giá trị của người làm báo. Điều quan trọng là mỗi hội viên cần tạo thói quen sử dụng AI hàng ngày, thực hành ít nhất một thao tác có AI hỗ trợ. Cứ như vậy, sau vài tuần, học viên sẽ có phản xạ tự nhiên khi dùng AI trong mọi tình huống nghề nghiệp. Học ứng dụng AI không chỉ là học dùng công cụ, mà là học cách kết hợp AI vào tư duy và quy trình làm việc của mình. Khi làm được điều đó, học viên sẽ sử dụng AI một cách linh hoạt và hiệu quả trong bất kỳ hoàn cảnh nào”, nhà báo Đình Nam chia sẻ.

Thực tế cho thấy, trước đây chúng ta mới chỉ nói về AI như một thứ chỉ để biết, nhưng đến nay các hội viên nhà báo đều nhận thấy là phải học, phải thực hành để không bị lỗi thời. Việc đào tạo để trang bị kiến thức ứng dụng AI, giờ đây không còn là chỉ bàn mà đã dần trở thành phong trào rộng khắp lan tỏa trong các cấp từ trung ương đến địa phương.

Lê Tâm