Lòng xe điếu và những chiếc thước dây bị lãng quên
(CLO) Mỗi thời, dư luận đều có những mối bận tâm riêng. Hồi đầu năm, dân tình lao vào "săn sale" đất nền. Sang tháng Tư thì rộ lên trào lưu uống collagen chống già. Đến những ngày đầu tháng Năm, mạng xã hội lại bận... đo độ dài của một khúc lòng.
Tất cả bắt đầu từ một video dài chưa tới 2 phút nhưng đủ gây “sóng gió” trên mạng xã hội. Một chủ quán ăn ở Hà Nội trịnh trọng trải bộ lòng xe điếu dài ngoằng trên mâm, nặng tới gần 6kg, tự hào khoe: “Lấy từ một con heo cái hơn 100 ký, hàng nghìn con may ra mới có một”.

Ở trên bàn nhậu, lòng lợn có thể là món gợi nên sự hoài niệm. Nhưng trên mạng xã hội những ngày qua, lòng xe điếu lại gợi ra một câu chuyện dài… như chính khúc lòng 40 mét mà ai đó từng khoe. Có điều, người ta bàn không phải bằng hương vị mà bằng nghi ngờ: Lòng thật hay lòng giả? Đặc sản siêu hiếm hay chiêu trò siêu rẻ?
Và, câu chuyện lòng xe điếu không đơn thuần là chuyện ẩm thực. Nó đang mở ra một lát cắt phơi bày sự bất an trong bữa ăn của người Việt, giữa thời kỳ thực phẩm nhập khẩu đổ bộ, lòng tin thì vơi dần, còn hóa chất thì đầy ắp.
Lời nói gió bay. Nhưng hình ảnh lòng quấn từng vòng như… đường biên trên bản đồ địa chính thì ở lại trong tâm trí nhiều người. Đặc biệt là các bà nội trợ và tín đồ mê lòng lợn. Chỉ sau vài giờ video đăng tải, các hội nhóm “ẩm thực”, “đồ nhà làm”, “sỉ lẻ thực phẩm sạch”… bỗng xuất hiện tràn ngập các bài rao bán: “lòng xe điếu siêu hiếm, siêu to khổng lồ, giá từ 1,2 - 4 triệu đồng/kg”. Có nơi khuyến mại thêm công thức tẩm ướp gia truyền, cam kết “chuẩn lòng nhà nuôi”.
Người ta ví lòng xe điếu như “đặc sản thượng hạng”. Vấn đề là, nếu thực sự hàng nghìn con heo mới có một, thì những chiếc thùng đông lạnh đầy “lòng xe điếu” đóng theo lô 10-20kg, giá chỉ 25.000 đồng/kg như những lời quảng cáo kia, đến từ đâu?
Chúng ta có thể cho qua một quả trứng giả, một miếng chả cá làm từ bột, nhưng lòng xe điếu dài 40m thì buộc phải đặt câu hỏi: Có hay không một thị trường nội tạng song song đang hoạt động mà không ai kiểm soát nổi?
Câu trả lời có thể nằm ở ngành “công nghệ nội tạng giả” đang lặng lẽ hoạt động giữa dòng chảy thị trường.
Theo một số chuyên gia, rất có thể lòng xe điếu đang bị làm giả bằng hóa chất và thủ thuật công nghiệp, chỉ nhằm tăng độ dày và độ… hời cho người bán. Mặt hàng này, xin trích lời Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM vừa mới trả lời phỏng vấn báo chí thì: "Việc mua bán sản phẩm này khả năng là hành vi gian lận thương mại để tăng lợi nhuận, sản phẩm rao bán hàng ngày có thể là giả, được xử lý qua nhiều biện pháp khác nhau, có thể sử dụng hóa chất để làm dày lớp niêm mạc ruột".
Sự thật là thịt lợn và phụ phẩm nhập khẩu đang tràn về Việt Nam với tốc độ phi mã. Theo thống kê sơ bộ của Cục Hải quan, chỉ trong quý I/2025, cả nước đã nhập khẩu tới 34.600 tấn thịt lợn đông lạnh, chi gần 92 triệu USD, với giá nhập trung bình 67.400 đồng/kg, còn rẻ hơn cả thịt lợn hơi nội địa.
Cùng với đó là hàng trăm tấn tràng tơ, nõn đuôi, đầu lòng, tim gan… ào ạt đổ bộ “chợ mạng”, được tiếp thị bằng mọi mỹ từ: “siêu hiếm”, “nội tạng quý”, “hàng nhà làm”… Không ít đầu mối rao có thể cung cấp “hàng tấn nếu cần”.

Thế mới thấy, trong khi siêu thị còn chật vật bán thịt sạch truy xuất nguồn gốc, thì thị trường lòng nhập khẩu đã bước vào thời đại công nghiệp 4.0. Chỉ cần vài cú click, nội tạng ngoại nhập rất nhanh chóng sẽ được chuyển đến tận cửa nhà.
Bây giờ, câu hỏi đặt ra không còn là “lòng xe điếu 40 mét có thật không?”, mà là: Ai đang kiểm soát chất lượng của hàng chục nghìn tấn phụ phẩm này?
Khi mặt hàng "siêu hiếm" bỗng trở thành "siêu phổ biến", phải chăng điều hiếm hoi thực sự là sự vào cuộc nghiêm túc của lực lượng chức năng?
Cơ quan chức năng chắc còn đang lo truy xuất nguồn gốc trái cây không tem, thì giờ phải quay sang “truy xuất lòng lợn không ruột gốc”. Trong khi đó, dân buôn nắm chắc thị trường, giá mềm, nguồn hàng ổn định, giao tận nơi, chẳng khác gì sàn thương mại điện tử ngành phụ phẩm.
Thực sự, người dân không cần một “siêu phẩm lòng” dài như quốc lộ để gây bão mạng. Họ cần lòng thật, sạch, có nguồn gốc rõ ràng. Không ai ăn bằng mắt, cũng không ai đo lòng bằng mét. Nhưng khi niềm tin bị “đông lạnh”, thì dù lòng có thật đi nữa, cũng khó nuốt trôi.
Trong một thời đại mà niềm tin thị trường bị xào nấu bằng quảng cáo, và lòng người bị “tẩm ướp” bằng tin giả, có lẽ điều chúng ta cần nhất lúc này là: Lòng trung thực trong sản xuất. Lòng trách nhiệm trong quản lý. Và lòng cảnh giác của người tiêu dùng.
Đừng để một khúc lòng dài 40 mét đánh lạc hướng sự thật dài 40 năm rằng: An toàn thực phẩm vẫn đang là bài toán đau đầu mà chưa ai giải đến nơi đến chốn.
Còn các nhà quản lý? Xin hãy tạm cất cái thước dây, và mở sổ kiểm tra chất lượng đi.