Xã hội

Chọn tổ hợp môn lớp 10: Đừng để “lệch đường ray” ngay từ ga xuất phát

Văn Hiền 10/07/2025 18:09

(CLO) Lựa chọn tổ hợp môn học ngay từ lớp 10 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 không đơn thuần là bước đầu vào trung học phổ thông, mà còn là “cái gốc” của hành trình học tập và nghề nghiệp sau này. Nếu lựa chọn thiếu định hướng, học sinh có thể “trượt ray” trong xét tuyển đại học, điều đã và đang xảy ra tại nhiều trường học.

Chương trình Giáo dục phổ thông mới quy định 4 môn học bắt buộc gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử và yêu cầu học sinh chọn thêm 4 môn từ nhóm 11 môn học lựa chọn như Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ định hướng công - nông nghiệp, Mỹ thuật, Âm nhạc…

Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng được tự chọn tổ hợp theo đúng sở trường. Trên thực tế, các trường trung học phổ thông phải thiết kế tổ hợp dựa trên năng lực giáo viên, cơ sở vật chất và điều kiện triển khai. Học sinh buộc phải chọn trong số các tổ hợp được nhà trường xây dựng sẵn, khiến việc cá nhân hóa lộ trình học tập gặp nhiều giới hạn.

Trần Văn Quang
Thầy Trần Văn Quang, giáo viên Vật lý, Trường THCS – THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội),

Theo thầy Trần Văn Quang, giáo viên Vật lý, Trường THCS – THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), nhiều học sinh chọn tổ hợp theo bạn bè, theo “phong trào”, hoặc vì “môn nào dễ học” mà chưa cân nhắc đến khả năng, sở thích và mục tiêu nghề nghiệp. Đến khi bước vào lớp 11, 12 mới phát hiện tổ hợp đang học không phù hợp với yêu cầu xét tuyển đại học, hoặc ngành nghề mơ ước.

Có em học tổ hợp Khoa học Xã hội nhưng lại muốn đăng ký ngành Y; có em theo tổ hợp Tự nhiên nhưng năng lực môn Toán lại yếu… Những sai lệch này về lâu dài có thể khiến các em mất phương hướng, rơi vào trạng thái chán nản, học đối phó”, thầy Quang chia sẻ.

Để tránh “lệch đường ray” ngay từ đầu, giáo viên, nhà trường và phụ huynh cần sớm đồng hành cùng học sinh trong lựa chọn tổ hợp môn. Theo thầy Quang, 4 yếu tố then chốt trong tư vấn gồm: Năng lực và sở thích cá nhân để xác định học sinh có thế mạnh và đam mê ở môn học nào. Định hướng nghề nghiệp của các em thông qua tìm hiểu tổ hợp xét tuyển của các ngành đại học mong muốn. Tránh chạy theo ngành “hot” mà thiếu tính bền vững và cuối cùng là khả năng hỗ trợ học thêm, tài chính, định hướng du học…

Giáo viên bộ môn không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn cần là người định hướng, đồng hành cùng học sinh.

Đừng để các em học theo một tổ hợp mà không biết học để làm gì. Học sinh cần được hướng dẫn để lựa chọn có mục tiêu, có kế hoạch và có tương lai”, thầy Quang nhấn mạnh.

z6790049691895_2f05ac7b96ebdf7c0041ebde7e858367.jpg
Giáo dục định hướng nghề nghiệp chỉ thực sự thành công khi học sinh được học đúng theo năng lực, được phát triển toàn diện trong một môi trường linh hoạt, cởi mở và hỗ trợ tích cực từ các bên liên quan.

Từ góc độ chuyên môn, thầy Trần Văn Quang đề xuất các trường cần xây dựng cơ chế phân ban linh hoạt, trong đó cho phép học sinh được điều chỉnh tổ hợp môn trong giai đoạn đầu năm học nếu phát hiện không phù hợp. Việc định hướng cần đặt trọng tâm vào khả năng phát triển lâu dài, tránh tình trạng học sinh học lệch hoặc lựa chọn mang tính đối phó.

Bên cạnh đó, nhà trường cần tăng cường các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, phối hợp với phụ huynh để hỗ trợ học sinh xác định rõ năng lực, thế mạnh và cơ hội phát triển của bản thân.

Chúng ta cần hướng tới một mô hình giáo dục mở, lấy người học làm trung tâm, đồng hành cùng các em trong suốt quá trình hình thành và phát triển định hướng nghề nghiệp”, thầy Quang nhấn mạnh.

Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều chính sách nhằm tăng cường giáo dục hướng nghiệp, đảm bảo việc lựa chọn tổ hợp môn học có tính kết nối với nhu cầu thị trường lao động.

Trong đó, Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT quy định rõ việc xây dựng kế hoạch giáo dục của các trường phổ thông cần bảo đảm tính định hướng nghề nghiệp, có sự tham gia của chuyên gia, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đại học.

z6789838127687_7cc6f2c5a7029f8d472061796c4c0349.jpg
Việc phân ban ở cấp THPT là chủ trương đúng nhằm tăng cường cá nhân hóa việc học, phát huy năng lực người học và định hướng nghề nghiệp rõ ràng.

Tuy nhiên, để chủ trương này phát huy hiệu quả, cần có sự đầu tư thực chất vào đội ngũ tư vấn, hạ tầng triển khai và cơ chế hỗ trợ nhà trường trong tổ chức phân ban, nhất là tại các địa phương còn thiếu điều kiện.

Lựa chọn tổ hợp môn ở lớp 10, nếu được thực hiện đúng cách và có định hướng từ sớm, sẽ giúp học sinh phát huy năng lực, học tập hiệu quả và chủ động thiết kế lộ trình nghề nghiệp tương lai. Ngược lại, nếu lựa chọn thiếu cơ sở, các em dễ “trượt ga” trong hành trình bước vào giảng đường đại học và thị trường lao động.

Vì vậy, cần sự phối hợp đồng bộ, sâu sát giữa nhà trường – phụ huynh – học sinh và các cơ quan hoạch định chính sách. Bởi giáo dục phổ thông không chỉ là truyền đạt kiến thức, mà còn là chuẩn bị con người về trí tuệ, năng lực, bản lĩnh cho tương lai.

Văn Hiền