Tiêu điểm Quốc tế

Qatar - Từ quốc gia nhỏ bé đến thủ đô ngoại giao toàn cầu

Ngọc Ánh (theo Guardian, AJ) 23/07/2025 08:02

(CLO) Từ một quốc gia nhỏ bé ở Vùng Vịnh, Qatar nay đã trở thành trung tâm ngoại giao toàn cầu, nơi các cường quốc tìm đến để tìm kiếm tiếng nói hòa giải.

Chọn hy sinh thể diện để đổi lấy ổn định

Sáng 13/6, chỉ vài giờ sau khi Israel phóng tên lửa vào Tehran (Iran), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lập tức gọi điện cho Quốc vương Qatar Sheikh Tamim. Ông hy vọng Qatar có thể thuyết phục Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian tham gia đàm phán. Iran từ chối. Họ sẵn sàng đối thoại, nhưng không trong bối cảnh bị tấn công.

Những ngày tiếp theo của cuộc chiến 12 ngày, giới chức Qatar liên tục trao đổi với cả ông Trump và lãnh đạo Iran. Đối với Qatar, một quốc gia nhỏ bé nhưng sở hữu mỏ khí đốt khổng lồ, xung đột khu vực không chỉ là rủi ro mà là mối đe dọa sinh tồn.

untitled(6).png
Bảo tàng Quốc gia Qatar (NMoQ) ở Doha, Qatar. Ảnh: Unsplash

Là đồng minh thân cận của Mỹ – nơi đặt căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại vùng Vịnh – nhưng cũng là đối tác thân thiết với Iran, Qatar hiểu rằng nếu bùng nổ một cuộc chiến toàn diện, họ sẽ là mục tiêu.

Khi Mỹ tấn công ba cơ sở hạt nhân của Iran vào ngày 22/6, Qatar coi đó là ác mộng. Đến ngày 23, Iran phóng tên lửa vào căn cứ al Udeid của Mỹ đặt tại Qatar. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại Qatar bị tấn công quân sự.

Cuộc tấn công là một sự kiện được thông báo cẩn thận giữa Iran, Mỹ và Qatar. Iran báo trước cho Mỹ, Mỹ báo lại cho Qatar, và không phận được đóng lại. 14 quả tên lửa được bắn đi, chỉ một quả rơi trúng mục tiêu mà không gây thương vong. Qatar lên án nhưng không đáp trả, chấp nhận tổn thất để mở đường xuống thang.

Ngày 24/6, nhờ sự can thiệp của Qatar, Iran đồng ý với lệnh ngừng bắn do Mỹ và Israel thúc đẩy. Qatar đã giành lại hòa bình từ miệng hố chiến tranh, chọn hy sinh thể diện để đổi lấy ổn định khu vực và an toàn quốc gia.

Chọn ngoại giao làm "vũ khí"

Là quốc gia chỉ có khoảng 3 triệu dân, trong đó chỉ 13% là công dân Qatar, và bị bao quanh bởi những cường quốc lớn như Ả Rập Xê Út, UAE và Iran, Qatar không thể dựa vào sức mạnh quân sự. Thay vào đó, họ chọn ngoại giao làm "vũ khí".

Trong vòng một năm, Qatar trở thành nhân vật trung tâm của hàng loạt thỏa thuận toàn cầu: rút quân Mỹ khỏi Afghanistan, hồi hương trẻ em Ukraine, trao trả con tin Mỹ và Israel, thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza.

Qatar chỉ là một chấm nhỏ ngay cả trong bản đồ khu vực.

Tính đến tháng 7 năm nay, Qatar đang trung gian cho 10 tiến trình hòa giải khác nhau, cả tại Doha và ở nước ngoài. Ngày 28/6, họ xuất hiện tại Washington để chứng kiến hiệp ước hòa bình giữa Congo và Rwanda – một thành quả từ các cuộc đàm phán do chính Qatar khởi xướng.

Vài ngày sau, phái đoàn Israel đến Doha, khởi động vòng thương lượng mới với Hamas. "Bất cứ khi nào có khủng hoảng, các bạn sẽ thấy chúng tôi", Chủ tịch Hội đồng tư vấn Qatar Mohammed al-Khulaifi nói.

Từng là vùng đất bị coi thường, không giàu như Ả Rập Xê Út, không hiện đại như UAE, không có tầm ảnh hưởng như Ai Cập, Qatar đã chuyển mình mạnh mẽ.

Tầm ảnh hưởng toàn cầu

Từ khi phát hiện mỏ khí đốt South Pars/North Dome vào thập niên 90, Qatar vươn lên thành nhà xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới. Đảo chính hoàng gia năm 1995 đưa Sheikh Hamad lên nắm quyền, người đặt mục tiêu "đưa Qatar lên bản đồ thế giới".

Ngoài ra tầm ảnh hưởng của Qatar cũng được thể hiện qua việc cho ra đời hãng tin Al Jazeera vào năm 1996, khuấy động chính trường Ả Rập bằng diễn ngôn phản kháng và sắc sảo.

Qatar không chỉ đầu tư tài chính toàn cầu – từ Harrods, Shard, PSG đến Miramax – mà còn giành quyền đăng cai World Cup 2022. Giải đấu thành công giúp nâng tầm quốc gia đến mức Thủ tướng Qatar gọi đó là “IPO của Qatar”.

Danh tiếng Qatar ngày càng lớn hơn trên toàn cầu thông qua việc tổ chức các sự kiện lớn như VCK World Cup 2022. Ảnh: CC/Wiki

Giữa những láng giềng chuyển mình hỗn loạn, Qatar giữ cho mình một bản sắc ổn định, bảo thủ nhưng linh hoạt. Họ duy trì nghiêm ngặt văn hóa địa phương, nhưng mở cửa với thế giới. Phụ nữ Qatar xuất hiện ở các vị trí quyền lực. Các cuộc gặp thượng đỉnh thường xuyên biến Doha thành điểm đến của những cuộc trò chuyện toàn cầu.

Ngoại giao với Qatar là bản sắc. Hiến pháp 2003 đã quy định chính sách đối ngoại dựa trên hòa bình và giải quyết tranh chấp bằng đối thoại. Lãnh đạo nước này coi mình như “bác sĩ ngoại giao” – tìm đúng toa thuốc cho các cuộc xung đột phức tạp. Phần thưởng không nằm ở quyền lực hay tài sản, mà là niềm tin, uy tín và ảnh hưởng.

Nhóm điều phối các cuộc đàm phán toàn cầu ở Qatar chỉ gồm Quốc vương Tamim, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Mohammed, và Bộ trưởng hòa giải Al-Khulaifi. Họ trực tiếp gọi điện, nhắn tin, đàm phán và chi tiền. Với ngân sách không giới hạn và không cần qua quốc hội, Qatar từng đưa 400 đại biểu Taliban đến Doha trong vài ngày, hay cam kết hàng trăm triệu USD hậu hòa bình ở Darfur.

Qatar không phải là thiên thần. Nhưng trong một thế giới đầy xung đột, quốc gia nhỏ bé này đang làm điều mà ít ai làm được: đem lại hòa bình. Và đó là cách họ, từng bước một, trở thành thủ đô ngoại giao của thế giới.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Qatar - Từ quốc gia nhỏ bé đến thủ đô ngoại giao toàn cầu
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO